Hiệu quả từ các chính sách dân tộc về văn hóa - xã hội
Là tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên với 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, thời gian qua, Lâm Đồng đã thực hiện các chính sách dân tộc về văn hóa - xã hội đầy đủ, kịp thời. Nhờ đó đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
Lâm Đồng có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm khoảng 25,72% dân số toàn tỉnh, trong đó DTTS gốc Tây Nguyên chiếm 17%. Toàn tỉnh có 78 xã và 478 thôn, tổ dân phố có trên 15% đồng bào DTTS sinh sống; nhiều xã, thôn, tổ dân phố có đồng bào DTTS sinh sống chiếm trên 80%.
Những năm qua, việc thực hiện chính sách dân tộc về văn hóa - xã hội luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng như các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân quan tâm, tập trung ưu tiên thực hiện ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đặc biệt là việc ban hành các nghị quyết, quy định, các chương trình, dự án... nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn ở các xã nghèo, vùng đồng bào DTTS như: Nghị quyết số 67/NQ-HĐND ngày 8/12/2017 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất tại các xã nghèo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng do ngân sách tỉnh đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020; Nghị quyết số 82/NQ-HĐND ngày 11/7/2018 quy định mức hỗ trợ từ nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc Gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 3/6/2022 về Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2030; chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS...
Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, địa phương cũng tập trung chăm lo đến đời sống văn hóa tinh thần cho bà con vùng DTTS. Nhiều chính sách, nghị quyết, quyết định, đề án của tỉnh về văn hóa được triển khai rộng khắp. Tỉnh Lâm Đồng đã triển khai nhiều đề án, chương trình góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Sau khi Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO vinh danh, tỉnh Lâm Đồng ban hành Đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2009 - 2015 và tầm nhìn 2020”; Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2023 - 2026, tầm nhìn đến năm 2035”... nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng. Để thực hiện hiệu quả các đề án trên, hàng năm, Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch tỉnh đã tổ chức Lễ hội Văn hóa cồng chiêng toàn tỉnh (nay là “Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào DTTS”). Đến nay, đã tổ chức hơn 100 lớp dạy cồng chiêng, thu hút gần 2.000 nam, nữ thanh, thiếu niên các DTTS tham gia. Toàn tỉnh hiện có hơn 100 đội, nhóm cồng chiêng hoạt động; duy trì hoạt động có hiệu quả 16 đội, nhóm cồng chiêng thường xuyên biểu diễn phục vụ du khách tại các điểm tham quan của Lạc Dương, Đà Lạt, Đức Trọng, Đạ Huoai... Đồng thời, cấp 30 bộ cồng chiêng, 120 bộ trang phục truyền thống các DTTS cho các đội, nhóm cồng chiêng tại các huyện.
Tiếp tục phát huy lĩnh vực văn hóa cũng như thực hiện chính sách dân tộc về văn hóa, đặc biệt, thực hiện Dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS, gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025” được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Di Linh và UBND huyện Lạc Dương xây dựng Làng văn hóa truyền thống dân tộc K’Ho tại thôn Klong Trao, xã Gung Ré, huyện Di Linh và tại thôn Đưng K’si, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương.
Cùng với các chính sách của Trung ương, HĐND tỉnh cũng đã kịp thời nghiên cứu, thống nhất thông qua nhiều chính sách dân tộc về văn hóa - xã hội và vùng DTTS trên các lĩnh vực khác như: y tế; giáo dục; bồi dưỡng tiếng DTTS dành cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Lâm Đồng. Đặc biệt, đối với lĩnh vực hôn nhân, gia đình, bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách theo Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2025”, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch số 6125/KH-UBND ngày 14/7/2023 “về thực hiện tiểu dự án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS và miền núi năm 2023”. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tình trạng tảo hôn ở Lâm Đồng giảm mạnh. Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2015-2020 toàn tỉnh có 1.064 trường hợp tảo hôn, 30 cặp kết hôn cận huyết thống; giai đoạn 2021-2023 có 195 trường hợp tảo hôn và 1 cặp kết hôn cận huyết thống, giảm 869 cặp tảo hôn và 29 cặp kết hôn cận huyết thống so với giai đoạn 2015-2020.
Có thể thấy, việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc về văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh đã tạo ra những bước chuyển rõ nét về mọi mặt, làm thay đổi diện mạo khu vực miền núi, nâng cao đời sống của người dân. Điều đó càng nhân lên niềm tin của đồng bào các DTTS đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tạo động lực để đồng bào đoàn kết, phấn đấu xây dựng buôn làng ấm no, hạnh phúc.