Olympic Paris 2024: Thủ đô nước Pháp đối mặt với ùn tắc giao thông nghiêm trọng

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, một tháng rưỡi trước sự kiện thể thao lớn nhất thế giới Olympic 2024, cuộc sống hằng ngày của người dân ở thủ đô nước Pháp gặp nhiều xáo trộn khi nhiều tuyến đường bị phong tỏa dẫn đến tình trạng giao thông ách tắc. Dự kiến tình trạng sẽ còn trầm trọng hơn trong thời gian diễn ra Olympic, do những hạn chế đi lại trong khu vực diễn ra sự kiện để bảo đảm an ninh.

Trụ sở Ủy ban tổ chức Olympic Paris 2024 và Paralympic Paris 2024 tại Saint-Denis, ngoại ô Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Trụ sở Ủy ban tổ chức Olympic Paris 2024 và Paralympic Paris 2024 tại Saint-Denis, ngoại ô Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Olympic 2024 sẽ bắt đầu sau 50 ngày nữa ở Paris, nhưng ngay từ bây giờ, chính quyền và người dân Paris đã phải đau đầu với vấn đề giao thông. Ô tô, tàu điện ngầm, xe hai bánh hay người đi bộ, bất kể phương thức vận chuyển nào cũng đều trở nên phức tạp. Do nhiều tuyến cầu, đường bị hạn chế lưu thông để sửa chữa, tôn tạo hoặc ngăn lại phục vụ Thế vận hội, các phương tiện giao thông đều phải đi đường vòng khiến thời gian di chuyển trong trung tâm Paris lâu hơn, tình trạng ùn tắc giao thông cũng tăng lên. Dự kiến giao thông sẽ còn khó khăn hơn trong thời gian diễn ra Olympic với việc thiết lập các vành đai an ninh màu đỏ, xanh lam và đen, chưa kể đến việc đóng cửa các cây cầu và các tuyến đường dọc sông Seine, bến tàu điện ngầm để phục vụ các hoạt động.

Kể từ ngày 1/6, quảng trường Concorde đã trở thành "điểm đen" của thủ đô. Các khán đài đã được dựng xung quanh cột đá Obelisk để phục vụ các hoạt động trình diễn xe đạp địa hình, các sự kiện nhào lộn trượt ván và nhảy breakdance. Muốn đi qua sông Seine về phía tòa nhà Quốc hội, các phương tiện giao thông sẽ phải vòng sang phố Rivoli, tiếp tục đi về phía Tây nhập vào đại lộ Gabriel, hoặc đi qua trước Đại sứ quán Mỹ, phía sau Điện Élyseé, sau đó rẽ trái để đi vào Đại lộ Franklin-Roosevelt. Thời gian bổ sung ước tính ít nhất khoảng 30 phút, với lưu lượng xe ô tô cao hơn đáng kể so với bình thường.

Khắp nơi ở thủ đô, tình trạng ùn tắc giao thông đang đến mức đáng lo ngại. Ông Yves Carra, người phát ngôn của Mobilité Club de France (Câu lạc bộ ô tô) với 1 triệu thành viên, cho biết: “Thế vận hội Olympic đang làm trầm trọng thêm tình hình tắc nghẽn giao thông ở Paris”. Kỷ lục tắc đường liên tục bị phá, với đỉnh điểm là 427 km tắc đường được ghi nhận hôm 29/5.

Tắc đường khiến chi phí nhiên liệu tăng cao, ô nhiễm môi trường càng trầm trọng, chưa kể những tổn hại về tinh thần do căng thẳng và mệt mỏi. Giới lái xe taxi, xe công nghệ là những đối tượng đầu tiên phải đối mặt với áp lực nặng nề về tiền bạc và thời gian. Ngay cả xe cứu thương, cứu hỏa cũng không thể đi nhanh hơn trong bối cảnh xe cộ đi lại dày như nêm cối.

Vào dịp diễn ra lễ khai mạc Olympic, tại Paris, nhiều con đường và cây cầu khác sẽ bị đóng cửa đối với mọi phương tiện giao thông và một số con đường xung quanh thủ đô nước Pháp sẽ phải "cắt" một làn đường để dành riêng cho Thế vận hội và các dịch vụ khẩn cấp, đặc biệt trên các tuyến đường vành đai Paris và các đường cao tốc đi vào thủ đô.

Theo thông báo của Bộ Nội vụ Pháp, để đảm bảo an ninh trong thời gian diễn ra Olympic, chỉ những người đi bộ và người đi xe đạp có mã QR mới được phép di chuyển trong khu vực được gọi là “vùng xám”, tương ứng với các khu vực dọc sông Seine và vòng quanh Khải Hoàn Môn, Île de la Cité, Île Saint Louis, cầu Austerlitz và Trocadéro. Cũng trong khu vực này, sẽ không có phương tiện cơ giới nào được phép đi lại, “ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ hiếm hoi và phải xuất trình mã QR do Bộ Nội vụ cấp".

Từ ngày 13/5, một nền tảng trực tuyến đã được thiết lập để cung cấp mã QR, có giá trị như thẻ đi lại trong các khu vực diễn ra các hoạt động của Thế vận hội. Để có được mã QR này, người yêu cầu cần truy cập vào đường link của Bộ Nội vụ và làm theo hướng dẫn, đăng ký cho chính mình và/hoặc xe cơ giới của mình. Chỉ người dân địa phương, thương nhân, nhân viên làm việc và du khách có vé tham dự các sự kiện ở những khu vực nói trên mới được đề nghị cấp mã QR. Tuy nhiên, họ phải chứng minh tư cách nhân thân, chẳng hạn như bằng chứng về địa chỉ nhà ở, hợp đồng lao động, hoặc vé vào các địa điểm tham quan như Bảo tàng Louvre, tham dự lễ khai mạc Thế vận hội, lệnh triệu tập của tòa án, cuộc hẹn khám bệnh trong khu vực này... Ngoài ra người đề nghị còn phải cung cấp ảnh và chứng minh nhân dân.

Ở khu vực được gọi là “vùng đỏ”, bao gồm những tuyến phố dọc sông Seine, đoạn chảy qua thủ đô Paris, người đi bộ và người đi xe đạp sẽ có thể di chuyển tự do. Nhưng các phương tiện cơ giới sẽ không thể đi đến đó trừ khi xuất trình được mã QR. Sau lễ khai mạc vào ngày 26/7, vành đai an ninh áp dụng mã QR sẽ chỉ liên quan đến khu vực xung quanh các địa điểm tổ chức Olympic. Việc băng qua thủ đô bằng hệ thống tàu điện ngầm vẫn có thể thực hiện được, nhưng khoảng 15 ga trong khu vực chống khủng bố sẽ bị đóng cửa.

Theo Bộ trưởng Gérald Darmanin mặc dù việc kiểm soát chặt chẽ này sẽ gây nhiều bất tiện cho người dân trong việc đi lại ở khu vực trung tâm Paris, nhưng lại là hành động cần thiết để bảo đảm công tác an ninh cho Thế vận hội. Buổi lễ khai mạc sẽ diễn ra với hơn 100 chiếc thuyền chở các đội tham dự sẽ diễu hành trên đoạn sông dài 6 km. Ông khẳng định: “Đây sẽ là một khoảnh khắc tuyệt vời đối với nước Pháp và Thế vận hội”. Ông đồng thời nhấn mạnh rằng chưa có quốc gia nào từng tổ chức lễ khai mạc bên ngoài sân vận động như lần này.

Nguyễn Thu Hà (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chuyen-the-thao/olympic-paris-2024-thu-do-nuoc-phap-doi-mat-voi-un-tac-giao-thong-nghiem-trong-20240606135829818.htm