OCOP phải trở thành nhu cầu tự thân

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Sản phẩm mỳ gạo Bao thai Định Hóa của HTX chăn nuôi sản xuất nông sản sạch xã Kim Phượng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Sản phẩm mỳ gạo Bao thai Định Hóa của HTX chăn nuôi sản xuất nông sản sạch xã Kim Phượng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Mục tiêu của Chương trình OCOP có một ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Khi triển khai thành công, sẽ giúp nâng cao thu nhập, tạo ra nhiều việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, giúp thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn, góp phần tái cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp, giảm việc di dân từ nông thôn ra thành phố. Ngoài ra, thông qua Chương trình còn góp phần đào tạo và phát triển nguồn nhân lực - yếu tố thúc đẩy sự phát triển một cách bền vững kinh tế khu vực nông thôn. OCOP cũng tạo ra các sản phẩm dịch vụ có chất lượng phục vụ phát triển du lịch tại các vùng miền.

Qua tìm hiểu thực tế tại xã vùng khó khăn của huyện miền núi H được biết, năm 2021, địa phương được dồn nhiều nguồn lực để hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có một số sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Sau 36 tháng hết thời hạn phải tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để công nhận lại, hoặc nâng cấp lên 4 sao, 5 sao… Tuy nhiên, chủ thể sản phẩm chưa sẵn sàng lập hồ sơ, trong khi sản phẩm đã qua thời hạn gần 5 tháng. Khi phỏng vấn thì được lãnh đạo hợp tác xã chia sẻ: Trước đây, khi làm OCOP được Nhà nước hỗ trợ hơn chục triệu đồng và làm hồ sơ cho. Nay, chúng tôi “chưa có tiền” để làm hồ sơ công nhận lại… Chúng tôi nghĩ, quy trình, tổ chức sản xuất vẫn không thay đổi; hoạt động kinh doanh cũng vẫn ổn định… nên chưa muốn làm.

Từ quan niệm này, có thể thấy, người sản xuất, đối tác kinh doanh chưa lường hết được những rủi do đang đến gần. Đó là: sản phẩm không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường; giao dịch thương mại bị giới hạn, mất khả năng cạnh tranh. Và hệ lụy là khó mở rộng sản xuất, khó vào được các siêu thị, làm đứt gẫy chuỗi liên kết sản xuất, chuỗi kết nối cung - cầu hàng hóa. Theo thống kê từ Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, trong số 240 sản phẩm OCOP, đến nay có hơn 40 sản phẩm cần gia hạn công nhận lại hoặc nâng cấp. Nếu như các chủ thể không chủ động lập hồ sơ công nhận lại, chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các giao dịch thương mại, mất giá trị sản phẩm và mất thương hiệu.

Có thể nói, Chương trình OCOP tập trung giải quyết hàng loạt vấn đề ở nông thôn hiện nay như: hình thành và tái cấu trúc các hợp tác xã, doanh nghiệp ở vùng nông thôn trở thành chủ nhân của quá trình phát triển; tạo công ăn việc làm, thu nhập thông qua sản xuất và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế; đào tạo, huấn luyện nhân lực tham gia OCOP; bảo vệ môi trường, anh sinh xã hội… Đó là các vấn đề cốt yếu mà Đảng, Nhà nước đã xác định. Vì vậy, OCOP không đơn thuần là chương trình kinh tế, mà còn tham gia thực hiện các vấn đề về chính trị, xã hội ở khu vực nông thôn. Do vậy, cần có sự vào cuộc quyết liệt, sâu sát của cấp ủy đảng từ tỉnh đến huyện, xã, cũng như sự chủ động, trách nhiệm của chủ thể các sản phẩm, để Chương trình OCOP được triển khai một cách có bài bản, nghiêm túc và hiệu quả.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202406/ocop-phai-tro-thanh-nhu-cau-tu-than-c1c0fd0/