Ở rể

Ở rể, không phải là chuyện nhỏ nhưng cũng không hẳn là chuyện lớn nếu trong lòng người luôn giữ được tình yêu và sự bao dung.

Ai đi qua con ngõ nhỏ trên phố Phạm Ngũ Lão cũng từng ít nhất một lần bắt gặp hình ảnh người đàn ông nhỏ con, da rám nắng, đang lúi húi cắt cành, nhặt lá, tưới rau cho vợ chuẩn bị bữa cơm chiều. Anh tên Tín, dân miền Tây thứ thiệt, giọng nói lúc nào cũng chậm rãi và ấm như nước dừa xiêm. Cũng vì giọng nói đậm chất miền Tây ấy, người ta biết anh là… ở rể.

Nhiều người thường bảo, ở rể là chuyện nhỏ nhưng với một người đàn ông phải bỏ quê, bỏ cha mẹ, ra sống nơi đất khách, lại làm rể nhà vợ thì không hề nhỏ. Với Tín, đó là cả một hành trình.

Anh quen Vân, vợ anh bây giờ ở đại học trong Cần Thơ. Cô là con gái xứ Đông, gốc Bắc chính hiệu vào đây học. Hai người gặp nhau qua một buổi sinh hoạt đoàn trường. Từ những hoạt động của đoàn mà hai người dần thân và yêu nhau. Tình yêu của họ giản đơn nhưng thấu hiểu. Vân thương cái chân chất của anh, còn anh thì quý sự rạch ròi, thẳng thắn của cô.

Ra trường, Vân phải về Bắc theo ý bố mẹ. Là con một, từ bé đã được nâng như trứng, hứng như hứng hoa, nên chuyện lập nghiệp xa nhà là điều không thể. Không muốn xa người yêu nhưng vì bố mẹ gây áp lực nhiều lần nên Vân đành ngậm ngùi nghe theo. Còn Tín, sau nhiều đêm trằn trọc, đã chọn… đi theo Vân ra Bắc.

"Ở đâu có em là có anh", anh nói vậy, rồi gom đồ ra Bắc, xin làm kỹ thuật viên cho một công ty giống cây trồng. Cưới xong, theo lời mẹ vợ: “Nhà chỉ có mình con Vân, bố mẹ cũng già rồi, con thông cảm ở cùng vài năm cho ông bà vui.” Anh gật đầu và thế là thành ở rể.

Thực ra, những ngày đầu cũng không đến nỗi nào. Ông bà thông gia vốn là người tử tế, sống có nguyên tắc. Họ quý Tín, ít nhất là vì anh hiền và thương con gái họ thật lòng. Nhưng sống chung một nhà, chuyện nhỏ lâu dần cũng hóa chuyện lớn.

Tín quen ăn cay, nói thẳng, sống thoải mái. Ở quê anh, con rể có thể nhậu với bố vợ, ngồi võng đọc báo, không ai ý kiến. Nhưng ở nhà vợ, anh phải quen với những nguyên tắc bất thành văn như bữa cơm đúng giờ, chăn màn gấp vuông và “việc nhà con rể nên chủ động hơn để khỏi bị mẹ vợ nhắc”.

Có lần, anh quên gấp chăn, mẹ vợ không nói nhưng gấp hộ xong thì đóng cửa phòng mạnh hơn bình thường. Có lần anh định góp ý món canh hơi mặn, vợ nhắc nhỏ: “Mẹ nấu quen rồi, anh đừng góp ý, mẹ buồn".

Khó nhất không phải chuyện sinh hoạt mà là ánh mắt của thiên hạ. Những câu nói tưởng chừng bâng quơ như: “Ở rể thì phải nhịn cho yên cửa yên nhà” hay “gái Bắc lấy trai Nam, không biết chịu được bao lâu”... cứ thấm dần vào lòng người. Những lúc mỏi mệt nhất, anh thường ra ngồi ở bậc thềm sau nhà, nhìn về hướng Nam mà lòng xôn xao.

Nhưng rồi, cũng từ những khó khăn ấy, anh học cách lặng lẽ thích nghi. Tín bắt đầu tập ăn nhạt, tập gấp chăn theo kiểu “gọn như lính”, tập dùng nước mắm pha loãng theo khẩu vị người Bắc. Anh phụ mẹ vợ rửa bát, đón con giúp vợ mỗi chiều, dành thời gian đọc sách về canh tác hữu cơ để chuẩn bị cho dự định mở vườn rau sạch ở quê vợ. Không oán trách, không đổ lỗi, anh chọn cách yêu thương bằng hành động.

Rồi cái tình ấy dần được đền đáp. Một lần, bố vợ ốm phải vào viện. Vợ bận công tác, mẹ luống cuống, chỉ có anh là người thức trắng đêm bên giường bệnh. Từ hôm đó, ánh nhìn của bố vợ với anh khác hẳn, nhẹ nhõm, tin tưởng và có phần nể trọng.

Vườn rau sạch của anh cũng dần đi vào ổn định. Anh xin nghỉ công ty về tự làm, tự bán, lấy sân thượng nhà bố mẹ vợ làm nơi thử nghiệm mô hình rau hữu cơ. Lúc đầu chỉ vài đơn online, sau có cửa hàng đặt cố định, rồi vài trường mầm non quanh thành phố ngỏ ý hợp tác. Từ “Tín ở rể”, người ta bắt đầu gọi anh là “Tín rau sạch”.

Tuần vừa rồi, vợ chồng anh đưa con gái về Sóc Trăng thăm ông bà nội. Mẹ anh nắm tay con dâu, rơm rớm nước mắt: “Má thương con như con gái ruột”. Còn Vân thì lần đầu ngồi gói bánh cùng mẹ, nghe bà con hàng xóm chọc ghẹo “con dâu Bắc mà gói bánh khéo quá chừng".

Đêm miền Tây tĩnh lặng, yên bình, Tín ôm con gái nhỏ vào lòng, nhìn vợ đang ríu rít cùng mẹ anh học thêu, lòng chợt dâng lên một niềm hạnh phúc khó gọi thành tên. Ở rể, không phải là chuyện nhỏ. Nhưng cũng không hẳn là chuyện lớn nếu trong lòng người luôn giữ được tình yêu và sự bao dung.

HỒNG TƯƠI

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/o-re-410081.html