Ô nhiễm không khí gây tổn thất kinh tế tương đương 4,45 – 5,64% GDP

Ô nhiễm không khí đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng không chỉ cho sức khỏe cho người dân mà còn cả cho nền kinh tế. Con số mới nhất cho thấy thời giá 2018, ô nhiễm không khí tại Việt Nam gây ra tổn thất, thiệt hại về kinh tế rơi vào khoảng 10,8 - 13,2 tỉ USD tương đương từ 4,45 đến 5,64% GDP.

Để chống ô nhiễm không khí cần chuyển từ tăng trưởng nâu xang tăng trưởng xanh

Để chống ô nhiễm không khí cần chuyển từ tăng trưởng nâu xang tăng trưởng xanh

Tại tọa đàm chính sách với chủ đề “Tổn thất kinh tế của ô nhiễm không khí và các chính sách giảm thiểu ô nhiễm" diễn ra tại trường Đại học Kinh tế quốc dân sáng ngày 14/1/2020, các chuyên gia nhìn nhận, ô nhiễm không khí đã và đang là mối quan ngại lớn với người dân khi các chỉ số chất lượng không khí liên tục trong nhiều ngày tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố lớn, các khu công nghiệp ở ngưỡng cao của thang cảnh báo.

Hệ thống thể chế về môi trường không khí hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu khi thiếu các quy định đặc thù, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; tính hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật chưa cao và thiếu tính gắn kết. Mặc dù nhận thức được sự nghiêm trọng và đề xuất một số giải pháp để kiểm soát ô nhiễm không khí nhưng nhìn chung công tác quản lý ô nhiễm không khí vẫn còn bất cập chưa được giải quyết triệt để.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng Việt Nam cũng giống như các nước đang trong quá trình công nghiệp hóa thường có sự chậm trễ tương đối trong các tiêu chuẩn môi trường, nước ta trong giai đoạn đầu tăng trưởng đã ưu tiên gia tăng nguồn lực sản xuất, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài, hệ lụy là đã có nhiều dự án trả giá đắt về ô nhiễm môi trường.

Để cuộc chiến chống ô nhiễm không khí đạt được hiệu quả về kinh tế và xã hội, cần thực thi ngay một hệ thống các giải pháp đồng bộ và toàn diện, bao gồm các biện pháp cảnh báo, dự báo, khuyến cáo và thực thi các chính sách cắt giảm các hoạt động gây ô nhiễm không khí.

Bên cạnh đó chính sách phát triển kinh tế tổng thể cần xác định mục tiêu kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là những cách tiếp cận đột phá để giải quyết vấn đề môi trường. Cần đổi mới tư duy, cách tiếp cận trong kiểm soát vấn đề không khí dựa trên quan điểm của kinh tế- môi trường.

Đồng thời, cần loại bỏ tư duy độc lập, đơn ngành trong quá trình hoạch định các chiến lược, chính sách phát triển ở tất cả các cấp, các ngành; đổi mới công nghệ trong sản xuất và tiêu dùng năng lượng sạch; tăng cường nghiên cứu khoa học, đánh giá và dự báo các tác động của ô nhiễm không khí.

Điểm chung được các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm là ô nhiễm không khí đã không còn chỉ là vấn đề kỹ thuật mà là vấn đề quản lý, trong đó những góc nhìn kinh tế và bản chất kinh tế của ô nhiễm không khí cần được xem xét phân tích, nhìn nhận để lồng ghép vào các công cụ, chính sách quản lý hướng tới một môi trường trong lành an toàn hơn cho người dân, giảm thiểu gánh nặng bệnh tật và kinh tế cho xã hội, đặc biệt tại các đô thị, hướng tới sự bền vững.

Nhìn tổng thể, để cuộc chiến chống ô nhiễm không khí đạt được hiệu quả về kinh tế và xã hội, cần thực thi ngay một hệ thống các giải pháp đồng bộ và toàn diện, bao gồm các biện pháp cảnh báo, dự báo, khuyến cáo và thực thi các chính sách cắt giảm các hoạt động gây ô nhiễm không khí.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/o-nhiem-khong-khi-gay-ton-that-kinh-te-tuong-duong-445-564-gdp-131466.html