OECD: Anh thuộc Top 10 quốc gia thu hút lao động trình độ cao
Anh đã tăng hạng sau khi bãi bỏ hạn ngạch đối với lao động tay nghề cao cũng như áp dụng chế độ thị thực hào phóng đối với sinh viên quốc tế, cho phép họ ở lại tìm việc làm sau khi tốt nghiệp.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Vương quốc Anh đã trở thành quốc gia thăng hạng nhanh nhất trong danh sách thu hút nhân tài thế giới kể từ năm 2019 nhờ những thay đổi trong quy định di trú thời kỳ hậu Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu-EU).
OECD ngày 9/3 cho biết Anh đã vươn lên Top 10 nước hấp dẫn thế giới nhất đối với người lao động trình độ cao, vượt qua Mỹ và chỉ đứng sau các quốc gia như Australia và New Zealand, từ lâu đã có chính sách thu hút nhập cư để thúc đẩy lực lượng lao động.
Theo tổ chức có trụ sở tại Paris (Pháp), Anh đã tăng hạng sau khi bãi bỏ hạn ngạch trước đây đối với lao động tay nghề cao. Nước này cũng áp dụng chế độ thị thực hào phóng đối với sinh viên quốc tế, cho phép họ ở lại để tìm việc làm sau khi tốt nghiệp.
Trong khi đó, một số quốc gia đã tụt hạng do chậm trễ trong xét duyệt hồ sơ hoặc có tỷ lệ từ chối cao trong xét đơn xin thị thực, và tăng học phí đối với sinh viên.
OECD cho biết những thay đổi này có thể tạo nên sự khác biệt lớn khi những người lao động tay nghề cao "ngày càng có khả năng lựa chọn điểm đến tốt nhất cho bản thân và gia đình."
Cơ chế di trú của Anh thời kỳ hậu Brexit - được một nghiên cứu công bố trong tuần này mô tả là "sự thay đổi lớn nhất trong nửa thế kỷ" của hệ thống - nhằm tạo điều kiện cho việc tuyển dụng lao động trình độ cao từ khắp thế giới.
Năm ngoái, lượng nhập cư ròng vào Anh đạt mức cao kỷ lục, mặc dù điều này một phần do dòng người tị nạn, số lượng sinh viên tăng mạnh và xu hướng tăng tuyển dụng người nước ngoài của Hệ thống y tế quốc gia (NHS) và lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Số lượng người nhập cư có trình độ đại học làm việc tại Vương quốc Anh đã tăng gấp đôi lên 3,4 triệu người kể từ năm 2010, chiếm 23% lực lượng lao động có trình độ đại học, tăng 7%, theo ông Jean-Christophe Dumont, trưởng bộ phận di trú quốc tế tại OECD.
Bất chấp kế hoạch gây tranh cãi được chính phủ công bố trong tuần này nhằm giải quyết vấn đề người nhập cư bất hợp pháp vượt biển đến Anh bằng thuyền nhỏ, dư luận tỏ ra ủng hộ việc nhập cư ngay cả khi số lượng người nhập cư tăng, theo một báo cáo của tổ chức nghiên cứu Vương quốc Anh trong một châu Âu thay đổi.
Tuy nhiên, quy định di trú mới của Anh sau Brexit, người sử dụng lao động trước đây được tự do thuê lao động từ EU có ít quyền tiếp cận đối với thị thực dành cho những công việc cần lao động trình độ thấp hơn.
Hiện nay, Chính phủ Anh đang xem xét việc nới lỏng quy định về thị thực đối với lao động trình độ trung bình trong ngành xây dựng và một số các ngành khác trong bối cảnh nước này đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trên diện rộng sau đại dịch.
Ông Dumont cho biết việc Anh mở rộng loại thị thực dành cho người lao động trình độ trung bình phù hợp với những thay đổi chính sách ở một số quốc gia OECD khác, trong đó có Đức và Tây Ban Nha./.