ODA Nhật Bản được sử dụng hiệu quả trong 50 năm qua tại Việt Nam
Ông Sugano Yuichi, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam tin rằng, ODA Nhật Bản được sử dụng một cách hiệu quả trong 50 năm qua tại Việt Nam đã góp phần tạo nên động lực thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hiện nay.
Trong suốt nửa thế kỷ từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đã mang lại nhiều thành quả tích cực và đáng ghi nhận, trong đó phải kể đến những dự án hợp tác phát triển mà Nhật Bản dành cho Việt Nam. Đến nay, Nhật Bản không chỉ là quốc gia viện trợ ODA hàng đầu của Việt Nam mà còn hỗ trợ nhiều công nghệ, kỹ thuật quý báu, trong nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững cho Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, phóng viên VOV phỏng vấn ông Sugano Yuichi – trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam về sự hợp tác phát triển thời gian qua cùng những lĩnh vực JICA sẽ tập trung hỗ trợ cho Việt Nam trong thời gian tới.
PV: Thưa ông, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam là đơn vị đã trực tiếp thực hiện nhiều dự án ODA của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam. Nhìn từ góc độ của JICA, theo ông đâu là những dấu ấn đáng chú ý nhất trong mối quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam – Nhật Bản những năm qua?
Ông Sugano Yuichi: Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, Nhật Bản và Việt Nam đã và đang hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, việc Nhật Bản nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam vào năm 1992 đã tạo ra chuyển biến lớn cho các hoạt động hỗ trợ của JICA. Trước đó, Nhật Bản đã xây dựng Nhà máy thủy điện Đa Nhim (Lâm Đồng), hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Trường Đại học Cần Thơ và Bệnh viện Chợ Rẫy…
Sau đó, kể từ năm 1992, Nhật Bản thường xuyên cung cấp hỗ trợ thông qua các dự án hợp tác vốn vay ODA, dự án viện trợ không hoàn lại và dự án hợp tác kỹ thuật, với tổng số vốn ODA lũy kế lên đến hơn 3 nghìn tỷ yên (tương đương khoảng 600 nghìn tỷ đồng) tính đến năm 2023, đưa Nhật Bản trở thành nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam trong số các nước thành viên OECD. Hiện nay, JICA đang thực hiện tại Việt Nam hơn 100 dự án trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, giao thông, năng lượng, nông nghiệp...
Những hợp tác nổi bật kể từ khi Nhật Bản nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam góp phần củng cố nền tảng phát triển kinh tế của Việt Nam phải kể đến các dự án lớn như: phát triển các tuyến đường cao tốc như Quốc lộ 1, đường cao tốc Bắc Nam, xây dựng các công trình cảng như cảng Lạch Huyện, cảng hàng không quốc tế Nội Bài, xây dựng các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, điện gió, điện mặt trời… Trong lĩnh vực y tế, bên cạnh việc nâng cao chất lượng các bệnh viện nòng cốt như Bệnh viện Bạch Mai, JICA cũng hợp tác hỗ trợ Việt Nam sản xuất 100% vaccine sởi, rubella phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Trong lĩnh vực giáo dục, JICA đã và đang hợp tác với Đại học Cần Thơ hơn 50 năm qua và trong những năm gần đây, JICA tiếp tục góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam thông qua dự án hợp tác với Đại học Việt Nhật (VJU) và các khóa đào tạo tại Nhật Bản. Ngoài ra, JICA cũng đang triển khai các hỗ trợ đối với Việt Nam trong một số lĩnh vực mới như cải thiện khuôn khổ pháp lý, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong tương lai, JICA sẽ tiếp tục đóng góp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam thông qua hợp tác cả phần cứng và phần mềm, góp phần thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản ngày càng phát triển.
PV: JICA đánh giá như thế nào về những đổi mới trong chính sách của Việt Nam liên quan đến việc tiếp cận và sử dụng vốn ODA trong những năm qua?
Ông Sugano Yuichi: Cho đến nay, Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, theo đó, động lực thúc đẩy tăng trưởng này là do mở rộng xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nhờ xã hội ổn định, nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ sở hạ tầng phát triển. Chúng tôi tin rằng ODA Nhật Bản được sử dụng một cách hiệu quả trong 50 năm qua đã góp phần tạo nên động lực thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hiện nay. Ví dụ như công trình tuyến đường sắt đô thị TP.HCM hiện đang xây dựng cũng sử dụng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản với thời hạn cho vay dài, ổn định, lãi suất ưu đãi thấp, và không chỉ vậy, sau khi công trình hoàn thành, JICA sẽ triển khai hợp tác kỹ thuật như đào tạo nguồn nhân lực cho công tác vận hành, bảo trì, vì vậy, có thể nói, không chỉ dừng ở phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ toàn diện chính là đặc trưng và thế mạnh trong hợp tác của JICA.
Chúng tôi hiểu rằng, từ trước tới nay, Chính phủ Việt Nam đã và đang sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trên cơ sở hiểu rõ những đặc trưng và thế mạnh của ODA Nhật Bản. Tuy nhiên, cũng còn một số dự án bị đình trệ do sự phức tạp và chồng chéo trong các thủ tục theo nghị định, quy định một số dự án cần phải đợi lãnh đạo cấp cao phê duyệt đối với những thay đổi rất nhỏ trong dự án… Chúng tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ có những quyết sách mới để giải quyết các vấn đề này, thúc đẩy hoàn tất các thủ tục nhanh chóng để các dự án được hoàn thành sớm.
PV: Việt Nam đang nỗ lực để hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, đồng thời xây dựng Chương trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ đến năm 2050. JICA có hình thức hợp tác gì mới để hỗ trợ Việt Nam trong quá trình này?
Ông Sugano Yuichi: Trong thời gian tới, JICA sẽ tập trung vào các hợp tác nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững tại Việt Nam, đặc biệt trên bốn lĩnh vực sau: Thứ nhất là hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng chất lượng cao, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam, tiêu biểu là tuyến đường sắt đô thị Tp.HCM và Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Thứ hai là hợp tác trong phát triển nguồn nhân lực. JICA đã và đang hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam thông qua hợp tác với Đại học Cần Thơ trong hơn 50 năm qua kể từ năm 1969 và Dự án hợp tác với trường Đại học Việt Nhật (VJU).
Thứ ba là hợp tác trong lĩnh vực y tế. Bên cạnh hợp tác thông qua 3 bệnh viện nòng cốt là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện TW Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, JICA hỗ trợ thiết lập hệ thống y tế từ xa tại các cơ sở y tế địa phương ứng dụng kỹ thuật chuyển đổi số (DX). Ngoài ra, JICA sẽ tiếp tục hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản, các tổ chức phi chính phủ, các trường đại học nhằm hỗ trợ Việt Nam cải tiến kỹ thuật phục hồi chức năng, chăm sóc điều dưỡng để đối phó với tình trạng già hóa dân số đang trở thành một vấn đề mới tại Việt Nam.
Thứ tư là hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu. JICA sẽ sử dụng Quỹ Khí hậu Xanh (Green Climate Fund – GCF) thông qua các hoạt động trồng rừng, bảo vệ môi trường thiên nhiên nhằm hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, góp phần thực hiện các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm thực hiện mục tiêu của Chính phủ Việt Nam về trung hòa carbon vào năm 2050.
PV: Nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, ông muốn gửi thông điệp gì với Việt Nam về quan hệ hợp tác phát triển giữa hai nước?
Ông Sugano Yuichi: Năm nay đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, và mối quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước tới nay. Trong tương lai, chúng tôi mong rằng không chỉ JICA mà các bên liên quan như các trường đại học Nhật Bản, chính quyền địa phương, các cơ quan hữu quan… sẽ tiếp tục hợp tác thông qua các dự án ODA nhằm tăng cường giao lưu nhân dân, thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển hơn nữa.
PV: Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn VOV.