Omicron và 'điều tồi tệ nhất'
'Có thể chưa chắc điều đó sẽ thực sự là vấn đề lớn. Song, chúng tôi muốn đảm bảo rằng mình đã chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất', Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ - phát biểu trên kênh truyền hình NBC, về việc nước Mỹ ứng phó với sự xuất hiện của biến thể virus SARS-CoV-2 mới mang tên Omicron, thông qua việc áp đặt các hạn chế mới đối với du khách đến từ 8 quốc gia khu vực Nam Phi, từ ngày 29-11.
Thế giới lại đối diện với một mối đe dọa mới. Nhưng, thực ra, cách chúng ta tiếp cận với hiểm họa ấy như thế nào mới là vấn đề mang tính quyết định.
Điều không thể tránh khỏi
“Điều này là không thể tránh khỏi. Loại biến thể virus mới này sẽ ở đây”, Tiến sĩ Anthony Faucci khẳng định với hãng ABC. Ông cũng hé lộ thêm: các quan chức y tế Mỹ sẽ thảo luận với những người đồng cấp ở Nam Phi về việc hạn chế các chuyến bay, theo đó sẽ giúp có thêm thời gian để thu thập thông tin và cân nhắc các hành động có thể sẽ được đưa ra.
Du khách hối hả rời khỏi Nam Phi trong nỗi hoảng sợ.
Omicron - định danh chính thức của loại biến thể đó - đã khiến thế giới bàng hoàng, ngay khi vẫn còn đang vật lộn với những dư chấn của biến thể Delta. Nếu chỉ cần một hình ảnh để hình dung về nỗi sợ hãi lớn lao bao trùm, bạn chỉ cần nhìn cảnh tượng chen chúc xếp hàng nhằm có được chỗ trên những chuyến bay sớm nhất rời Nam Phi - nơi Omicron được phát hiện. Ở một khía cạnh nào đó, những lo lắng, sốt ruột, hối hả... mà du khách quốc tế thể hiện trong khuôn viên sân bay đó không khác là bao so với cảnh “tháo chạy” khỏi chiến tranh - điều hiện hữu tại thủ đô Kabul của Afghanistan hồi cuối tháng 8.
Tính đến ngày 29-11, Omicron đã trở thành keyword trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, bằng mọi thứ tiếng và cũng là vấn đề liên quan đến nhiều quyết sách gấp gáp từ các chính quyền quốc gia nhất. Với những luồng thông tin sơ bộ, đặc biệt là với một nhận định khoa học rằng Omicron có khả năng “siêu đột biến” để gây lây nhiễm nhanh gấp 500% so với biến thể Delta, những cơn ớn lạnh tỏa đi khắp toàn cầu.
Ngày 28-11, Vương quốc Anh - nước Chủ tịch luân phiên Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) - kêu gọi triệu tập cuộc họp khẩn cấp của nhóm để thảo luận về cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 mới đã hiển hiện. Cùng ngày, Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) Nhật Bản nâng cảnh báo đối với Omicron lên mức cao nhất - “biến thể gây quan ngại”, ngang với Delta. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (European Commission) - bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh: "Các nhà khoa học và nhà sản xuất cần từ 2 đến 3 tuần để có một bức tranh đầy đủ về lượng đột biến của biến thể Omicron". Theo bà, việc tìm hiểu về Omicron cần có thêm thời gian, đồng thời kêu gọi mọi người đi tiêm phòng, đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội.
Tiến sĩ Anthony Faucci: “Phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất”.
Cho đến lúc này, quốc gia hành động quyết liệt nhất, kể cả khi đã tiêm phòng đủ 2 liều vaccine ngừa COVID-19 cho công dân của mình (và thậm chí đã triển khai tiêm mũi thứ ba) là Israel. Ngày 28-11, thông báo của Văn phòng Thủ tướng Israel nêu rõ: "Việc nhập cảnh của các công dân nước ngoài vào Israel sẽ bị cấm, trừ các trường hợp do một ủy ban đặc biệt chấp thuận". Một cách ngắn gọn, Israel đóng cửa toàn bộ biên giới nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Biện pháp này có hiệu lực ngay sau thông báo.
Ở Đức - “trái tim của châu Âu”, nhiều chính trị gia hàng đầu kêu gọi áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt hơn. Theo kết quả khảo sát của báo Bild, có tới 58% số người Đức được hỏi cho rằng các biện pháp chống dịch hiện hành là chưa đủ hiệu quả để ngăn chặn đại dịch, trong khi 73% nhận định Đức sẽ phải áp đặt lệnh phong tỏa trên quy mô cả nước.
Vòng quanh thế giới, hàng loạt quốc gia nhanh chóng áp đặt các biện pháp hạn chế, đối với những du khách đến hoặc trở về từ các quốc gia khu vực Nam Phi. Lần lượt, có thể kể tới Maldives - một đảo quốc, Saudi Arabia, Pháp, Hàn Quốc, Oman, Kuwait...
Và ở Đông Nam Á, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo: Các nước Đông Nam Á nên đánh giá nguy cơ xâm nhập của biến thể mới này thông qua khách quốc tế, nhằm đưa ra những biện pháp ứng phó thích hợp (Tiến sĩ Poonam Khetrapal Singh, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của WHO).
Theo thông tin từ Bộ Y tế Nam Phi, trong số 50 đột biến của Omicron, có tới 32 đột biến nằm ở gai protein, thành phần giúp virus SARS-CoV-2 bám vào các tế bào, nhiều hơn đáng kể so với biến thể Delta đang hoành hành trên thế giới. Nhiều đột biến của biến thể mới có liên quan đến việc tăng khả năng kháng kháng thể của virus, tức là có thể làm giảm hiệu quả của vaccine và ảnh hưởng đến cách virus phản ứng đối với vaccine, phương pháp điều trị và khả năng lây truyền. Giới khoa học Nam Phi nhận định: Omicron là “biến thể đáng sợ nhất” mà họ từng biết tới, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Chưa ai dám chắc về sức tàn phá của biến thể Omicron.
Nguy cơ thành tựu chống dịch suốt 2 năm qua, tại bất cứ khu vực nào trên thế giới, bị “đổ sông đổ biển” là có thật. Chính vì vậy, thế giới đã không còn “ung dung”, nhằm tránh nguy cơ lặp lại sai lầm từng phải trả những cái giá rất đắt vào năm ngoái, với biến thể Delta.
Vẫn câu hỏi cũ
Tuy nhiên, cuối cùng, thứ “vũ khí tối thượng” mà loài người có thể trông chờ để đẩy lùi nỗi ám ảnh mang tên Omicron là gì? Không thể chỉ là những biện pháp hạn chế và cũng chẳng phải gì khác, đó cũng chỉ có thể là một loại vaccine mới, hữu hiệu hơn, bảo vệ tốt hơn cùng những loại thuốc đặc trị phục vụ điều trị.
Như hãng dược phẩm hàng đầu thế giới Moderna cho biết, các chuyên gia của họ đã bắt tay nghiên cứu vaccine chống biến thể Omicron, từ dịp lễ Tạ ơn, 25-11. Theo lãnh đạo Moderna, Paul Burton, hàng trăm nhân viên của công ty đã bắt đầu nghiên cứu điều chỉnh vaccine, ngay khi thông tin đầu tiên về đột biến này được công bố. Ông cho rằng: Sẽ phải mất vài tuần để có kiến thức đáng tin cậy về mức độ biến thể mới có thể vô hiệu tác dụng của các loại vaccine hiện tại và liệu có cần phải bào chế vaccine mới hay không. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, vaccine mới có thể được sản xuất trên quy mô lớn vào đầu năm 2022. Cùng Moderna, liên doanh BioNTech/Pfizer cũng có khả năng điều chỉnh vaccine của mình trong vòng 100 ngày.
Ở một diễn biến khác, bên cạnh việc đưa ra những lời cảnh báo, WHO cũng cố gắng ngăn chặn những sự hoảng loạn vô nghĩa, bằng việc làm rõ: "Dữ liệu sơ bộ cho thấy, tỷ lệ ngày càng tăng số ca nhập viện ở Nam Phi nhưng điều này có thể là do số người bị mắc bệnh tăng lên, hơn là hậu quả của việc nhiễm chủng Omicron", hay: "Hiện tại chưa có thông tin cho thấy rằng, các triệu chứng liên quan Omicron khác với những triệu chứng liên quan các biến thể khác. Các trường hợp nhiễm Omicron được ghi nhận ban đầu trong số các sinh viên đại học. Những người trẻ hơn có xu hướng mắc bệnh nhẹ hơn nhưng cần hiểu là mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron sẽ kéo dài vài ngày đến vài tuần".
Nghĩa là, đến hiện tại, WHO vẫn chưa chắc chắn được 2 điểm: Liệu Omicron có dễ lây truyền hơn hay không so với các biến thể khác, bao gồm cả Delta. Và, liệu nhiễm Omicron có gây ra bệnh nặng hơn so với nhiễm các biến thể khác hay không, bao gồm cả Delta.
Dù vậy, cuối cùng, “tất cả các biến thể của COVID-19, bao gồm cả biến thể Delta đang chiếm ưu thế trên toàn thế giới, đều có thể gây bệnh nặng hoặc tử vong, đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương nhất và do đó, việc phòng ngừa phải được xem luôn là yếu tố quyết định”. Thêm vào đó: “Bằng chứng sơ bộ cho thấy có thể có tăng nguy cơ tái nhiễm Omicron (tức là những người đã từng bị COVID-19 có thể bị tái nhiễm dễ dàng hơn với Omicron), so với các biến thể cần quan tâm khác nhưng thông tin còn hạn chế”.
Nhiều quốc gia nhanh chóng siết chặt các biện pháp hạn chế.
Đến đây, thế giới lại thấy hiện lên trước mắt mình một khúc quanh của quá khứ gần, từng đã, đang và chắc chắn sẽ còn gây nên rất nhiều tranh cãi: Sự mất cân bằng trong việc tiếp cận nguồn cung vaccine toàn cầu.
Thí dụ, ngày 2-8-2021, hơn 110.000 liều vaccine ngừa COVID-19 bị tiêu hủy ở bang Georgia, Mỹ, do quá hạn sử dụng. Con số này ở bang Ohio vào thời điểm đó là hơn 370.000 liều. Israel cũng liên tục có những đợt tiêu hủy hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn liều vaccine thừa.
Đó chính xác là một sự phung phí ghê gớm - sự phung phí cơ hội sống sót dành cho phần rất lớn những người dân thuộc các nước nghèo hay các quốc gia đang phát triển (hoặc những khu vực bị đày đọa bởi chiến tranh và xung đột) - những nơi không có đủ tiềm lực kinh tế để sớm ký được những hợp đồng cung cấp vaccine từ các đại gia ngành dược quốc tế. Đến đầu tháng 10-2021, theo Reuters, sau rất nhiều nỗ lực của các nhà hoạt động, cũng mới chỉ có khoảng 50% dân số thế giới được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19.
Đã có hàng triệu liều vaccine bị tiêu hủy ở các nước giàu, trong khi tình trạng thiếu hụt vaccine vẫn hành hạ phần còn lại của thế giới.
Bất kỳ nhà lãnh đạo quốc gia nào cũng phải ưu tiên chăm lo sức khỏe cho công dân của mình trước, điều đó không có gì phải bàn cãi. Chuyện các hãng dược phẩm kiên quyết bảo vệ lợi ích kinh tế của mình - như động lực dành cho công tác nghiên cứu - cũng hoàn toàn dễ hiểu.
Vấn đề là, xuất phát từ tình trạng bất bình đẳng về tiếp cận nguồn cung vaccine, khi còn quá nhiều vùng trên thế giới chưa được phủ vaccine đủ, “phòng tuyến” chung của loài người sẽ luôn có những điểm yếu dễ bị dịch bệnh “đánh thủng”, tạo thêm bất an và sợ hãi, làm đảo lộn mọi lịch trình phát triển hay tái thiết.
Đó dường như mới là điều tồi tệ nhất. Sau Delta là Omicron nhưng chưa ai dám nói sau Omicron còn là những gì...
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/omicron-va-dieu-toi-te-nhat-i636673/