Ở nơi rừng thẳm, các cô giáo góp tiền nuôi học sinh đến trường
Sau giờ họp, cô thì 50 ngàn, cô thì 100 ngàn… mỗi cô một chút, một ít góp tiền mua gạo, thức ăn nuôi học sinh ở điểm trường Nậm Chua
Cách trường Mầm non Chà Tở (xã Chà Tở, Nậm Pồ, Điện Biên) 32 km, điểm trường Nậm Chua nằm sâu trong nhóm dân cư giữa rừng thẳm.
Nói về điểm trường này, cô giáo Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng trường mầm non Chà Tở cho biết đây là điểm trường xa nhất của trường.
May mắn một chút, là điểm trường mầm non Nậm Chua cũng đã được các nhà hảo tâm xây tặng lớp học khang trang nên cô trò cũng đỡ vất vả.
Thế nhưng, có trường mới rồi việc duy trì lớp học ở điểm Nậm Chua gặp rất nhiều khó khăn khi các cô giáo ở Chà Tở phải nuôi toàn bộ học sinh mầm non để các em đến trường.
Ở điểm Nậm Chua, hơn 20 học sinh đều là học sinh người Mông, bố mẹ làm nương xa nên cũng không quan tâm việc các con đến lớp thế nào, họ cứ bỏ mặc vậy, ăn uống thế nào cũng chẳng biết.
Mỗi bữa cơm của các em học sinh tại Nậm Chua được nhà nước hỗ trợ 8000 đồng/bữa cơm trưa, nhưng bữa tối, bữa sáng của các con phải tự lo....
Để duy trì được sĩ số, các cô giáo ở trường Mầm non Chà Tở hàng tháng phải bỏ tiền ra nuôi các con những bữa còn lại.
Nhờ sự gom góp của các cô giáo, cơm của các con có chút cá, chút thịt, những thứ mà có thể ở nhà chúng rất ít khi được ăn.
“Người dăm chục, người 100 ủng hộ các con anh ạ. Không nhiều nhưng cũng đủ duy trì cho các con được bữa cơm. Ấm cái bụng thì các con mới đến trường được”, cô Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Cô giáo Tòng Thị Thoa, năm nay đã về điểm trường trung tâm, điểm trường Nậm Chua đã được chuyển lại cho 2 cô giáo là Tao Thị Huế và Tòng Thị Tâm.
Năm học trước, dù 1 mình một điểm trường mà lại là điểm trường xa nhất nhưng điểm trường Nậm Chua của cô giáo Thoa đã được chọn là lớp điển hình cho cả trường tham quan học tập.
Đường vào Nậm Chua dài 32km nhưng có đến 10 km đường rừng sâu hut hút, quá nửa đường còn lại là được cấp phối xuống cấp, sạt nở và những vực sâu hun hút.
Nhắc lại quãng đường đã đi qua nhiều năm, cô Thoa bảo em đi mãi thành ra cũng quen.
Cuối tuần phụ huynh đón học sinh về cũng là lúc các cô về lại tổ ấm đồng thời xuống trung tâm mua nhu yếu phẩm cho các con.
Đường từ Nậm Chua về còn háo hức nhưng ngược lại ngày Chủ nhật hoặc sáng thứ 7 là quãng đường đến trường dài hun hút.
Lịch trình của cô Thoa bắt đầu từ chiều Chủ nhật, hôm nào trời đẹp, nắng dáo thì cô sẽ đi từ sớm thứ 2… cứ như vậy suốt nhiều năm rồi cô Thoa chưa nghỉ buổi dạy nào.
Khi chúng tôi hỏi đường xa thế, thân gái một mình, cô không sợ sao, cô Thoa bảo, em chẳng nghĩ gì cả cứ thế là đi thôi…
Năm nay được chuyển về điểm trường trung tâm, cô Thoa bảo, giáo dục vùng khó chỗ nào cũng vậy thôi ạ, chị em chúng em mỗi người gánh một chút san sẻ cho nhau đỡ vất vả.
“Nhiều khi cũng nhớ chúng nó lắm ạ. Dẫu sao cũng gắn bó với nhau cả năm trời. Thời gian các con ở với cô giáo còn nhiều hơn cả với bố mẹ nên tính nết chúng nó thế nào chúng em thuộc hết”, cô Thoa tâm sự.
Tại điểm trường Nậm Chua, ngoài các em được hỗ trợ, các em gần nhà đến tối được về với bố mẹ, còn lại các con ở lại trường với cô giáo cả ngày.
Sáng thứ 2 bố mẹ đưa các con đến trường, chiều thứ 6 bố mẹ đến đón con về.
Học sinh sở Nậm Chua đã được nhà nước hỗ trợ tiền ăn trưa theo chế độ chính sách cho học sinh vùng cao, thế nhưng, bữa sáng và bữa tối, nhà xa, phụ huynh còn có nhiều khó khăn nên các cô giáo phải góp tiền ủng hộ các con.
Chia sẻ với phụ huynh vùng khó, các cô cũng đã nhiều lần vận động phụ huynh góp gạo, đưa thêm thức ăn, nhưng khổ nhà nào cũng đông con, miếng ăn lo cả nhà còn có nhiều vất vả... nên nhiều khi phụ huynh phó mặc cả cho cô giáo mầm non.
Vậy là cô Thoa, cô Tâm, cô Huế tự dưng có thêm gần chục con thơ tuổi từ 3 – 5 tuổi.
Năm nay, cô giáo Liên vất vả hơn, nếu năm ngoái là 7 em ở với cô giáo thì năm nay tăng lên 10 em nhà xa không về với bố mẹ được.
Hằng ngày ở trên lớp là cô giáo, đến tối các cô lại là mẹ của cả chục đứa con thơ.
Vất vả là vậy nhưng cô Thoa chẳng than với chúng tôi một câu vất vả nào mà chỉ kể về các con như những kỷ niệm đẹp đã qua, thậm chí nhiều lúc còn nhớ chúng vô cùng.
Bởi theo cô giáo Thoa: “Dù sao cũng gắn bó với chúng nó mà”.
Một mình cô giáo giữa rừng thẳm vừa nấu cơm, vừa giặt quần áo, lo vệ sinh cho cả thảy gần 40 cháu nhỏ…luôn chân, luôn tay như vậy nhưng vẫn đảm bảo dạy học tốt, đạt mô hình giáo dục tiêu biểu của trường tham quan học tập.
Thế mới thấy cô giáo ở Nậm Chua “siêu nhân” như thế nào.
Nói về động lực để các cô vươt qua gian khó, cô hiệu trưởng Hồng bảo: “Chúng em ở đây phải tự tìm niềm vui trong cái khổ. Thế mới bám trụ được nơi thâm sơn cùng cốc này chứ ạ”.