Ở quốc gia chỉ gõ cửa nhầm nhà cũng có thể bị bắn chết

Ở quốc gia tràn ngập súng đạn như Mỹ, người lạ trở thành mối đe dọa, khiến những hành động như tới nhầm địa chỉ hay đang đứng đỗ xe cũng có thể khiến một số người bị bắn.

Ở ngoại ô Detroit, một cậu bé 14 tuổi đi lạc đang tìm đường. Ở thành phố Kansas, một thanh niên 16 tuổi đi đón em tới nhầm địa chỉ. Ở thị trấn nhỏ tại Alabama, một cậu bé 12 tuổi lục lọi ở trong sân. Ở New York, phụ nữ 20 tuổi đi nhầm đường. Ở Texas, hoạt náo viên lên nhầm xe.

Tất cả họ đều vô tình nhầm, và đều bị bắn. Họ mắc sai lầm vô tội với những hành động đơn giản. Đây là những ví dụ cho thấy tại Mỹ - đất nước tràn ngập súng đạn, tâm lý giận dữ và hầu hết bang trao quyền sở hữu súng bằng luật tự vệ mới, các sai lầm đều có thể dẫn tới chết người.

Dù không có số liệu chính xác, những vụ nổ súng dạng này tương đối ít tại quốc gia có gần 49.000 người chết vì súng mỗi năm. Nhưng các nhóm ủng hộ kiểm soát súng nói những vụ việc này là minh họa rõ ràng về thái độ về súng của nước Mỹ có thể dẫn tới hậu quả bi thảm ra sao.

Bắn trước, hỏi sau

Tuần này, vấn đề bị bắn vì đi nhầm đã châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình và phẫn nộ lan rộng trên khắp nước Mỹ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp khác không được chú ý tới vậy.

Hồi tháng 7/2021, một người đàn ông Tennessee bị buộc tội nhắm bắn hai nhân viên của công ty truyền hình cáp đi nhầm sang khu đất của người này. Tháng 6/2022, vụ việc tương tự xảy ra với 3 anh em đi lạc vào khu nhà một người đàn ông ở Virginia.

“Bắn trước, hỏi sau”, Justin Diepenbrock - cư dân sinh sống tại hạt Polk, Florida - nói. Đây từng là nơi từng xảy ra vụ việc hai cha con nổ súng vào một phụ nữ đang đỗ xe sau ca làm đêm vì tưởng là trộm.

Theo các nhà hoạt động và nghiên cứu, nguyên nhân dẫn tới những vụ việc như vậy xuất phát từ sự hội tụ của nhiều yếu tố: Nỗi sợ tội phạm gia tăng, ngày càng nhiều người sở hữu súng, thông điệp chính trị về súng ngày một cực đoan, sự sợ hãi gieo rắc trên các phương tiện truyền thông, hay các chiến dịch tiếp thị của ngành công nghiệp súng.

“Nhóm vận động hành lang tiếp thị súng như vật cần thiết để tự vệ”, Jonathan Lowy - luật sư và nhà hoạt động chống bạo lực súng đạn - nói.

 Trong tháng 3/2020-3/2022, khoảng 5% người Mỹ mua súng lần đầu tiên. Ảnh: Reuters.

Trong tháng 3/2020-3/2022, khoảng 5% người Mỹ mua súng lần đầu tiên. Ảnh: Reuters.

Niềm tin cho rằng tội phạm đang gia tăng, đặc biệt là tội phạm bạo lực bằng súng, không phải là không có căn cứ.

Theo dữ liệu chính phủ Mỹ, tỷ lệ án mạng trên toàn quốc đã tăng khoảng 1/3 kể từ năm 2019. Cùng với lạm phát gia tăng, trộm cắp và cướp giật ở các thành phố lớn tăng khoảng 20% trong nửa đầu năm 2022, sau khi giảm trong 2 năm trước đó.

Tỷ lệ mua súng cũng tăng trong thời kỳ đại dịch Covid-19 và các cuộc biểu tình sau vụ George Floyd bị cảnh sát ghì tới chết. Theo khảo sát của NORC, gần 20% hộ gia đình Mỹ mua súng trong tháng 3/2020-3/2022, và khoảng 5% người Mỹ mua súng lần đầu tiên.

Bên cạnh đó, các bang do đảng Cộng hòa lãnh đạo như Florida hay Texas đã thông qua luật mới, cho phép mọi người mang súng công khai hoặc giấu vũ khí theo người mà không cần giấy phép.

Hơn 30 tiểu bang có luật "tử thủ", cho phép người dân được phản ứng lại các mối đe dọa hoặc vũ lực tại những nơi họ có quyền làm vậy mà không sợ bị truy tố hình sự. Một số gần đây đã củng cố luật tự vệ tại nhà, khiến việc truy tố chủ nhà dùng súng tự vệ trở nên khó khăn hơn.

“Nhiều người trở nên hoang tưởng và lo lắng quá mức, và rồi nhà họ vang lên những tiếng gõ cửa không báo trước”, ông Lowy nói.

"Giết người bằng chổi sơn ư?"

Byron Castillo - 51 tuổi - biết cảm giác thế nào là gõ cửa không báo trước.

Sáng 30/1/2020, ông Castillo có nhiệm vụ đến sửa chữa và sơn lại bếp ở căn hộ tầng 2 tại High Point, North Carolina. Ông gõ cửa 3 lần và nói to mình là người tới sửa chữa. Người thuê nhà bên trong mở cửa và bắn vào bụng ông Castillo mà không nói một lời.

Ông lê mình tới xe tải và lái đến khu vực văn phòng chung cư, sau đó gục xuống sàn. Ông trải qua một tháng trong bệnh viện và 5 tháng hồi phục tại nhà. Hóa ra, lúc đó ông lên nhầm tầng.

Sở Cảnh sát High Point cho biết các công tố viên từ chối đưa ra cáo buộc. Cảnh sát nói người đàn ông kia nổ súng vì tưởng là trộm. Ông Castillo không tin.

“Lúc đó tôi cầm bàn chải và lăn sơn trên tay. Tại sao thứ đó lại là mối đe dọa? Giết người bằng chổi sơn ư?”, ông nói.

Hơn 3 năm sau, ông Castillo vẫn phải thanh toán 30 USD tối thiểu hàng tuần hóa đơn y tế và cảm thấy khó chịu ở ngực dọc theo vết sẹo phẫu thuật. Trở lại công việc cũ, ông thường hét lên mỗi khi tới và kiểm tra từng phòng để đảm bảo không có ai cầm súng đang đợi.

 Ông Byron Castillo cùng vết sẹo do trúng đạn. Ảnh: New York Times.

Ông Byron Castillo cùng vết sẹo do trúng đạn. Ảnh: New York Times.

Luật tự vệ của chủ nhà và người sở hữu súng vẫn là vấn đề gây tranh luận gay gắt, khi những người ủng hộ cho rằng luật ngăn chặn hành vi phạm tội. Tuy nhiên, một số nghiên cứu quy mô lớn chỉ ra hiệu quả của luật này không nhiều, nhưng lại làm tăng nguy cơ xảy ra bạo lực súng đạn và phân biệt đối xử, đặc biệt với người da đen.

Theo tổ chức Giffords Law Center to Prevent Gun Violence, vụ xả súng người da trắng bắn người da đen có khả năng được coi là “chính đáng” cao gần gấp 3 lần so với vụ người da trắng bắn người da trắng.

Phân tích năm 2023 từ RAND Corporation không tìm thấy bằng chứng cho thấy những luật này có tác dụng răn đe, nhưng có một số dấu hiệu có thể dẫn tới gia tăng bạo lực súng đạn.

Ngoài ra, ở cấp địa phương hoặc quốc gia, không có số liệu thống kê đáng tin cậy nào về việc dùng súng tự vệ. Trung tâm Nghiên cứu Kiểm soát Thương tật Harvard phát hiện súng có khả năng dùng trong trường hợp tự sát, vô tình nổ súng, trộm cắp... hơn là bảo vệ bản thân.

Trong khi đó, trong khảo sát do William English - giáo sư Trường Kinh doanh Đại học Georgetown - dẫn đầu, khoảng 1/3 trong số 16.700 chủ sở hữu súng nói dùng súng để tự vệ, nên ông ước tính cả nước có 1,6 triệu người tự trang bị vũ khí để bảo vệ bản thân vào năm đó.

Tại Atlanta, cha mẹ Omarian Banks (19 tuổi) nói con trai mình không gây ra mối đe dọa nào vào đêm tháng 3/2019. Sau khi kết thúc ca làm ở McDonald's, anh đến chung cư bạn gái và gõ nhầm nhà.

Banks đã cố gắng xin lỗi, nhưng chủ nhà Darryl I. Bynes (32 tuổi) nói: “Không, đúng nhà rồi đấy” và bắn chết anh. Bynes đã bị xử tội giết người vào mùa hè này.

“Tôi biết mọi người có quyền bảo vệ nơi ở. Nhưng hãy nghĩ kỹ trong một phút, bởi trước mắt bạn là con của một ai đó”, mẹ của Banks nói.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/o-quoc-gia-chi-go-cua-nham-nha-cung-co-the-bi-ban-chet-post1424188.html