Núp bóng từ thiện
Lâu nay người ta thường nói đến văn hóa ứng xử, văn hóa học đường, văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa giao thông… và rất, rất nhiều văn hóa khác trong đời sống xã hội. Nhưng văn hóa từ thiện thì ít người đề cập đến, cho dù đây là một hoạt động phổ biến và ngày càng được nhân rộng. Cũng có thể hoạt động từ thiện tự thân đã là hành vi văn hóa và việc làm từ thiện là hoàn toàn tự nguyện, nên khi đề cập đến vấn đề này, ít người nghĩ có lúc phải nhìn nhận đến khía cạnh văn hóa.
Xã hội càng phát triển, người dân càng nghĩ nhiều hơn đến hoạt động từ thiện. Việc làm từ thiện ngày càng đa dạng về hình thức, quy mô, thu hút nhiều cá nhân, nhóm thiện nguyện và các tổ chức các cấp tham gia, mang lại những tác động tích cực cả về vật chất và tinh thần cho những đối tượng nhận hỗ trợ và cho cả cộng đồng xã hội.
Tuy nhiên cũng xuất hiện không ít những câu chuyện lùm xùm xung quanh việc làm từ thiện. Từ thiện để “đánh bóng tên tuổi”, từ thiện để giải phóng bớt tư tưởng nặng nề khi vừa làm một việc chưa đúng, thậm chí lấy danh nghĩa hoạt động từ thiện để mưu cầu lợi ích cá nhân hoặc chiếm dụng tài sản của người khác dành cho những người cần được cứu giúp…
Có khi từ thiện còn chứa đựng nhiều mục đích khác nhau, thay vì chỉ mang đến sự trợ giúp kịp thời đối với những hoàn cảnh, mảnh đời không may mắn. Sự thiếu minh bạch trong hoạt động từ thiện đang là vấn đề “dậy sóng” truyền thông, khiến lòng tin của nhiều người bị lung lay… Trước thực trạng đó, văn hóa từ thiện được đặt ra và trở thành vấn đề được nhiều người quan tâm.
Có người nói: “Làm từ thiện đúng cách là văn hóa”, nhưng cũng có người cho rằng: “Chỉ cần xuất phát từ cái tâm”, hay: “Mang lại hạnh phúc cho cả người cho và được cho” vậy là đủ về ý nghĩa và hiệu quả.
Dân tộc ta vốn có truyền thống “yêu nước, thương nòi”, “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách. Lá rách ít, đùm lá rách nhiều”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”… để nói về truyền thống này.
Hình ảnh những cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân đến với các vùng thiên tai để chung tay góp sức sẻ chia khó khăn giúp người dân miền Trung vượt qua mất mát, đau thương đã để lại những hình ảnh đẹp về tinh thần tương thân tương ái của văn hóa Việt.
Hay phong trào “người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện, ngành ngành làm việc thiện” dấy lên trong giai đoạn cả nước phòng chống dịch Covid-19, từ quyên góp hỗ trợ các y bác sĩ trên tuyến đầu để có đủ sức khỏe phòng, chống dịch, đến việc hỗ trợ những người dân ở vùng bị cách ly hay người bị mất việc làm, không có thu nhập, giúp họ không bị đói ăn, đứt bữa.
Chắc không ai có thể quên việc Chính phủ đưa những chuyến bay cứu trợ đón công dân Việt Nam về nước từ khắp thế giới, quân đội mở cửa doanh trại đón người cách ly và phục vụ họ tận tình như người thân, hỗ trợ nhau từng chiếc khẩu trang, cái bánh mì, hộp cơm để đi qua mùa dịch; rồi những cuốn sổ tiết kiệm, phần quà Tết, suất học bổng dành cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…; đâu đâu cũng thấy hoạt động nhân đạo từ thiện.
Ngoài những hoạt động cứu trợ khẩn cấp trong các trường hợp thiên tai, hoạn nạn, có cả những hoạt động thiện nguyện lâu dài của các tổ chức từ thiện chuyên nghiệp, chủ động trao cho những đối tượng yếu thế trong xã hội những "cần câu", dạy cho họ cách "câu cá", khuyến khích họ muốn "đi câu" và tạo một môi trường có nhiều "cá" để người ta "câu"…
Không ít trường hợp thiếu may mắn, thật sự khó khăn nhận được hỗ trợ đúng lúc, cải thiện được chất lượng sống; nhiều lớp học, nhà tình thương được dựng lên; nhiều trẻ em được trả lại nụ cười và người bệnh giữ lại được mạng sống…
Điều đáng nói, bên cạnh những việc làm ý nghĩa, mang lại hiệu quả xã hội to lớn, thì cũng có không ít chuyện đau lòng mang danh từ thiện. Thực tiễn cho thấy, làm từ thiện không dễ, thậm chí nếu làm không đúng cách còn có thể kéo theo những hệ lụy không mong muốn.
Trong khuôn khổ bài viết, tác giả không muốn đề cập lại những câu chuyện về việc lạm dụng hoạt động từ thiện để trục lợi, hay lấy danh nghĩa từ thiện để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nhà hảo tâm, mà chỉ nêu một số quan điểm xung quanh vấn đề này.
Ông bà ta đã dạy: "Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống", tiền đi cửa trước, ra cửa sau rồi tan biến hết. Tiếc rằng, nhiều người vì sự hào nhoáng của hai chữ "từ thiện" mà quên đi điều đó. Họ từ thiện bằng cách đem cho ai đó một chút tiền, rồi phó mặc, miễn mình cảm thấy thoải mái.
Trong một xã hội hiện đại với nhiều mối tương quan phức tạp, trách nhiệm của công dân có ý thức không chỉ là lá lành đùm lá rách mà cần phải cố gắng hiểu những tương quan đó, tự hỏi mình về trách nhiệm cá nhân cũng như đặt câu hỏi mình có thể đóng góp được gì để thay đổi những nguyên nhân của vấn đề hoặc chí ít không làm vấn đề trầm trọng hơn.
Nói cách khác, từ thiện phải tạo được năng lực và bản lĩnh cho người được hỗ trợ để dần giúp họ có thể đứng trên đôi chân của mình và tự nắm lấy trách nhiệm của cuộc đời mình. Người ta gọi đó là từ thiện phát triển- Một loại hình từ thiện đang được quan tâm hiện nay.
Cùng với những việc làm ý nghĩa bằng cái tâm trong sáng, chúng ta phải có trách nhiệm đấu tranh, lên án những hành vi trá hình, thiếu minh bạch, núp bóng từ thiện. Hay nói cách khác, thiện cũng phải có văn hóa, văn hóa từ thiện, đừng mang danh từ thiện cứu trợ để trục lợi, đánh bóng tên tuổi hay phô trương đạo đức.
Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/76583/nup-bong-tu-thien.html