Ở Lễ hội Văn hóa Quan Công tại Malaysia

Sau khi tham dự, cảm nhận giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Chùa Ông Biên Hòa đầu năm 2024, Hiệp hội Văn hóa quốc tế Quan Công Malaysia mời đoàn Biên Hòa - Đồng Nai tham dự Lễ hội quốc tế văn hóa Quan Công tại Malaysia. Ban Trị sự Thất phủ Cổ miếu Biên Hòa tổ chức đoàn tham dự để đáp lễ, giao lưu, hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đẹp của Đồng Nai - Việt Nam.

Đoàn Đồng Nai chụp ảnh lưu niệm.

Đoàn Đồng Nai chụp ảnh lưu niệm.

Lễ hội quốc tế về văn hóa Quan Công

Tín ngưỡng văn hóa Quan Công được xem là giá trị văn hóa phi vật thể gắn với cộng đồng người gốc Hoa ở nhiều quốc gia khu vực châu Á, lấy Quan Thánh Đế Quân (một nhân vật thời Tam quốc, Trung Hoa) làm biểu tượng, tôn vinh các giá trị nhân văn Trung, Nghĩa, Nhân, Tín, Dũng trong đời sống, duy trì thực hành tín ngưỡng từ lâu đời, tạo hoạt động văn hóa kết nối đa tộc, đa nguồn, liên quốc gia. Từ năm 2014, Hiệp hội Quốc tế văn hóa Quan Công được thành lập, trụ sở tại Malaysia, với sự tham dự của cộng đồng người Hoa ở một số nước khu vực châu Á, thường niên liên kết, hợp tác với nhau tổ chức nhiều hoạt động thực hành văn hóa tín ngưỡng Quan Công.

Năm nay, lần thứ mười, lễ hội quốc tế được tổ chức tại bang Johor Bahru, Malaysia từ ngày 18 đến 21-10-2024, sau đó di chuyển đến các địa điểm thờ cúng Quan Công trên đường về Kuala Lumpur. Có 16 đơn vị đến từ 8 nước: Malaysia, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Lào, Singapore và vùng lãnh thổ Đài Loan tham dự. Lễ hội được tổ chức trang trọng, gồm nhiều hoạt động: Lễ bái, hội thảo khoa học, thư pháp, giao lưu tặng phẩm, trình diễn nghệ thuật, tuần du đường phố …

Rạng rỡ Việt Nam

Đoàn Biên Hòa - Đồng Nai do Ban Trị sự Thất phủ Cổ miếu Biên Hòa tổ chức. 46 người gồm các thành viên thuộc Ban Trị sự Thất phủ Cổ miếu Biên Hòa, Đoàn nghệ thuật Thiên Hoa và Liên đoàn Thể dục tỉnh, tham dự tất cả các hoạt động với đồng phục “bắt mắt”, trạng thái vui khỏe, cảm xúc thăng hoa.

Đoàn thực hiện các nghi thức hành lễ thành tâm, trang trọng, hợp phong tục. Tại hội thảo khoa học ngày 19-10, thạc sĩ Trần Quang Toại phát biểu ý kiến cô đọng, khái quát mà rất cụ thể về tín ngưỡng Quan Công ở Biên Hòa - Đồng Nai; nhiều đại biểu xem Biên Hòa - Đồng Nai là biểu tượng thành công của việc bảo tồn, phát huy di tích, di sản phi vật thể quốc gia.

Ở các buổi gặp gỡ, giao lưu với các đoàn, âm vang lễ hội Chùa Ông Biên Hòa đầu năm 2024 được nhắc mãi, ân tình thêm ấm áp, nghĩa tình thêm bền chặt; quà tặng giàu thêm giá trị văn hóa. Tặng phẩm của đoàn Đồng Nai đậm nét văn hóa Việt Nam làm vui lòng bè bạn: nón lá mang cờ Tổ quốc Việt Nam và biểu trưng lễ hội, khăn rằn Nam Bộ in logo Thất phủ Cổ miếu Biên Hòa, tranh vẽ Quan Công đọc binh thư qua tay biên tập nghệ thuật của họa sĩ Mai Văn Nhơn. Ngần ấy đủ nói lên ý nghĩa “văn dĩ vô ngôn” của Việt Nam.

Trong đêm gala 19-10, các đoàn tham gia biểu diễn, giao lưu nghệ thuật, nhiều họa sĩ tài danh giới thiệu thư pháp, tranh vẽ; đoàn Giang Tây trình bày trích đoạn biểu diễn về Quan Công; đoàn Thái Lan trình diễn nghệ thuật truyền thống Riemke. Đặc biệt, đoàn Đồng Nai - Việt Nam biểu diễn 2 chương trình nghệ thuật đặc sắc, được hoan nghênh nồng nhiệt.

Chương trình của Đoàn nghệ thuật Thiên Hoa do Từ Quốc Hoàng phụ trách, thực hiện điệu múa dâng hương khai lễ thiêng liêng, thành tâm, mềm mại, duyên dáng, ý nghĩa tôn vinh, tưởng nhớ bậc Thánh quân “Nhân gian vô cực”, những binh gia một lòng trung nghĩa tín dũng vô song. Điệu múa thay lời “Trong lòng có Quan Công thì mọi việc thành công”. Tại đêm gala, đoàn thực hiện các tiết mục múa truyền thống và hiện đại: “Đôi đũa cát tường” thể hiện ước vọng dài lâu bền vững trong cuộc sống, cầu mong sự may mắn, hanh thông đến với mọi người, mọi nhà; “Giăng đèn kết hoa” biểu trưng cho niềm vui hân hoan trong năm mới, cho sự hiệp thông giữa Thiên - Địa - Nhân, mừng cho quốc thái dân an, gia đình hòa thuận và hạnh phúc.

Chương trình nghệ thuật “Một thoáng Việt Nam” do Liên đoàn Thể dục Đồng Nai biểu diễn, Phạm Thị Ngọc Hà phụ trách, thời lượng 8 phút, tích hợp đủ các ngôn ngữ nghệ thuật âm thanh, ánh sáng, màn hình Led, múa hát, đạo cụ, hình ảnh tư liệu khiến khán giả ngạc nhiên, hào hứng, vượt qua rào cản ngôn ngữ để hiểu biết Việt Nam với đặc trưng văn hóa ba miền Bắc - Trung - Nam, trong đó “Đất phương Nam” giàu hương sắc. Chiếc nón lá quà tặng và phần kết của “Một thoáng Việt Nam” mang ý nghĩa vô tận: Kết nối văn hóa Việt Nam với Asean đoàn kết, văn hóa Việt Nam thân thiện, đoàn Đồng Nai - Việt Nam nghĩa tình.

Theo bóng cờ Việt Nam

Đoàn Đồng Nai - Việt Nam tham gia lễ tuần du đường phố với đội hình đông đảo, đồng phục, cờ Việt Nam phất phới suốt chặng đường hơn 5km. Dù có trở ngại đôi chút trong việc sắp xếp đội hình và thời gian kéo dài, nhưng toàn đoàn Đồng Nai - Việt Nam luôn thể hiện là đội hình đẹp, có kỷ luật, ấn tượng, tươi tắn và rộng mở. Suốt 4 giờ mệt mỏi, vẫn cười tươi, thân thiện giao lưu với mọi người. Hai đoàn nghệ thuật Thiên Hoa và Liên đoàn Thể dục tỉnh vui múa suốt chặng đường dài, cởi mở giao lưu với các đội hình, nhiều ảnh đẹp lấm tấm mồ hôi. Nhiều người ven đường reo vang “Việt Nam! Việt Nam! …”, có người xin lá cờ Việt Nam để cùng vẫy và lưu niệm. Có gia đình đẩy xe nôi đi cùng đội hình Việt Nam. Nhiều thanh niên Việt Nam đang học tập, làm việc ở Malaysia tất tả tìm đội hình, theo bóng cờ Việt Nam, cùng diễu hành trong đoàn Việt Nam. Một phụ nữ tên Trương Thị Cẩm Thúy (người gốc Tây Ninh, lấy chồng, làm việc ở Malaysia nhiều năm) chạy tìm đội hình Việt Nam mệt lữ, rủ bạn theo cùng, líu lo mừng vui: Nhớ Việt Nam lắm! Tự hào về Việt Nam lắm!

***

Lễ hội đã khép lại nhưng nghĩa tình giao lưu văn hóa mở ra, nối dài. Bởi vì, hoạt động của đoàn Thất phủ Cổ miếu Biên Hòa đã làm rạng rỡ hình ảnh của Đồng Nai - Việt Nam trong lòng bè bạn quốc tế, điều đó mang ý nghĩa hội nhập quốc tế bằng nhịp cầu văn hóa, thực hiện nghĩa vụ đối ngoại nhân dân.

Huỳnh Văn Tới

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202410/o-le-hoi-van-hoa-quan-cong-tai-malaysia-cda69e7/