Ở trường San Sả Hồ, mỗi thầy cô làm việc bằng hai
Năm, sáu năm trước, giáo viên còn phải đến từng nhà vận động học sinh đi học. Đến nay, phụ huynh và học sinh đều nhận ra được ý nghĩa và giá trị của việc học.
Những ngày này, thầy và trò trường Tiểu học San Sả Hồ 1 (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) vô cùng phấn khởi và náo nức mong chờ ngày trường mình có thể đạt chuẩn Quốc gia.
Khai giảng có hoa và quà, cơm có thịt của học sinh vùng cao
Cô Lê Thị Thu Hằng, Hiệu trường nhà trường thông báo:
“Toàn xã San Sả Hồ chỉ có duy nhất trường Tiểu học San Sả Hồ 1 là có cơ hội và vinh dự lên chuẩn Quốc gia.
Để đạt được thành quả như thế này, tập thể đội ngũ giáo viên, công nhân viên và các em học sinh phải cố gắng gấp 3-4 lần so với dưới miền xuôi”.
Ngày 26/11/2019, trường Tiểu học San Sả Hồ 1 vinh dự được kiểm tra, đánh giá toàn diện trước khi có quyết định thông báo trường đạt chuẩn Quốc gia.
Nhìn lại chặng đường từ một ngôi trường khó khăn, xa địa bàn, các em 100% là người dân tộc Mông đến nay ngôi trường đã từng bước khắc phục khó khăn, đạt được nhiều thành tích, cô Hằng tâm sự:
“Trường có tổng số 314 học sinh thì 100% học sinh là người dân tộc Mông, trong đó 70% học sinh có gia đình thuộc dạng đặc biệt khó khăn.
Chính vì thế những ngày đầu chúng tôi đi vận động các em rất khó khăn, vất vả. Nhà trường phải từng bước tuyên truyền để phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô để nâng cao chất lượng giảng dạy, chuyên cần.
Từ những ngày phải đi vận động học sinh đi học cho đến nay tỷ lệ chuyên cần của nhà trường luôn đạt từ 98-99%.
Khi đã kéo được học sinh đến lớp chúng tôi bắt đầu nâng cao chất lượng giảng dạy.
Cũng phải nói để đạt được thành quả như ngày hôm nay có sự vào cuộc, chỉ đạo, quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền.
Bên cạnh đó nhận thức của phụ huynh và học sinh cũng tốt hơn so với trước đây.
Phụ huynh quan tâm đến việc học của con hơn cũng như nhận biết được tầm quan trọng của giáo dục”.
Những tín hiệu lạc quan và triển vọng về giáo dục vùng cao được thể hiện rõ nét qua sự khang trang, sạch đẹp của những ngôi trường tại tỉnh Lào Cai.
Bồi hồi nhớ lại những năm tháng đã qua, bản thân cô Hằng cũng không thể ngờ ngôi trường lụp xụp ngày nào, thiếu phòng học, phòng ăn, phòng ở cho học sinh đã thay da, đổi thịt nhanh đến như vậy.
Cô Hằng nói: “Hiện nay sự đầu tư cơ sở vật chất của Nhà nước rất mạnh mẽ. Tất nhiên nếu so sánh với dưới xuôi thì không thể bằng. Nhưng đối với chúng tôi như thế này cũng là tốt hơn trước rất nhiều.
Nhà trường vẫn nói với phụ huynh: Các anh chị gửi con cho nhà trường chăm. Đến trường các con được ăn ngon, mặc ấm, cha mẹ không phải lo lắng gì.
Lúc đầu thì phụ huynh vẫn có người phản đối nhưng đến bây giờ các con đi học đôi khi cuối tuần là không muốn về nhà.
Vì ở trường được ăn ngon hơn, vui hơn lại được các thầy cô chăm sóc tỉ mỉ từ cái nết ăn, nết ở cho đến vệ sinh cá nhân. Phụ huynh vì thế họ rất yên tâm”.
Để đạt được thành quả như ngày hôm nay cũng không thể không nhắc đến sự hi sinh và tình thương yêu của các thầy cô giáo tại trường Tiểu học San Sả Hồ 1.
“Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền”, câu hát này rất đúng với những giáo viên tại các trường bán trú – công việc mà cô hiệu phó Trần Thị Thanh Thảo ví von: “Chăm con người khác còn hơn chăm con mình”.
Thương lắm! giáo viên cắm bản vùng rốn lũ
Cô Thảo tâm sự: “Trường của chúng tôi có 106 học sinh bán trú.
Các em sẽ học từ thứ 2 đến thứ 6 và nghỉ thứ 7, chủ nhật.
Ở trường, các thầy cô thay cha, thay mẹ chăm các em hơn chăm con mình.
Công tác bán trú nói chung thời gian đầu sẽ gặp nhiều khó khăn đòi hỏi người giáo viên phải thực sự tỉ mỉ và đong đầy tình yêu thương.
Thứ nhất, các em xuống đây vẫn quen cung cách sinh hoạt, ăn uống khi ở nhà cho nên thầy cô phải mất thời gian rèn các em vào nền nếp.
Thứ hai, nhiều em chưa nói sõi tiếng phổ thông và hay nhớ nhà cho nên các cô phải chăm nom, vỗ về.
Nhưng khi các em đi vào nề nếp rồi thì việc mình hướng dẫn, chăm các em sẽ đơn giản hơn nhiều. Khó khăn nhất vẫn là 2 tuần đầu tiên của năm học”.
Khi nói về những khó khăn và sự hi sinh của giáo viên vùng cao, cô Thảo chia sẻ:
“Trường tôi chỉ có 2 giáo viên là người bản địa còn hầu hết là giáo viên từ các tỉnh miền xuôi lên.
Đối với công tác bán trú, các thầy cô phải phân công nhau trực tại trường. Kết thúc một ngày học, giáo viên phải ở lại trực trường, dạy các em đến 9 giờ tối. Học sinh đi ngủ đâu đấy hết thì mình mới đi nghỉ.
Việc đi lại bây giờ đã thuận tiện hơn nhưng trước đây rất khó khăn do xa trung tâm, đường rừng núi.
Để hoàn thành tốt công việc chúng tôi cũng rất cần sự ủng hộ, cảm thông của gia đình và sự quan tâm của Nhà nước, các cấp chính quyền.
Nhằm khắc phục rào cản ngôn ngữ, giáo viên tham gia những lớp học tiếng người Mông để có thể giao tiếp với các em tốt hơn. Công việc mặc dù vất vả nhưng rất vui vì học sinh ở đây rất tình cảm”.
Đôi điều tâm sự của những giáo viên tại trường Tiểu học San Sả Hồ 1 cũng không thể nào diễn tả hết những khó khăn của thầy và trò nơi đây.
Để vượt qua những khó khăn này và từng bước đạt chuẩn nhà trường phải nỗ lực gấp 3-4 lần so với các trường miền xuôi.
Đúng như lời cô Hằng đã nói: “Ở trường các thầy cô như người cha, người mẹ của học sinh. Chỉ cần có tình yêu thương và sự quyết tâm, khó khăn nào cũng vượt qua”.