Ô nhiễm môi trường vẫn 'bủa vây' làng giấy lớn nhất miền Bắc

Nước thải, rác, khói, bụi... từ các cơ sở sản xuất, tái chế giấy ở làng Phong Khê (phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) vẫn đang từng ngày gây ô nhiễm môi trường địa phương này. Bà Nguyễn Thị Lợi (60 tuổi), một người dân làng, cho biết, từ khi làm giấy, kinh tế gia đình bà vững hơn, các con cũng được học hành đầy đủ nhưng đều đặn 2 tháng 1 lần, bà Lợi phải đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe.

 Mương bị ô nhiễm nghiêm trọng do hoạt động tái chế giấy

Mương bị ô nhiễm nghiêm trọng do hoạt động tái chế giấy

Nhức nhối ô nhiễm môi trường làng nghề

Phong Khê là một phường nằm ở phía Tây Nam, cách trung tâm thành phố Bắc Ninh khoảng 4 km. Với diện tích đất nông nghiệp ít, người dân Phong Khê từ bao đời nay đã lấy nghề làm giấy dó như một kế sinh nhai. Giấy dó Phong Khê trở nên nổi tiếng khi gắn liền với những bức tranh dân gian khắc gỗ làng Đông Hồ.

Hiện nay, nghề làm giấy dó ở Phong Khê phát triển. Hoạt động tái chế giấy góp phần giúp đời sống người dân địa phương được nâng cao. Tuy nhiên, thứ mà người dân nơi đây đang phải hứng chịu đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, không chỉ khói bụi mà còn là rác thải.

Đặt chân đến đầu làng, chúng tôi có thể nhận thấy mùi hắc gây cảm giác ngột ngạt. Thời điểm chúng tôi đến dù đã giữa trưa nhưng ống khói của các nhà máy tái chế giấy vẫn đua nhau xả khói đen kịt lên bầu trời.

Men theo những con đường, ngõ xóm ở Phong Khê, chúng tôi nhận thấy cống, rãnh nước màu vàng óng, có chỗ lại đen ngòm, bốc mùi khó chịu. Nghiêm trọng hơn, nước thải chảy qua cống thoát nước mưa, đổ thẳng ra sông Ngũ Huyện Khê, khiến con sông vốn đã bị ô nhiễm nhiều năm nay càng thêm nghiêm trọng.

Rác thải từ hoạt động tái chế giấy ở phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh)

Rác thải từ hoạt động tái chế giấy ở phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh)

Bà Nguyễn Thị Lợi (60 tuổi), một người làng giấy Phong Khê, cho biết, gia đình bà làm loại giấy vàng mã nhưng quy mô nhỏ, chủ yếu là làm thủ công. Hằng ngày, những lúc rảnh rỗi, bà Lợi lại ra khu vực đổ phế thải từ làm giấy để lượm nhặt những chiếc ghim sắt mang về bán đồng nát.

Công việc ấy tuy thu nhập không nhiều nhưng cũng giúp bà có thêm đồng ra, đồng vào. "Trước kia làm nông, quanh năm ngoài ruộng đồng nhưng chưa bao giờ nhà tôi đủ ăn. Từ khi chuyển sang làm giấy, kinh tế gia đình tôi vững hơn, các con cũng được học hành đầy đủ", bà Lợi bộc bạch.

Bà Nguyễn Thị Lợi mưu sinh bên đống rác thải từ hoạt động tái chế giấy

Bà Nguyễn Thị Lợi mưu sinh bên đống rác thải từ hoạt động tái chế giấy

Tuy nhiên, đều đặn 2 tháng 1 lần, bà Lợi phải đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe. Gia đình bà có 2 người con, cả 2 đều được ông bà định hướng làm nghề khác, chứ không theo nghề làm giấy.

Hướng mặt về phía cột khói đen đang bốc lên trời, một người dân làng không giấu được sự lo lắng. Cơ sở tái chế giấy này có quy mô lớn, lại nằm đối diện với trường mầm non của xã nên người phụ nữ này lo lắng sức khỏe của những đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng.

"Trước đây, khi con dâu vừa sinh con, tôi phải khuyên đưa cháu về nhà ngoại ở phường Võ Cường vì sợ ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cháu", người phụ nữ này chia sẻ.

Mương bị ô nhiễm nghiêm trọng do hoạt động tái chế giấy

Mương bị ô nhiễm nghiêm trọng do hoạt động tái chế giấy

Một giáo viên của Trường Mầm non phường Phong Khê cho biết thêm, đa số thời gian giữ trẻ, các lớp đều phải đóng cửa để tránh ô nhiễm khói bụi. Không chỉ trường mầm non, trường Tiểu học và Trung học cơ sở phường Phong Khê cũng nằm gần các cơ sở tái chế giấy. Bụi từ hoạt động tái chế giấy khiến mặt đường dẫn vào trường học đen kịt.

Sẽ dừng sản xuất trước năm 2030

Không chỉ không khí mà ô nhiễm nguồn nước cũng là một trong những điều khiến nhiều người dân sinh sống ở làng giấy Phong Khê lo ngại.

"Nước sinh hoạt hiện tại chúng tôi phải lọc nhiều lần mới dám sử dụng. Tôi chưa thấy ở đâu mà cơ sở sản xuất mọc ngay giữa khu dân cư như ở đây. Chúng tôi đã chịu cảnh ô nhiễm này nhiều năm rồi, dù đã có nhiều kiến nghị lên phường, lên thành phố nhưng đâu vẫn vào đó", một người dân trong làng cho biết

Cơ sở tái chế giấy nằm đối diện trường mầm non của phường Phong Khê

Cơ sở tái chế giấy nằm đối diện trường mầm non của phường Phong Khê

Theo ông Nguyễn Hà, Bí thư Đảng ủy phường Phong Khê, trước đây, người dân làng nghề thường dùng nhiều vật liệu để đốt lò hơi trong quá trình làm giấy. Với hơn 300 cơ sở sản xuất giấy, có trên 300 ống khói xả ra môi trường.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, đến nay, các cơ sở sản xuất giấy sử dụng hơi thương phẩm trong quá trình sản xuất, nhờ đó giảm được ô nhiễm khí thải làng nghề.

Song song với đó, tỉnh Bắc Ninh và các lực lượng chức năng đã quyết liệt trong quá trình xử lý các cơ sở vi phạm. Kết quả, năm 2022, số vụ vi phạm giảm xuống nhưng đến năm 2023 lại có chiều hướng tăng.

UBND phường Phong Khê cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp sớm có lộ trình dừng sản xuất và di chuyển tới những nơi được UBND thành phố Bắc Ninh giới thiệu để ổn định sản xuất kinh doanh.

Cơ sở tái chế giấy nằm gần trường Tiểu học và Trung học cơ sở phường Phong Khê

Cơ sở tái chế giấy nằm gần trường Tiểu học và Trung học cơ sở phường Phong Khê

Trong khi đó, lãnh đạo thành phố Bắc Ninh cho biết, đơn vị này đã ban hành kế hoạch thực hiện "Đề án tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường phường Phong Khê giai đoạn 2022 - 2030".

Theo đó, mục tiêu đến hết năm 2024, thành phố quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, gắn với các điều kiện về bảo vệ môi trường, đất đai; thường xuyên thanh tra, kiểm tra xử lý các cơ sở vi phạm các quy định về môi trường, an toàn điện, phòng cháy, chữa cháy...

Thành phố cũng sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn điện trong khu vực dân cư, cơ sở sử dụng đất vi phạm; dừng hoạt động sản xuất những cơ sở này trước ngày 31/12/2024.

Nước thải từ hoạt động tái chế giấy được xả tràn lan ra đường dân sinh

Nước thải từ hoạt động tái chế giấy được xả tràn lan ra đường dân sinh

Theo lãnh đạo thành phố Bắc Ninh, mục tiêu đến hết năm 2029, thành phố quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất trong các cụm công nghiệp Phong Khê I, Phong Khê II, gắn với các điều kiện về bảo vệ môi trường...

Dừng hoạt động của các cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp trước ngày 31/12/2029, đồng thời chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại cụm công nghiệp để phát triển đô thị, nhà ở, thương mại - dịch vụ.

"Từ ngày 10/7/2024 đến ngày 20/8/2024, thành phố thành lập 7 tổ công tác và 1 đoàn kiểm tra liên ngành đến 228 doanh nghiệp giấy (100%) trên địa bàn khu dân cư phường Phong Khê để xác lập lại biên bản ghi nhớ cam kết dừng sản xuất theo lộ trình (cuối năm 2024). Đồng thời, tuyên truyền, vận động doanh nghiệp di chuyển đến nơi thành phố giới thiệu; xử lý nghiêm các cơ sở nếu phát hiện vi phạm", lãnh đạo thành phố Bắc Ninh cho biết.

Nguyễn Hải Phong

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/o-nhiem-moi-truong-van-bua-vay-lang-giay-lon-nhat-mien-bac-2024073113060609.htm