OCOP Hòa Bình - đánh thức tinh hoa bản địa: Bài 3 - Dấu ấn từ một hành trình bài bản

Từ 16 sản phẩm OCOP được công nhận năm đầu tiên, đến 158 sản phẩm đạt sao tính đến đầu năm 2025 - chương trình OCOP ở Hòa Bình đã đi qua một hành trình bài bản và bền bỉ. Song điều đọng lại không chỉ là những con số. Đó là cam được gắn thương hiệu, măng được đưa ra thế giới, thổ cẩm được may thành quà tặng du lịch… Và trên hết là cách người dân đã đổi thay tư duy sản xuất, học cách gìn giữ bản sắc bằng chính thương hiệu mang tên OCOP.

Từ 16 sản phẩm OCOP được công nhận năm đầu tiên, đến 158 sản phẩm đạt sao tính đến đầu năm 2025 - chương trình OCOP ở Hòa Bình đã đi qua một hành trình bài bản và bền bỉ. Song điều đọng lại không chỉ là những con số. Đó là cam được gắn thương hiệu, măng được đưa ra thế giới, thổ cẩm được may thành quà tặng du lịch… Và trên hết là cách người dân đã đổi thay tư duy sản xuất, học cách gìn giữ bản sắc bằng chính thương hiệu mang tên OCOP.

Hợp tác xã Dược liệu H2O Việt Nam (tổ 6, phường Quỳnh Lâm, TP Hòa Bình) sở hữu một số sản phẩm đạt OCOP 3 sao và đang tiếp tục phát triển các dòng mới theo hướng chuẩn hóa, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Hợp tác xã Dược liệu H2O Việt Nam (tổ 6, phường Quỳnh Lâm, TP Hòa Bình) sở hữu một số sản phẩm đạt OCOP 3 sao và đang tiếp tục phát triển các dòng mới theo hướng chuẩn hóa, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Từ sản vật quê thành hàng hóa

Có một thời, quả cam Cao Phong chỉ được bày bán ở chợ huyện, tấm vải thổ cẩm của người con gái Thái Mai Châu nằm im lìm trong rương cưới… Nay tất cả đã khoác lên mình tấm áo mới: bao bì gọn ghẽ, nhãn mác rõ ràng, mã QR truy xuất nguồn gốc, sẵn sàng bước vào siêu thị, gian hàng thương mại điện tử, thậm chí là container xuất khẩu. Hành trình ấy không đơn thuần là "gắn sao OCOP”, mà là cuộc tái sinh của những giá trị bản địa, nhờ sự thay đổi tư duy sản xuất và cách tiếp cận thị trường của người dân.

Tiêu biểu là cam Cao Phong - sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đầu tiên của tỉnh Hòa Bình. Từng là cây làm giàu cho hàng trăm hộ dân, nhưng cũng từng rơi vào cảnh "được mùa, mất giá” vì không kiểm soát được chất lượng và đầu ra. Từ khi tham gia OCOP, nhiều hợp tác xã (HTX) như HTX 3T nông sản Cao Phong được hỗ trợ xây dựng vùng trồng an toàn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đầu tư bao bì quà tặng cao cấp, gắn mã truy xuất. Sản phẩm cam quà tặng của HTX được xếp hạng 3 sao năm 2019, nâng lên 4 sao năm 2020 và hiện là một trong những sản phẩm chủ lực được đưa đi kết nối tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố lớn. "Việc gắn sao OCOP không chỉ nâng giá trị sản phẩm lên 20 - 30%, mà còn giúp định vị lại thương hiệu cam Cao Phong trên thị trường trong nước” - chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T nông sản Cao Phong khẳng định.

Một "cuộc chuyển mình thầm lặng” khác diễn ra tại xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn - nơi sản phẩm cao cà gai leo của HTX Tuyết Nhi từng chỉ được nấu thủ công trong bếp nhỏ, bán lẻ cho người quen. Với sự đồng hành của chương trình OCOP, chủ thể được tư vấn hoàn thiện quy trình sản xuất, đầu tư dây chuyền chiết xuất đạt chuẩn HACCP, thiết kế lại bao bì, xây dựng hồ sơ sản phẩm và được gắn 4 sao. Giờ đây, cao cà gai leo của HTX Tuyết Nhi không chỉ xuất hiện trong các chuỗi cửa hàng dược liệu trong nước, mà được xúc tiến để xuất khẩu. Song, điều khiến chị Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc HTX tự hào hơn cả là mô hình này kéo theo cả một vùng nguyên liệu mới: người dân các xã lân cận liên kết trồng cà gai leo để cung cấp cho HTX, vừa tăng thu nhập vừa lan tỏa cách làm OCOP đến cộng đồng.

Và có lẽ ít ai ngờ rằng, 2 sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của Hòa Bình lại đến từ một loại thực phẩm quen thuộc: măng nứa khô và măng chua thái sẵn - sản phẩm của Công ty cổ phần Kim Bôi, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy). Từng là món ăn dân dã của đồng bào Mường, nay măng được sơ chế, đóng gói, bảo quản và xuất khẩu. Tháng 1/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chính thức công nhận 2 sản phẩm này đạt chuẩn OCOP cấp quốc gia, mở ra cơ hội chinh phục thị trường nước ngoài và đưa đặc sản rừng núi Hòa Bình ra thế giới.

Những sản phẩm từ măng, cam đến thảo dược… không chỉ được gắn sao về hình thức, mà đã thực sự gắn thương hiệu cho người dân, cho vùng đất sinh ra chúng. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn cả là người dân đã bắt đầu thay đổi tư duy, từ "làm để đủ ăn” sang "làm để bán”, từ "hàng quê” sang "hàng hóa có giá trị gia tăng cao”. Đó là nền tảng để OCOP Hòa Bình không chỉ lan tỏa, mà từng bước khẳng định vị thế trong chuỗi nông sản quốc gia và cả trên thị trường quốc tế.

Sản phẩm OCOP -

Hơi thở mới của làng nghề cũ

Ở bản Lác, bản Pom Coọng (Mai Châu), những tấm vải thổ cẩm xưa kia từng được dệt cho con gái làm của hồi môn, nay lại hiện diện trong các hội chợ OCOP, gắn nhãn mác và mã QR, trở thành món quà du lịch được ưa chuộng bởi du khách trong và ngoài nước... Đó là minh chứng cho một chiều rất khác của OCOP ở Hòa Bình: không chỉ là phát triển nông sản, mà là gìn giữ văn hóa bằng thương hiệu.

Hòa Bình có hơn 74% dân số là người dân tộc thiểu số, nơi hội tụ đậm đặc sắc màu văn hóa của các dân tộc Mường, Thái, Dao… Với những vùng có truyền thống nghề thủ công lâu đời như Mai Châu, Tân Lạc, Đà Bắc, chương trình OCOP đã mở ra cơ hội để các nghệ nhân gìn giữ và phát triển nghề cổ truyền theo hướng có giá trị kinh tế thực thụ. Không còn làm ra chỉ để dùng hoặc giới thiệu trong dịp lễ, các sản phẩm thổ cẩm, mây tre đan… đã bước vào hành trình chuyên nghiệp hóa: có thiết kế sản phẩm, có tem nhãn, có bao bì, có định vị thị trường.

Điển hình là nhóm sản phẩm dệt thổ cẩm của người Thái ở Mai Châu, do các tổ phụ nữ và hộ gia đình ở bản Lác, bản Văn sản xuất. Dưới sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ và chương trình OCOP, các nhóm được tập huấn về quản trị sản xuất, định hướng mẫu mã phù hợp thị hiếu, gắn câu chuyện sản phẩm với du lịch cộng đồng. Từ khăn, túi, vỏ gối đến quà tặng du lịch, sản phẩm thổ cẩm được giới thiệu trong các hội chợ vùng cao, sự kiện văn hóa tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhiều đoàn khách quốc tế khi tới Mai Châu đã chọn thổ cẩm làm quà lưu niệm - một cách để văn hóa bản địa tiếp tục đồng hành cùng họ sau chuyến đi.

Hay như ở xã Hợp Tiến (Kim Bôi), sản phẩm mật ong rừng của HTX Green Life không chỉ là sản phẩm nông nghiệp đơn thuần, mà là kết quả của mô hình sản xuất gắn với bảo vệ rừng đặc dụng hơn 5.000 ha - nơi có hệ sinh thái tự nhiên cho ong sinh trưởng. Sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao, có nhãn mác, mã QR, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Giám đốc HTX Đinh Công Thuần cho hay: Điều đặc biệt là HTX được thành lập và vận hành bởi một nhóm thanh niên địa phương, với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững và gìn giữ rừng. Sản phẩm được trưng bày tại các điểm giới thiệu nông sản, kết nối với khu du lịch suối khoáng Kim Bôi, từng bước trở thành "đặc sản bản địa” trong hành trình du lịch trải nghiệm.

Những sản phẩm như thổ cẩm Mai Châu, mật ong Hợp Tiến… chính là câu trả lời sinh động cho một câu hỏi lớn: liệu một chương trình kinh tế có thể trở thành đòn bẩy văn hóa? Ở Hòa Bình, câu trả lời là có - khi mỗi sản phẩm OCOP mang trong nó không chỉ giá trị thương mại mà còn là tiếng nói của đất đai, con người và ký ức cộng đồng.

Không thể phủ nhận những đóng góp thiết thực của chương trình OCOP vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là trong việc tạo ra việc làm mới, thu nhập người dân được cải thiện…, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 6,9% vào cuối năm 2024, đạt mục tiêu đề ra với mức giảm bình quân hàng năm là 2,86%. Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Từ những thành công đó, Hòa Bình tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn cho giai đoạn tới. Theo kế hoạch, đến năm 2030 tỉnh sẽ chuẩn hóa thêm 160 sản phẩm OCOP (nâng tổng số lên xấp xỉ 210 sản phẩm) và phát triển mới ít nhất 100 tổ chức kinh tế OCOP…

Khi những tem nhãn OCOP được in ra, dán lên từng bao bì măng, từng lọ cao, tấm vải thổ cẩm…, đó vừa là dấu hiệu nhận diện sản phẩm, cũng là một lời tự giới thiệu rất đỗi tự hào: "Chúng tôi đến từ Hòa Bình”. Một vùng đất núi non, bản sắc, kiên cường và đầy ắp sáng tạo trong từng cách làm của người dân. Hành trình của OCOP Hòa Bình vẫn chưa dừng lại. Bởi mỗi sản phẩm vẫn sống trong đời sống người dân, trong câu chuyện của du khách, trong niềm tin rằng: bản sắc không mất đi khi ta biết gìn giữ, làm mới và tiếp tục kể lại bằng chính thương hiệu của mình.

Hải Yến

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/220/200874/ocop-hoa-binh-danh-thuc-tinh-hoa-ban-dia-bai-3-dau-an-tu-mot-hanh-trinh-bai-ban.htm