Ô nhiễm môi trường Hà Nội: 2/3 nguồn ô nhiễm từ bên ngoài thành phố

Ô nhiễm môi trường mang tính chất liên vùng, liên tỉnh, do đó trong góp ý sửa đổi Luật Thủ đô, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã góp ý, đề xuất thành lập Ủy ban môi trường liên tỉnh. Trong đó, trưởng ban là Chủ tịch UBND các tỉnh thành nhằm tạo ra hiệu quả đồng bộ trong giảm ô nhiễm môi trường.

Sáng 23/2, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Ngân hàng Thế giới (World Bank) tổ chức Hội thảo Quản lý chất lượng không khí Hà Nội "Từ cam kết đến hành động".

Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, đại diện World Bank cho biết theo khảo sát đánh giá của đơn vị trong năm 2015, 40% tổng dân số của Hà Nội bị phơi nhiễm với nồng độ bụi PM2.5 ở ngưỡng gấp đôi mức quy chuẩn quốc gia và gấp nhiều lần tiêu chuẩn thế giới. "Chúng tôi chưa có số liệu cập nhập trong năm 2023 nhưng với tốc độ đô thị hóa cao thì tỷ lệ này còn cao hơn nhiều so với cách đây 7-8 năm", bà Thu nói.

Nghiên cứu cũng chỉ ra các nguồn phát thải tại nội đô chỉ chiếm 1/3 tổng phát thải, còn lại chủ yếu đến từ các vùng bên ngoài Hà Nội, các tỉnh lân cận và nguồn tự nhiên. Vị chuyên gia đưa ra mô hình giảm phát thải, cải thiện môi trường tại Bắc Kinh, Amsterdam, London...

Đồng thời đưa ra 5 khuyến nghị để giảm ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Đó là thắt chặt hơn các giá trị giới hạn phát thải đối với nhà máy điện và có biện pháp cho các làng nghề. Thực thi hiệu quả cấm đốt rơm rạ ngoài trời và áp dụng các biện pháp giảm bụi đường sá. Có chế tài thực thi tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy, ôtô và xe buýt. Quản lý bền vững chất thải rắn đô thị: Loại bỏ đốt rác lộ thiên, tăng tỷ lệ thu gom, phân loại và tái chế rác thải... Cuối cùng cần giải quyết triệt để các nguồn phát thải amoni từ nông nghiệp. Đặc biệt, để cải thiện hiệu quả chất lượng không khí ở Hà Nội không chỉ Hà Nội làm mà cần phối hợp với các tỉnh trong khu vực.

Hình ảnh tại hội nghị.

Hình ảnh tại hội nghị.

Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết để giảm ô nhiễm môi trường Thành ủy, UBND thành phố đã có nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ như nâng cao ý thức cộng đồng, cấm đốt bếp than tổ ong (đã giảm được 99,8% bếp than tổ ong), xử lý đốt rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp, tăng rửa đường, kiểm soát khí thải đối với xe gắn máy...

Bà Chi cũng nhìn nhận ô nhiễm môi trường mang tính chất liên vùng, liên tỉnh, do đó trong góp ý sửa đổi Luật Thủ đô, đơn vị đã đề xuất thành lập Ủy ban môi trường liên tỉnh. Trong đó, trưởng ban là Chủ tịch UBND các tỉnh thành nhằm tạo ra hiệu quả đồng bộ trong giảm ô nhiễm môi trường.

Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến đóng góp của chuyên gia về giải pháp quản lý chất lượng không khí ở Thủ đô đã được đưa ra.

Đầu năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của 63 tỉnh/thành phố.

Bộ chỉ tiêu gồm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường với 4 nhóm chỉ tiêu, 11 chỉ tiêu thành phần và 26 chỉ số đánh giá. Nhóm thứ hai là đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống với 4 nhóm chỉ tiêu và 1 chỉ số đánh giá.

Hà Nội năm nay ở vị trí khá thấp khi xếp thứ 55/63 tỉnh/thành phố với hầu hết chỉ số đều ở nhóm cuối. Với chỉ số nhóm 1 - đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường, Hà Nội xếp thứ 48/63 tỉnh/thành phố.

Đáng lưu ý, một số chỉ số thành phần như thực hiện phân loại rác tại nguồn, chỉ số xử lý thông tin phản ánh về môi trường qua đường dây nóng, tỷ lệ các cơ sở sản xuất kinh doanh phát sinh nước thải từ 50m3/ngày trở lên có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường… của Hà Nội ở mức khá thấp trong bảng xếp hạng.

Với chỉ số nhóm 2 đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống, Hà Nội trong top 5 địa phương có mức độ hài lòng thấp nhất, cùng với Bắc Kạn, Hà Giang, Vĩnh Phúc và Bình Phước.

Trần Hoàng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/o-nhiem-moi-truong-ha-noi-23-nguon-o-nhiem-tu-ben-ngoai-thanh-pho-post1512381.tpo