Ở Việt Nam có một nữ tướng
Trong những ngày đầu tháng 10/2024, Hội LHPN Việt Nam đã trao Giải thưởng Nguyễn Thị Định lần thứ nhất cho 30 nữ cán bộ Hội. Đây là phần thưởng cao quý của Hội LHPN Việt Nam dành riêng cho cán bộ Hội chuyên trách đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu. Giải thưởng mang tên Nguyễn Thị Định bởi bà bên cạnh là nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng đảm trách rất nhiều nhiệm vụ quan trọng đối với tổ chức Hội Phụ nữ.
Trong khuôn khổ Lễ trao Giải thưởng Nguyễn Thị Định, đã có một triển lãm nhỏ những thông tin, hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của bà.
Năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”. Năm 1982, bà được bầu làm Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ quốc tế: năm 1986, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước… Nhưng đằng sau vinh quang, huyền thoại là nỗi đau và nước mắt mà bà đã lặng lẽ giấu kín. Những giọt nước mắt ấy đã trở thành châu ngọc tỏa sáng, soi đường cho thế hệ sau tiếp bước.
“Nén lại nỗi đau, tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu quyết liệt...”
Tư liệu “Huyền thoại Nữ tướng Nguyễn Thị Định” của Hội LHPN Việt Nam kể: “… Năm 16 tuổi, cô Út Định rất đẹp, da trắng, môi đỏ, tóc xoăn, một vẻ đẹp rất đặc biệt. Nhiều gia đình giàu có đánh tiếng dạm hỏi. Tuổi cô thời ấy con gái đã lo lấy chồng nhưng Út Định không quan tâm đến điều hệ trọng ấy. Đó cũng là năm phong trào dân chủ lên cao. Út Định tham gia rải truyền đơn, làm giao liên, tham gia các hội tương tế ái hữu, cổ động báo “Dân chúng”... Nhưng đó cũng là lúc cô bị sức ép dữ dội từ phía gia đình, buộc cô phải lấy một người giàu có mà gia đình đã nhắm sẵn. Anh trai cô Ba Chẩn rất thương và hiểu em gái nhưng cũng không có cách nào làm dịu bớt được bầu không khí căng thẳng trong nhà. Hiểu thấu được hoàn cảnh của Út Định, các anh lặng lẽ sắp xếp một cuộc gặp gỡ… Sau khi lấy ông Ba Bích - Tỉnh ủy viên tỉnh Bến Tre, cô Út Định được gọi là cô Ba, chị Ba. Hai vợ chồng thường xuyên xa nhau vì đi hoạt động cách mạng. Năm 1939, khi bà mới sinh con được 3 ngày thì chồng bị bắt đày ra nhà tù Côn Đảo. Ngày 18/07/1940, trong lần đưa con thăm chồng và gặp gỡ ngắn ngủi tại nhà tù, ông chỉ kịp động viên, khuyến khích vợ cố gắng công tác và đặt tên cho con là On (là viên ngọc tình yêu mãi tỏa sáng của hai người). Đến ngày 21/07/1940 bà cũng bị bắt, bị đày và giam ở nhà tù Bà Rá, Bình Phước. Bà phải gửi đứa con nhỏ về nhờ mẹ chăm sóc.
Ở chốn lao tù, bệnh tim ngày càng trở nặng, bà liên tục bị ngất. Chị em nữ tù đấu tranh quyết liệt. Cuối cùng, chúng đành chấp nhận đưa bà về điều trị tại Nhà thương Biên Hòa. Năm 1943, bà Ba Bích (Nguyễn Thị Định) được bọn Pháp đưa về quản thúc tại địa phương... Ngày trở về quê, lòng người mẹ rộn rã, hồi hộp khi bước vào cánh cửa. Đứa con trai lên 4 tuổi ngơ ngác nhìn mẹ. Bà chạy đến ôm chặt con vào lòng, như chẳng bao giờ muốn rời xa con, trong lúc đứa bé khóc thét lên, sợ hãi. Đứa bé càng giống cha, tim bà càng đau thắt nỗi nhớ chồng. Ba tháng sau, vết thương những ngày bị đọa đày trong nhà tù đế quốc chưa lành thì bà nhận được hung tin chồng đã hy sinh ngoài Côn Đảo. Đó là vết thương đau đớn nhất đời. Bà không còn nước mắt để khóc, người nửa điên, nửa dại. Nhiều đêm, bà lần bước ra vườn quýt, nơi đã gặp chồng năm xưa ngồi khóc một mình…
Vượt qua nỗi đau riêng, trong Cách mạng tháng Tám, người góa phụ trẻ ấy đã cầm cờ dẫn đầu hàng ngàn quần chúng tay dao, tay gậy, cờ, băng, biểu ngữ rầm rộ tiến chiếm thị xã Bến Tre… Sau ngày khởi nghĩa thắng lợi, bà được tổ chức giữ lại công tác ở cơ quan Phụ nữ tỉnh. Trong ngày rước tù Côn Đảo trở về đất liền, dẫu biết tin chồng đã hy sinh, lòng bà vẫn nuôi niềm hy vọng chồng còn sống. Bà bồng con ra bến đón các anh trở về. Nhưng cho đến người tù cuối cùng trên tàu bước lên, bóng chồng vẫn biền biệt. Nhìn gương mặt giàn giụa nước mắt của bà, đồng đội của chồng nói lời chia sẻ: “Anh Bích còn sống, thấy chị tiếp tục công tác, tiến bộ được như vậy chắc hẳn anh ấy rất vui. Từ bây giờ, chị phải vui sống, bởi chị phải làm thay cả phần anh Bích!”. Bà gượng cười cho các anh yên lòng mà vẫn không thể nào lau khô được dòng nước mắt...
Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneve được ký kết, bà Ba Định quyết định ở lại miền Nam, chỉ mình con trai ra Bắc. Người mẹ đứng trên bờ tiễn con, lòng tràn trề niềm tin và hy vọng mà đâu ngờ đó là cuộc chia ly vĩnh viễn... Ngày 2/9/1960, trong chuyến công tác, tranh thủ thời khắc yên tĩnh hiếm hoi, bà Nguyễn Thị Định viết cho con trai lá thư chan chứa tình yêu thương người mẹ. Bà không khỏi xốn xang khi 6 năm xa cách mà bà chỉ một lần nhận được thư con. Vừa gửi xong lá thư, trở về Cơ quan Tỉnh ủy thì nhận được bức điện “Cháu On con chị Ba, bị bệnh mất ngày 04/05/1960”. Bà bàng hoàng, sửng sốt, thấy trời đất quay cuồng. Bà cố không để mình ngất xỉu trước mặt đồng chí nhưng trái tim như có bàn tay ai bóp nghẹt. Với bà, con là tình yêu, là tất cả niềm hy vọng. Tất cả đồng chí của bà hôm ấy đều im lặng, bởi họ biết bất cứ lời an ủi nào cũng vô nghĩa trước nỗi đau của người mẹ. Người chỉ huy lau nước mắt, nén lại nỗi đau, tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu quyết liệt...”.
Nữ tướng không mặc quân phục
Ở Việt Nam, trước bà Nguyễn Thị Định, chưa có người phụ nữ nào tham gia cách mạng, được phong hàm tướng. Dù là tướng, nhưng bà Nguyễn Thị Định thường không mặc quân phục, không mang quân hàm. “Là Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam, là tướng nhưng chúng tôi ở “R” - căn cứ Bộ Tư lệnh Trung ương Cục miền Nam - chưa được nhìn thấy chị Ba Định mặc quân phục, mang quân hàm tướng bao giờ. Chị vẫn khăn rằn, với bộ đồ bà ba như mọi người phụ nữ Nam Bộ. Lúc thì áo bà ba đen, lúc thì màu cà phê nhạt, cỏ úa”, theo ông Phạm Hồng, chiến sĩ quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Cùng với bộ bà ba ấy, là chiếc túi đeo vai để sẵn sàng lấy ra cây kim, sợi chỉ vá áo cho bộ đội, lấy ra miếng sừng tê giác khi có ai đó bị rắn cắn; lấy viên thuốc, miếng đường cho chiến sĩ nào đó lên cơn sốt... Nơi nào có “chị Ba”, nơi đó cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ được cải thiện. “Ngày ấy ở chiến trường bom đạn ngút trời, đời sống vật chất thiếu thốn, người lính lại càng khao khát tình cảm gia đình. Mỗi khi thấy đồng chí Phó Tư lệnh ở đâu là chiến sĩ chúng tôi lại quây quần xung quanh tíu tít gọi chị Ba, cô Ba, có chiến sĩ trẻ còn nhõng nhẽo đòi cô Ba chia quà… Tất cả đều cười. Một không khí ấm cúng giữa nơi rừng già, trận mạc”, theo ông Đặng Văn Nhưng, chiến sĩ quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Cả cuộc đời hiến dâng cho Tổ quốc và gắn bó với công tác Hội, bà Nguyễn Thị Định luôn ao ước những điều tốt đẹp cho đồng bào, cho những người phụ nữ. “Trong một lần gặp cô Ba, cô đã cầm tay tôi nói những lời khẩn thiết: Suốt đời cô, cô chỉ ao ước phụ nữ nước mình, từ những năm tháng nghèo nàn thất học vì hiểm họa chiến tranh, chỉ lo đánh giặc, chạy loạn bây giờ được học hành, biết cách làm ăn, buôn bán với người ta… Năm 1992, tôi đã mở lớp học doanh nghiệp cho phụ nữ với 71 học viên và tặng 50 máy may để Tỉnh hội Bến Tre phát triển trung tâm dạy nghề cho phụ nữ”, theo ông Nguyễn Trí Dũng, Việt kiều Nhật, người sáng lập Trường doanh thương Trí Dũng.
Đau đáu với công tác phụ nữ, bà Nguyễn Thị Định đã dành trọn tâm huyết xây dựng bảo tàng cho phụ nữ. “Trong các kỳ họp bao giờ chị cũng dành thời gian nhắc nhở, khuyến khích biểu dương những nơi đã đóng góp xây dựng bảo tàng. Tranh thủ các những lúc đi họp Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, cả khi đi công tác chị cũng tìm gặp lãnh đạo, đại biểu ở địa phương để vận động ủng hộ xây dựng bảo tàng. Chị cũng gợi ý đồng bào tìm kiếm hiện vật quý hiếm và tự sưu tập hiện vật trong những chuyến công tác để chuyển cho bảo tàng”, theo bà Đặng Thị Tố Ngân - Giám đốc đầu tiên của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam…
Vào 22 giờ 50 phút ngày 26/8/1992, bà Nguyễn Thị Định vĩnh viễn ra đi. Bà đã “sống làm tướng, chết làm thần” như cố Giáo sư Trần Văn Giàu nói: “Với 72 năm cuộc đời, có 56 năm hoạt động kiên cường liên tục, chị Ba Định đã gắn bó với những chặng đường đấu tranh vô cùng quyết liệt, rất đáng tự hào của dân tộc ta. Đặc biệt trong bước ngoặt lịch sử của thập kỷ 60, chị đã góp một bàn tay quan trọng trên dây kéo lá buồm của con thuyền cách mạng vượt qua bão tố, tiến về phía trước. Chị Ba Định ạ! Ngày xưa, người dân ở làng quê bảo nhau rằng, những người như chị là “Sống làm tướng, chết làm thần”.
“Bà hơn cả một người mẹ”, đó là câu của chị Nguyễn Thị Kim Hoa, người chăm sóc bà Nguyễn Thị Định từ năm 1984 - 1992. Chị Hoa kể: “Khi bắt đầu chăm sóc cho bà, bà có hỏi tôi biết nấu ăn chưa. Tôi thành thật nói chưa biết, bà cười hiền từ và nói để bà dạy cho cách nấu nướng. Bà thường nói phụ nữ phải biết may vá và nấu ăn. Bà cũng dạy tôi sử dụng máy khâu và tập cắt quần áo từ giấy báo. Tôi chăm chỉ tập luyện và đã cắt may được bộ quần áo ngủ tặng bà và quần áo của cá nhân mặc hàng ngày”.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/o-viet-nam-co-mot-nu-tuong-post529041.html