Nút thắt nhân lực trong nông nghiệp
Nguồn lao động đã qua đào tạo trong nông nghiệp sụt giảm, trong khi rất cần để thúc đẩy phát triển theo hướng bền vững, kinh tế xanh. Đây được coi là điểm nghẽn cần tháo gỡ để nông nghiệp từ vai trò 'trụ đỡ' trở thành 'trụ chính' cho tăng trưởng.
Thông tin từ cơ quan chức năng, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp lần đầu đạt mức hơn 53 tỷ USD. Trong đó có 8 nhóm sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu hơn 2 tỷ USD, gồm cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra và sản phẩm gỗ.
Số sinh viên các ngành nông nghiệp giảm
Từ lâu, nông nghiệp được coi là trụ cột, là “vịnh tránh bão” cho nền kinh tế. Hơn 30 năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến dài. Từ chỗ thiếu lương thực, dần tới chỗ an ninh lương thực được bảo đảm, vươn lên thành quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Cà phê, ca cao, cao su... cũng là những sản phẩm hàng hóa xuất khẩu mạnh của Việt Nam. Những năm gần đây, rau, củ, quả đã trở thành mặt hàng chiến lược trong xuất khẩu nông sản.
Đó là chưa kể đến những mặt hàng thủy hải sản, khi mà cá tra, tôm của Việt Nam đã giành được thị phần và vững chân ở các thị trường hàng đầu như Nhật Bản, Mỹ, khối các quốc gia Liên minh châu Âu (EU).
Tuy nhiên, với vai trò quan trọng như vậy, để nông nghiệp tiếp tục bứt phá, hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực. Thế nhưng, đây lại đang là điểm nghẽn.
Nhiều năm qua, đối tượng lao động chính ở nông thôn (người trẻ) rời làng ra phố tới các khu công nghiệp rất nhiều. Có nơi, làng chỉ còn người già và trẻ em, ruộng vườn ít được chăm sóc. Lớp trẻ vừa là lao động chính vừa là đối tượng tiếp thu nhanh khoa học kỹ thuật, nhưng do họ đã “ly hương lẫn ly nông” nên điều đó là khó khăn.
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả.
Mới đây, thông tin tại hội nghị hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Hà Nội (ngày 11/7) cho thấy, số người học ngành nông nghiệp ngày càng ít. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, cả nước có hơn 521.000 sinh viên nhập học ở 25 lĩnh vực đào tạo. Trong đó, chỉ có 7.100 sinh viên nhập học khối ngành nông lâm nghiệp, thủy sản, thú y (chiếm tỷ lệ 1,37%).
Đại diện Trường Đại học Nông Lâm (thuộc Đại học Huế) cho biết, thời điểm cao nhất tuyển sinh được hơn 2.300 sinh viên là năm 2015 nhưng lại giảm đáng kể ở các năm tiếp theo. Trong 5 năm gần đây, từ 2018-2022, hàng năm nhà trường chỉ tuyển sinh được khoảng 750-1.000 sinh viên, chỉ đạt khoảng 40% so với dự kiến.
Trong khi đó, số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, hệ đào tạo cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dạy nghề ngắn hạn ngành nông nghiệp đang giảm mạnh. Hệ cao đẳng từ hơn 6.000 học sinh năm 2016 giảm còn hơn 4.300 vào năm 2021. Một số trường đạt dưới 50% chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo cao đẳng so với chỉ tiêu đăng ký. Hệ trung cấp cũng giảm từ hơn 2.900 học sinh từ năm 2017 xuống còn hơn 2.100 năm 2021, giảm tới 39%. Có rất ít hoặc thậm chí không có ai đăng ký theo học.
Từ “sống được” phải chuyển sang “sống tốt”
Ý kiến giới chuyên gia cho rằng, việc ngành nông nghiệp bị “chê” không phải vì học xong không tìm được việc làm mà còn nhiều lý do khác. Muốn thu hút học viên, sinh viên theo học ngành nông nghiệp cần nhiều giải pháp đồng bộ, như cấp học bổng, tăng hạn mức vay đối với tín dụng sinh viên, miễn giảm học phí, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại cho các trường, cập nhật chương trình đào tạo ngang tầm quốc tế, hỗ trợ sinh viên học ngoại ngữ… Sau khi ra trường, họ không chỉ có việc làm mà việc làm phải đủ hấp dẫn về thu nhập lẫn môi trường làm việc.
Có nghĩa là đối với nguồn nhân lực kĩ thuật trong nông nghiệp phải từ chỗ “sống được” chuyển sang “sống tốt”.
Được biết, đến nay trên cả nước có khoảng 50 cơ sở đào tạo đại học có đào tạo các chuyên ngành về nông nghiệp, lâm nghiêp, thủy sản và thủy lợi. Riêng Bộ NNPTNT có 4 cơ sở đào tạo đại học và 28 trường cao đẳng.
Ông Ngô Hồng Giang - Vụ trưởng Vụ Tổ chức (Bộ NNPTNT) cho biết, người học các ngành nông nghiệp chủ yếu là con em nông dân sinh sống ở nông thôn, miền núi, vùng khó khăn. Cùng với đó điều kiện làm việc trong ngành vất vả, vị thế kém hấp dẫn so với các ngành khác, thu nhập của lao động làm việc trong ngành rất thấp, chỉ bằng 39% trung bình cả nước. Tâm lý đề cao những ngành phi nông nghiệp để có điều kiện lập nghiệp ở khu vực thành thị hoặc lựa chọn học nghề nhằm làm việc trong các khu công nghiệp ở địa phương đã tác động lớn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực nông nghiệp nói chung và nhân lực trình độ đại học, sau đại học nói riêng.
“Năm 2022, tỷ lệ này chiếm chưa đến 2% trong tổng số khoảng 520.000 sinh viên nhập học trên toàn quốc. Trong đó một số ngành có rất ít hoặc thậm chí không có sinh viên đăng ký theo học. Điều này đã, đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ và sản xuất, chế biến, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp” - ông Giang nói.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc gắn "học" với "hành", từ năm học 2017 đến nay, hàng năm Học viện đã kết nối, đưa gần 6.000 sinh viên đến hơn 200 doanh nghiệp và hơn 50 viện nghiên cứu để thực tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Còn theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, dù sinh viên học bất cứ ngành nào cũng phải bước vào đời sống xã hội nên các trường cần "mở rộng cửa" đưa xã hội vào trường học. Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục làm việc với các trường, các doanh nghiệp để việc đào tạo nguồn nhân lực đi đúng quỹ đạo thị trường.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nut-that-nhan-luc-trong-nong-nghiep-5724013.html