Omoda C5 có thể tạo sóng ở phân khúc khó?

So với phiên bản Premium, bản Flagship được trang bị thêm loa, cửa sổ trời và hệ thống an toàn. Omoda C5 tìm cách tiếp cận thị trường xe Việt một cách rất 'Trung Quốc'.

Mẫu SUV cỡ B+ Omoda C5 vừa ra mắt và chốt giá bán tại Việt Nam. Tân binh này được bán với 2 phiên bản bao gồm Premium và Flagship, giá lần lượt 589 và 669 triệu đồng.

Bản thấp không có ADAS và cửa sổ trời

Về kích thước, cả 2 phiên bản đều giữ nguyên số đo 4.400 x 1.830 x 1.588 mm, chiều dài cơ sở 2.630 mm. Xe được thiết kế kiểu SUV với đuôi dáng coupe nhằm tăng tính thể thao.

Các thông số về khoảng sáng gầm hay thiết kế đèn ở đầu và đuôi xe cũng không có sự khác biệt. Ở bản Flagship, C5 được trang bị thêm đèn sương mù ở phía trước và cảm biến gạt mưa.

Cả 2 phiên bản đều được trang bị mâm kích thước 18 inch. Ở bản Premium, ốp mâm giữ nguyên màu đen bóng còn bản Flagship được thêm các chi tiết màu đỏ tạo sự khác biệt.

 Ốp mâm trên 2 phiên bản có sự khác biệt. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Ốp mâm trên 2 phiên bản có sự khác biệt. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Chi tiết khiến giá bán của 2 phiên bản chênh lệch gần 100 triệu đồng nằm bên trong cabin. Dễ nhận biết nhất là trang bị cửa sổ trời toàn cảnh Panorama trên phiên bản Flagship. Ghế phụ chỉnh điện 4 hướng, ghế lái chỉnh 10 hướng, bộ lọc không khí PM 2.5 và hệ thống âm thanh 8 loa Sony cũng chỉ xuất hiện trên bản cao.

Sức mạnh động cơ trên 2 bản Premium và Flagship giống hệt nhau, đều là máy xăng 1.5L Turbo, sản sinh công suất 145 mã lực, mô men xoắn cực đại 210 Nm.

Các trang bị an toàn chủ động quen thuộc như hệ thống phanh ABS, kiểm soát lực kéo TCS hay khởi hành ngang dốc HAC, mẫu SUV cỡ B đều xuất hiện ở cả 2 phiên bản. Tuy nhiên phiên bản thấp sẽ thiếu camera 360 độ và hệ thống hỗ trợ lái nâng cao ADAS.

 Omoda C5 bản Flagship được trang bị thêm cửa sổ trời. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Omoda C5 bản Flagship được trang bị thêm cửa sổ trời. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Nhìn chung, với chênh lệch gần 100 triệu, bản Flagship của Omoda C5 sẽ sở hữu nhiều trang bị nội thất và hệ thống an toàn hơn, không có sự khác biệt về thiết kế hay hệ truyền động.

Tăng sức cạnh tranh nhờ giá

Omoda C5 có giá bán khởi điểm 589 triệu đồng, rẻ nhất so với các đại diện Trung Quốc cùng phân khúc như Lynk & Co 06 (729 triệu đồng), MG4 EV (828-948 triệu), BYD Dolphin (766-886 triệu đồng) hay Haval Jolion (736-779 triệu), GAC Aion Y Plus (888 triệu đồng).

Chế độ bảo hành hệ truyền động 7 năm và động cơ trong 10 năm (hoặc một triệu km) có thể trở thành điểm cộng cho tân binh khi cạnh tranh tại thị trường Việt.

Tuy nhiên phân khúc SUV cỡ B hiện không phải là một đường đua dễ dàng cho bất kỳ tân binh nào bởi sự chật chội ở cả nhóm xe xăng hay điện.

Nhóm SUV cỡ B đang "chật kín" đại diện từ Trung Quốc.

Nhóm SUV cỡ B đang "chật kín" đại diện từ Trung Quốc.

Những mẫu xe Hàn Quốc hay Nhật Bản đã nhanh chóng nắm giữ phân khúc SUV đô thị với đủ đại diện như Hyundai Creta, Kia Seltos, Toyota Corolla Cross, Honda HR-V, Mazda CX-3, CX-30 và gần nhất là Mitsubishi Xforce và Subaru Crosstrek.

Trong số này, Mitsubishi Xforce đang là cái tên dẫn đầu phân khúc với doanh số 11.444 xe được bán ra thị trường sau 10 tháng, theo sau là Toyota Yaris Cross (11.347 xe). Cả 2 cái tên trên đều ghi nhận giá bán tốt và liên tục được áp dụng khuyến mại suốt 4 quý.

Đối với Omoda, mức giá bán của C5 có thể nói là đi theo đúng con đường của những mẫu xe Trung Quốc từng gây dấu ấn tại thị trường Việt Nam, với mức giá dễ tiếp cận và nhiều trang bị, công nghệ hơn đối thủ.

Doanh số cao sẽ là điều khó có thể thành hiện thực ngay thời điểm này, nhưng với cách làm "truyền thống" của xe Trung Quốc, khác với một số thương hiệu Trung Quốc khác mới vào Việt Nam, Omoda C5 có thể dễ dàng tiếp cận với khách hàng hơn, trước khi cạnh tranh sòng phẳng về doanh số với những mẫu xe đang thống trị phân khúc.

Đan Thanh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/omoda-c5-co-the-tao-song-o-phan-khuc-kho-post1513827.html