Ở nơi ký ức được chở che, người có công được tri ân

Tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất (Xã Long Hải, TP.HCM), những người có công với cách mạng được chăm sóc bằng sự tử tế và lòng tri ân sâu sắc.

Không kể công, chẳng nặng lòng quá khứ, những thương, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất (xã Long Hải, TP.HCM) vẫn giữ cho mình tinh thần lạc quan, sống vui, sống khỏe mỗi ngày. Đồng hành cùng họ là đội ngũ y bác sĩ luôn tận tâm chăm sóc, chu đáo như người thân trong gia đình.

"Ở đây, chúng tôi vẫn là tiểu đội sống cùng nhau"

Trong khoảng sân nhỏ của trung tâm, tiếng điều dưỡng cất lên đều đặn, chậm rãi đọc từng dòng tin tức cho ông Nguyễn Văn Hạnh (75 tuổi, quê Đồng Tháp) nghe. Dù đã mất hoàn toàn thị lực do pháo nổ, ông Hạnh vẫn giữ thói quen cập nhật tin tức, dõi theo từng chuyển động của đất nước qua giọng đọc thân quen mỗi ngày.

“Dù không nhìn thấy nhưng tôi vẫn muốn biết hôm nay quê hương đất nước thế nào, có gì mới, có gì đáng mừng. Nếu không còn quan tâm đến đất nước, tôi thấy mình sống mà thiếu mất một phần ý nghĩa” - ông Hạnh vui vẻ nói.

 Ông Nguyễn Văn Hạnh (bìa trái) được bác sĩ dẫn tới phòng tham dự sinh hoạt tại trung tâm. Ảnh: DI LINH.

Ông Nguyễn Văn Hạnh (bìa trái) được bác sĩ dẫn tới phòng tham dự sinh hoạt tại trung tâm. Ảnh: DI LINH.

Với 34 năm gắn bó, bà Thạch Thị Lâm (75 tuổi, quê Nghệ An) xem nơi đây như mái nhà thứ hai. Tuổi 17, bà từng giấu gia đình, khai tăng tuổi để được nhập ngũ, rồi trở thành công nhân quốc phòng tại chiến trường Lào. Một vụ nổ mìn năm 1971 khiến bà mất khả năng đi lại bình thường, nhưng không thể lấy đi tinh thần thép của người nữ binh năm xưa.

“Chúng tôi mỗi người từ một chiến trường, mang những vết thương khác nhau, nhưng sống cùng nhau như một gia đình để cùng cười, cùng sẻ chia những lúc đau ốm, yếu lòng. Ở đây chúng tôi vẫn là tiểu đội sống cùng nhau” - bà Lâm nói.

 Bà Lâm mất khả năng đi lại nhưng tinh thần vẫn lạc quan .Ảnh: DI LINH.

Bà Lâm mất khả năng đi lại nhưng tinh thần vẫn lạc quan .Ảnh: DI LINH.

Cũng như bà Lâm, ông Nguyễn Chí Tường (66 tuổi, quê Đà Nẵng), mất cả tay lẫn chân trong chiến tranh nhưng vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan, không than thở cũng chẳng nản lòng. Với ông, điều đáng quý nhất là ý chí không lùi bước và một tấm lòng đầy nhiệt huyết, ấm áp.

Tại trung tâm, ông Tường cùng các đồng đội thương binh hỗ trợ nhau từng việc nhỏ. “Người sáng mắt đẩy xe cho người không thể bước. Cứ thế mà sống, nương tựa nhau như thời còn trong chiến hào" - ông Tường chia sẻ.

Không chỉ nhận được nghĩa tình đồng đội, ông Hạnh, ông Tường, bà Lâm và những thương, bệnh binh nơi đây còn được đội ngũ y, bác sĩ và điều dưỡng chăm sóc tận tình từng ngày, từ sức khỏe đến tinh thần.

 Ông Tường (đứng giữa) phải sử dụng chân giả trong sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: DI LINH.

Ông Tường (đứng giữa) phải sử dụng chân giả trong sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: DI LINH.

Trong gian phòng chung, một chiếc xe lăn được điều dưỡng lau sạch mỗi sáng, một viên thuốc được đưa tận tay đúng giờ, một nụ cười đáp lại mỗi câu chuyện, tất cả đều là sự hiện diện âm thầm nhưng bền bỉ của lòng tri ân.

“Người trẻ hôm nay phải học hành tử tế, có nghề, có đạo đức, đó mới là cách xây dựng đất nước bền vững” - ông Tường nhắn gửi. Với ông, hạnh phúc là được sống tử tế, lặng lẽ mà kiên cường, giữa những người từng cùng vào sinh ra tử, nay lại cùng nhau đi hết chặng đường đời.

Tôi chưa từng thấy ai yêu cuộc sống như họ

Dưới hàng cây rợp bóng trước Khoa Tâm thần, bà Trương Thị Mong (78 tuổi), một thương binh đặc biệt, vẫn ngày ngày ngồi kể chuyện chiến trường cho đồng đội nghe.

“Cô hay quên chuyện thường ngày, nhưng những năm tháng chiến đấu, từng mật khẩu giao liên, từng cách giữ an toàn cho đồng đội hay tinh thần sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc… lại nhớ như in, kể vanh vách như thể vừa mới hôm qua” - bác sĩ Trần Thị Nhung kể lại.

 Bà Trương Thị Mong đang nghe dặn dò bác sĩ Nhung. Ảnh: DI LINH.

Bà Trương Thị Mong đang nghe dặn dò bác sĩ Nhung. Ảnh: DI LINH.

Gắn bó hơn 20 năm với trung tâm, bác sĩ Trần Thị Nhung, Phó Trưởng Phòng Y tế Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất, cho biết chỉ khi bắt đầu công tác tại nơi này, chị mới thực sự thấm thía ý nghĩa sâu xa của hai chữ “tự lực”.

Có những cô, chú thương binh mất gần như toàn bộ khả năng vận động, nhưng vẫn kiên quyết tự làm mọi việc trong khả năng từ ăn uống, sinh hoạt cá nhân, cho đến từng cử chỉ nhỏ nhất. Như bác Tường từng nói với tôi, là lính thì dù liệt vẫn còn cách đứng dậy, chỉ cần đầu không gục” - bác sĩ Nhung xúc động nhớ lại.

 Bác sĩ Nhung coi các cô chú thương, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất như người thân trong gia đình. Ảnh: DI LINH.

Bác sĩ Nhung coi các cô chú thương, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất như người thân trong gia đình. Ảnh: DI LINH.

Theo bác sĩ Nhung, việc chăm sóc người lớn tuổi đã khó, chăm sóc thương, bệnh binh với các khiếm khuyết về cơ thể lẫn tinh thần càng khó hơn. Chị xác định phục vụ thương binh, người có công không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là vinh dự lớn.

Với chị, điều khiến bản thân luôn trân quý nhất ở những người lính năm xưa chính là ký ức vẫn còn bám rễ sâu trong tâm khảm họ, dù có những bác không còn nhớ nổi tên mình, quên đi ngày tháng, nhưng mỗi lần nhắc đến đồng đội, chiến trường xưa… ánh mắt lại sáng lên đầy tự hào và xúc động.

“Các cô, chú đã hy sinh không chỉ một phần thân thể, mà là cả tuổi thanh xuân, cả cuộc đời riêng. Nhiều người sống suốt bao năm trong môi trường tập thể, không vợ, không con, thiếu vắng sự chăm sóc của gia đình, nhưng chưa từng oán thán điều gì. Họ sống bình thản, lạc quan và đầy kỷ luật" - bác sĩ Nhung chia sẻ.

Chính điều đó khiến những người thế hệ sau như chị càng thêm biết ơn và thấy mình cần sống có trách nhiệm hơn, không chỉ với nghề, mà còn với lịch sử.

“Không chỉ riêng ngày 27-7, mỗi ngày ở đây đều là một ngày tri ân. Chúng tôi luôn làm việc với tâm thế đó, chỉ mong sao các bác luôn khỏe mạnh, vui vẻ, sống thật bình an. Với tôi, đó chính là món quà lớn nhất, là lý do để mình tiếp tục gắn bó với nơi này” - bác sĩ Nhung bày tỏ.

Nuôi dưỡng "ký ức sống" của dân tộc

Theo ông Tống Đức Bình, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất, phần lớn các bác thương bệnh binh tại đây từng nằm điều trị nhiều năm tại các bệnh viện quân đội như 7A, 7B hay Bệnh viện Quân y 175 trước khi được chuyển về Trung tâm.

"Dẫu phải sống chung với bệnh tật, tuổi tác và nỗi đau chiến tranh để lại, điều khiến cán bộ trung tâm luôn khâm phục chính là tinh thần kỷ luật, gương mẫu, không than phiền. Đó là những phẩm chất vẫn được gìn giữ vẹn nguyên của người lính Cụ Hồ" - ông Bình nói.

 Ông Tống Đức Bình, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất. Ảnh: DI LINH.

Ông Tống Đức Bình, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất. Ảnh: DI LINH.

Theo ông Bình, trung tâm không chỉ là nơi chăm sóc sức khỏe mà còn là nơi gìn giữ ký ức sống của cả một dân tộc. Mỗi thương binh ở đây là một “nhân chứng lịch sử”, không chỉ kể chuyện bằng lời, mà bằng chính những vết thương trên cơ thể họ, một phần của lịch sử còn hiện hữu giữa đời thường.

Cứ mỗi dịp 27-7, Ngày Thương binh Liệt sĩ, không khí trong trung tâm lại lắng đọng và xúc động lạ thường. Các bác lại ngồi bên nhau, nhắc về những đồng đội đã nằm lại bên sườn đồi, bờ suối… những người không bao giờ trở về. “Có bác từng nói mình may mắn hơn đồng đội vì còn sống, được nhớ và được nhắc đến họ" - ông Bình kể lại.

 Cuộc sống sinh hoạt hàng ngày tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất. Ảnh: DI LINH.

Cuộc sống sinh hoạt hàng ngày tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất. Ảnh: DI LINH.

Những ngày tri ân, trung tâm đón nhiều đoàn thể, học sinh, sinh viên đến thăm hỏi, lắng nghe câu chuyện của các thương, bệnh binh nơi đây. Với ông Bình, đó không chỉ là hoạt động ý nghĩa, mà còn là cơ hội để thế hệ trẻ được “chạm vào lịch sử”, không phải qua sách vở, mà bằng ánh mắt, giọng nói, những vết thương thật sự từ những con người đã đi qua chiến tranh.

Ông Bình cho rằng việc chăm sóc thương, bệnh binh không chỉ là trách nhiệm, mà còn là sự gìn giữ "ký ức sống" của cả một dân tộc.

“Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất không chỉ là nơi điều dưỡng mà còn là nơi lưu giữ những chứng nhân lịch sử, những con người đã sống, chiến đấu, hy sinh. Khi thế hệ trẻ đến đây, không chỉ là một chuyến thăm mà còn là hành trình trở về với lịch sử, để tri ân và tiếp nối truyền thống" - ông Bình nhấn mạnh.

Đơn vị duy nhất phía Nam chuyên chăm lo các thương, bệnh binh nặng

Ra đời từ năm 1977, Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Cục Người có công (Bộ Nội vụ). Đây cũng là đơn vị duy nhất ở phía Nam chuyên chăm sóc, nuôi dưỡng các thương bệnh binh nặng, những người có công đã để lại một phần thân thể nơi chiến trường để Tổ quốc có được hòa bình hôm nay.

Hiện nơi đây đang nuôi dưỡng 45 thương, bệnh binh đến từ hơn 20 tỉnh, thành trên cả nước. Tất cả đều là những trường hợp tổn thương rất nặng, thuộc hạng 1/4, mất sức lao động trên 81% và không còn khả năng tự chăm sóc.

Nhiều người có vết thương đặc biệt như: Vết thương cột sống gây tê liệt hoàn toàn hai chi dưới, vết thương sọ não gây rối loạn tâm thần, một số thương binh có vết thương cắt cụt chi thể, bụng, ngực, vết thương hỏa khí gây hỏng hoàn toàn hai mắt...

DI LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/o-noi-ky-uc-duoc-cho-che-nguoi-co-cong-duoc-tri-an-post861586.html