Ở tập thể, ăn bếp chung, trào lưu 'bao cấp 1 thời đang nở rộ

Đặt thuê phòng trên điện thoại, gọi đồ ăn từ ứng dụng và mua sắm nhận hàng từ các tủ đựng đồ, công nghệ đang làm thay đổi mạnh mẽ người tiêu dùng.

Ở chung

Home-sharing (nhà chung) ở thời điểm hiện tại đã không còn dừng lại ở việc “tận dụng căn hộ nhàn rỗi” để cho thuê như ý tưởng ban đầu nữa mà thật sự đã trở thành một kênh đầu tư bất động sản kiểu mới có mức độ phát triển hàng đầu thế giới.

Chị Nguyễn Vân, 25 tuổi, sở hữu một chủ nhà kinh doanh homestay tại quận Ba Đình, Hà Nội, cho biết nhờ sở hữu không gian bài trí hiện đại, vị trí trung tâm, căn homestay của chị Vân được đặt kín lịch.

Vào mùa du lịch cao điểm như Tết Nguyên Đán, các căn homestay là hình thức lưu trú được đông đảo khách du lịch lựa chọn bởi giá cả cạnh tranh, giá trị tiện ích và trải nghiệm mới lạ. Chỉ từ 500 ngàn đồng, thông qua các kênh đặt homestay trực tuyến, khách du lịch đã có thể trải nghiệm một căn hộ tương đương khách sạn 3 sao.

Trào lưu tập thể một thời

Trào lưu tập thể một thời

Thời điểm Tết hoặc mùa lễ hội, homestay đắt khách ngang ngửa khách sạn bởi tính bản địa rõ nét, mang đậm văn hóa địa phương, đồng thời vẫn mang cảm giác ấm cúng, gần gũi “như ở nhà”.

Theo báo cáo Homesharing Vietnam Insights 2019 của Outbox Consulting công bố gần đây, trong vòng chưa đầy 4 năm, số lượng listings (công nghệ đưa sản phẩm ra thị trường bằng các phương pháp marketing truyền thống và media - PV) trên Airbnb tại Việt Nam tăng gấp hơn 40 lần, từ con số 1.000 trong năm 2015 lên tới hơn 40.000 vào đầu năm 2019. Trong đó, tốc độ tăng trưởng số lượng listings hằng năm tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng luôn dao động quanh khoảng 100%.

Báo cáo cũng cho biết có đến có đến 69% số listings trên nền tảng Airbnb tại Việt Nam là multi-listing host, tức là những người chủ có nhiều hơn 1 căn hộ/phòng nghỉ cho thuê cùng lúc. Doanh thu trung bình ghi nhận được của một căn hộ/phòng cho thuê mỗi tháng trên AirBnB tại TP.HCM đang là 8,3 triệu cho mùa thấp điểm và 11,5 triệu cho mùa cao điểm.

Đơn vị này đánh giá, trong tương lai, cùng với sự phát triển lạc quan của ngành du lịch Việt Nam, home-sharing hứa hẹn vẫn sẽ là một mô hình đầu tư hấp dẫn; góp phần đa dạng hóa các hình thức lưu trú dành cho du khách tại Việt Nam.

Nếu như con “át chủ bài” của những khách sạn 4 sao, 5 sao bao lâu nay vẫn là không gian sang trọng, diện tích lớn, phù hợp cho những company trip, team building, thì nay, những homestay cao cấp cũng dần đáp ứng được nhu cầu này.

Bếp chung

Tọa lạc tại quận Thủ Đức, khu 'bếp chung' GrabKitchen do Grab đầu tư vừa đi vào vận hành từ tháng 10/2019. GrabKitchen là mô hình bếp tập trung đa thương hiệu kết hợp offline và online đầu tiên tại Việt Nam.

Bếp chung - còn được gọi là bếp “đám mây” - cung cấp không gian trung tâm nơi các nhà hàng chế biến món ăn dành riêng cho dịch vụ đặt hàng mang đi. GrabKitchen hoạt động từ 8h sáng đến 10 giờ tối. Mỗi đơn vị sẽ có một gian bếp riêng, được trang bị nội thất cơ bản kèm máy nhận đơn. Các dụng cụ chế biến sẽ do nhà hàng tự lắp đặt. Grab không thu tiền thuê mặt bằng mà chỉ lấy tiền điện, nước và ăn chia 'hoa hồng' trên đơn hàng.

Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam, cho hay: “Chúng tôi chọn Thủ Đức vì theo những dữ liệu mà Grab thu thập được thì đơn hàng và yêu cầu về gọi thức ăn nhanh ở đây rất lớn, nhờ lượng khách hàng trẻ từ rất nhiều trường đại học tọa lạc tại đây”.

Bếp chung xuất hiện

Bếp chung xuất hiện

Tuy nhiên, không phải ai cũng được tham gia mà Grab chỉ mời những thương hiệu có món ăn độc đáo, thương hiệu có nhiều yêu cầu và được khách hàng của Grab ưa chuộng, có quy trình nấu ăn chuẩn... Khi các thương hiệu chấp nhận tham gia vào GrabKitchen, họ sẽ bị kiểm soát chất lượng cũng như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tham gia vào GrabKitchen, các nhà hàng/cửa hàng chỉ đến bếp tập trung nấu ăn, còn những việc còn lại như marketing - sale hay logistic đã có Grab lo. Các thương hiệu ẩm thực sẽ tự sắm những dụng cụ trong nhà bếp mà Grab giao, sau đó mỗi đơn vị sẽ được Grab cung cấp một máy POS, các cửa hàng cứ dựa vào những đơn hàng tức thời mà máy POS nhả ra để ra món ăn, chờ các tài xế đến lấy.

Mô hình này đã mọc lên như nấm tại Trung Quốc và Ấn Độ, và đang nở rộ tại nhiều thị trường khu vực châu Á. GrabKitchen được triển khai lần đầu tại Indonesia. Ngoài ra, một số cái tên có thể kể đến như Panda Selected (Trung Quốc), Cafe Coffee Day, BOX8 (Ấn Độ), Sentoen (Nhật Bản). Bếp chung được kỳ vọng sẽ bùng nổ trong thời gian tới, như một bước hỗ trợ phát triển tất yếu của ngành thương mại điện tử giao gọi đồ ăn, JLL kết luận.

Pranav Nichani, Giám đốc bán lẻ JLL Ấn Độ, đánh giá: “Đối với việc kinh doanh loại hình mua và giao hàng trong nền kinh tế hiện đại, bếp chung đã đáp ứng được nhu cầu hiện có. Các quán không cần đầu tư nội thất hay nhân viên phục vụ, cũng không cần đau đầu vấn đề mặt bằng nữa.”

Với mô hình này, thời gian giao nhận của họ nhanh hơn 33% so với bình thường. Còn người dùng có thể đặt cùng lúc nhiều món ăn từ nhiều thương hiệu khác nhau chỉ qua một đơn hàng, thời gian nhận món sẽ nhanh hơn và rẻ hơn khi chỉ tốn một lần tiền ship.

“Tại Trung Quốc, 62% người dùng sử dụng các ứng dụng giao đồ ăn có độ tuổi từ 29 trở xuống. Con số này cứ theo đà tăng lên vì thế hệ trẻ đang rất ưa chuộng loại hình này.” Ông Tyson Wang, Chuyên gia bán lẻ tại JLL East China, cho biết. “Đây sẽ là yếu tố chính thúc đẩy cú nổ tăng trưởng cho mô hình bếp chung sắp tới.”

Tủ đồ chung

Sau mô hình bếp chung, thị trường thương mại điện tử xuất hiện những tủ đồ chung. Tủ khóa thông minh và nhận hàng tại địa điểm cố định đang là một xu hướng khá nổi bật. Khách mua có thể đặt hàng qua trực tuyến và sau đó chọn địa điểm nhận hàng thuận tiện nhất với họ. Đối với tủ khóa thông minh, khách hàng sẽ nhận được mật mã mở khóa tủ để nhận hàng sau khi hoàn tất đơn hàng online.

 Decathlon đặt 1.500 tủ khóa để hỗ trợ khách hàng nhận hàng online ngay tại cửa hàng

Decathlon đặt 1.500 tủ khóa để hỗ trợ khách hàng nhận hàng online ngay tại cửa hàng

Trong tương lai, tủ lạnh cho các đơn đặt hàng thực phẩm và thực phẩm cũng có thể trở thành mô hình phổ biến tại các khu đô thị ở Việt Nam, JLL kết luận.

Dịch vụ giao hàng DHL có một mạng lưới 340.000 tủ khóa tại Đức, và các ông lớn thời trang lớn của Anh như ASOS cũng đầu tư vào tủ khóa để cho phép khách hàng đổi trả sản phẩm bất cứ lúc nào họ muốn.

Thương hiệu thể thao Decathlon cũng đã đặt 1.500 tủ khóa để hỗ trợ khách hàng nhận hàng online ngay tại cửa hàng. Những tủ khóa này còn có thể hỗ trợ người thuê phòng tự ‘check in’ qua dịch vụ AirBnB, chủ nhà sẽ đặt chìa khóa vào hộp khóa và khách thuê có thể làm theo hướng dẫn để nhận phòng.

Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, cho rằng: “Tốc độ tăng trưởng ‘chóng mặt’ là tin tốt và cũng là thách thức cho các nhà bán lẻ, các giải pháp giao hàng chặng cuối từ nhà kho đến tay người dùng cần phải tối ưu hóa hết mức. Rất nhiều trường hợp các món hàng bị chậm trễ, khách mua từ chối nhận hàng hay vô vàn những rủi ro khác làm tăng chi phí hậu cần, đồng thời cũng góp phần gây tắc nghẽn giao thông đô thị và ô nhiễm không khí.”

Vị trí tốt cho tủ khóa thông minh phụ thuộc vào mật độ cư dân, tần suất đặt hàng và các nhu cầu cần thiết. Ông Stephen nhận định, điều quan trọng nhất là khách hàng có thể nhận bưu kiện một cách dễ dàng mà không cần đi lòng vòng hay ‘chầu chực’ điện thoại. Tủ khóa cần phải ở trong các vị trí an toàn với hệ thống an ninh tốt để giảm thiểu nguy cơ trộm cắp hoặc phá hoại.

Có thể thấy rõ, nền kinh tế chia sẻ đã và đang nở rộ ở rất nhiều ngành nghề khác nhau nhưng cũng đòi hỏi nhiều yêu cầu khác nhau. Đơn cử như với kinh doanh home-shareing, những người tham gia phải có chiến lược kinh doanh rõ ràng, những hiểu biết cụ thể về thị trường, môi trường kinh doanh cũng như các đối thủ cạnh tranh; qua đó tối ưu hóa được doanh thu và công suất phòng cho thuê.

Với mô hình bếp chung, chuyên gia Nichani lưu ý: “Để tiết kiệm chi phí hơn nữa, những chủ bếp có thể đưa ra chính sách chiết khấu dựa trên doanh thu hấp dẫn với người điều hành bếp chung. Trọng tâm của căn bếp chỉ đơn giản là chuẩn bị thức ăn ngon và nhanh chóng”.

Duy Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/trao-luu-tap-the-mot-thoi-607004.html