Trong các cuộc chiến năm 1967 và 1973, Israel đã buộc phải chống lại oanh tạc cơ Tu-16 của đối phương, chúng đặc biệt nguy hiểm khi thực hiện đòn tấn công bằng tên lửa hành trình.
Israel là quốc gia đầu tiên trên thế giới từng phải đối phó với sự hiện diện của các loại tên lửa hành trình phóng từ máy bay ném bom, có khả năng đánh vào chiều sâu lãnh thổ của đối phương, hướng vào các mục tiêu chiến lược.
Khi bắt đầu Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, Không quân Ai Cập có trong biên chế tới 30 máy bay ném bom Tu-16, tuy nhiên phiên bản chính xác vẫn thì chưa được biết.
Liên Xô đã chuyển giao những chiếc máy bay ném bom này vào năm 1963 và chúng ngay lập tức trở thành "mục tiêu số 1" của lực lượng Phòng không và Không quân Israel.
Khi chiến tranh bắt đầu vào ngày 5 tháng 6 năm 1967, Không quân Israel (IAF) ngay lập tức thực hiện một trong những kế hoạch đã chuẩn bị sẵn và ngay lập tức phá hủy tất cả 30 chiếc Tu-16 của Ai Cập trong ba đợt tấn công.
Máy bay ném bom Tu-16 với số lượng 6 chiếc cũng ở trong tay một kẻ thù khác của Israel, đó là Iraq. Khác với Ai Cập, chiến đấu cơ Israel không thể vươn tới căn cứ bố trí những chiếc oanh tạc cơ này.
Các phi công Tu-16 của Iraq thậm chí đã cố gắng ném bom những thành phố cảng của Israel, nhưng họ đã thất bại do chuẩn bị kém. Có vẻ như đây sẽ là kết thúc của câu chuyện, nhưng không.
Ngay lập tức để bổ sung tổn thất, trong cùng năm 1967, Liên Xô đã cung cấp cho Ai Cập tổng cộng 31 máy bay ném bom Tu-16 mới, đặc biệt là 20 chiếc thuộc biến thể mang tên lửa Tu-16KSR-2A và Tu-16KSR-2-11.
Chúng được thiết kế để triển khai các tên lửa hành trình KSR-2 và KSR-11 đã lỗi thời vào thời điểm đó (về cơ bản thì tên lửa KSR-11 được tạo ra như một sự phát triển từ KSR-2).
Lần này, người Ai Cập đã tính đến sai lầm của mình và "kéo" những chiếc Tu-16 của họ đến các sân bay cách xa tầm hoạt động của chiến đấu cơ thuộc Không quân Israel.
Do đó, khi Chiến tranh Yom Kippur bắt đầu vào tháng 10 năm 1973, những chiếc Tu-16 của Ai Cập đã có thể bắn 25 tên lửa loại KSR-2 và KSR-11 vào cơ sở hạ tầng chiến lược của Israel mà không gặp trở ngại nào trong suốt 16 ngày của cuộc chiến.
Mặc dù ở đây người Israel có thể ghi công vì đã bắn hạ 20 trong số 25 tên lửa hành trình. Nhưng chúng ta cần lưu ý rằng đây chỉ là những tên lửa thế hệ đầu tiên, đã cổ xưa ngay vào thời điểm đó với tất cả những thiếu sót của chúng.
Hai loại tên lửa KSR-2 và KSR-11 có tốc độ bay khoảng 1.200 km/h, cực kỳ kém ổn định trước những biện pháp đối phó bằng tác chiến điện tử, tầm bắn chỉ 200 km và kích thước của mục tiêu trên không khá lớn, với chiều dài thân tên lửa là 8,6 mét, sải cánh gần 2 mét.
Trên thực tế, trước tiên Israel đã "làm im lặng" 20 tên lửa hành trình do Ai Cập phóng bằng phương tiện tác chiến điện tử, và sau đó họ mới kết liễu chúng bằng tên lửa phòng không.
Nhưng 5 quả đã lọt qua và bắn trúng hai radar cùng với một kho hậu cần. Nếu trong tay Ai Cập có một loại tên lửa tốt hơn thì thiệt hại của Israel đã lớn hơn rất nhiều.
Để chống lại phương tiện tác chiến như vậy, nguyên tắc "tiêu diệt máy bay thay vì tập trung đánh chặn tên lửa" là ưu tiên, nhưng rõ ràng rất khó để thực hiện.