Ôn thi cuối cấp tại Thanh Hóa: Trường học ngóng kinh phí hỗ trợ

Tại Thanh Hóa, các cơ sở giáo dục không có kinh phí trả giáo viên dạy ôn tập học sinh cuối cấp...

Cô và trò Trường THCS Đông Thọ (TP Thanh Hóa) trong giờ ôn thi vào lớp 10 năm 2025. Ảnh: Hồng Đức

Cô và trò Trường THCS Đông Thọ (TP Thanh Hóa) trong giờ ôn thi vào lớp 10 năm 2025. Ảnh: Hồng Đức

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29) quy định, kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Để bảo đảm quyền lợi nhà giáo, Sở GD&ĐT Thanh Hóa yêu cầu các trường khẩn trương tổng hợp số liệu về tình hình tổ chức cho học sinh lớp cuối cấp ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp năm học 2024 - 2025 theo Thông tư 29 trên địa bàn.

Hỗ trợ một phần từ tiền tiết kiệm chi thường xuyên

Ông Chu Anh Văn - Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ (TP Thanh Hóa, Thanh Hóa) cho biết, triển khai Thông tư 29, nhà trường luôn động viên các thầy, cô giáo bộ môn thực hiện đúng thời khóa biểu dạy ôn tập cho học sinh khối 12, với mỗi môn 2 tiết/tuần.

“Dù trường ở thành phố, nhưng tinh thần tự giác học tập của nhiều học sinh chưa tốt, phải có thầy cô kèm cặp, sát sao mới chịu học. Trong khi đó, Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới khá áp lực đối với học sinh và giáo viên. Cũng may, các thầy, cô giáo đều nhiệt tình, tự nguyện dạy miễn phí cho học sinh”, ông Chu Anh Văn bày tỏ.

Để thực hiện tốt chương trình giảng dạy theo tinh thần Thông tư 29, Ban giám hiệu Trường THPT Đào Duy Từ đã chủ động xây dựng kế hoạch, đưa ra giải pháp, như: Động viên thầy, cô giáo nâng cao trách nhiệm; tăng cường bổ sung tài liệu, học liệu… để học sinh về nhà tự giác ôn tập; tích cực tương tác với học sinh. Đặc biệt, Đoàn Thanh niên nhà trường nỗ lực phối hợp với giáo viên thành lập các nhóm học tốt thành “nhóm bạn cùng tiến” để hỗ trợ, khích lệ nhau cùng học.

“Dù giáo viên nhiệt tình với công tác ôn tập, không thu tiền, nhưng Ban giám hiệu nhà trường vẫn trăn trở, suy nghĩ việc hỗ trợ một phần nhỏ kinh phí để thầy, cô giáo bù vào xăng xe đi lại. Nhà trường sẽ trích từ tiết kiệm chi thường xuyên để động viên các thầy, cô”, ông Văn thông tin.

Tại Trường THPT Ngọc Lặc (huyện Ngọc Lặc), khi chưa có Thông tư 29, nhà trường được phép thu tiền học thêm, ôn thi của học sinh với mức 7.000 đồng/tiết (theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Thanh Hóa - PV). Do đó, nhà trường dành số kinh phí đó để chi trả cho giáo viên và công tác quản lý hoạt động dạy thêm, ôn thi.

Tuy nhiên, khi Thông tư 29 có hiệu lực, nhà trường dừng tổ chức dạy thêm, học thêm; ôn thi tốt nghiệp cho học sinh cuối cấp và thực hiện nghiêm theo quy định là miễn phí, với thời lượng 2 tiết/môn/tuần.

“Đặc thù của trường miền núi là có nhiều học sinh ở bản làng xa xôi, ý thức tự giác học tập của các em còn hạn chế. Trong khi đó, đa số phụ huynh phó mặc việc học tập của con em cho thầy, cô giáo.

Vì thế, với trách nhiệm và tình thương, thầy cô, nhà trường luôn sẵn lòng vì học sinh, tập trung ôn thi miễn phí, giúp các em tiếp nhận đầy đủ chương trình, vững kiến thức, kỹ năng vượt qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025”, Hiệu trưởng Vũ Ngọc Liêm chia sẻ.

Năm học này, Trường THCS Đông Thọ (TP Thanh Hóa) có 246 học sinh lớp 9. Nhằm giúp học trò có đủ kiến thức vượt qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới, nhà trường đã làm tốt công tác động viên giáo viên các bộ môn tập trung ôn thi cho học sinh trên tinh thần tự nguyện. Điều đáng mừng là các thầy, cô giáo đều sẵn sàng dạy ôn tập miễn phí cho các em.

Chia sẻ của ông Lê Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường THCS Đông Thọ (TP Thanh Hóa): “Nếu không có hỗ trợ từ ngân sách, nhà trường dự kiến trích phần nhỏ kinh phí từ nguồn thu học phí để hỗ trợ xăng xe cho giáo viên. Tuy nhiên, đó là dự kiến, còn thực hiện được hay không trường đang phải chờ hướng dẫn cụ thể từ cấp trên”.

 Học sinh lớp 12, Trường THPT Ngọc Lặc (Ngọc Lặc) đang ôn thi tốt nghiệp năm 2025. Ảnh: Hồng Đức

Học sinh lớp 12, Trường THPT Ngọc Lặc (Ngọc Lặc) đang ôn thi tốt nghiệp năm 2025. Ảnh: Hồng Đức

Chờ… kinh phí

Cuối tháng 3, Sở GD&ĐT Thanh Hóa có tờ trình gửi UBND tỉnh về việc đề nghị cấp hỗ trợ kinh phí dạy thêm, ôn tập tốt nghiệp THCS và THPT năm 2025.

Theo đó, để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh, đặc biệt giữ vững kết quả đầu ra tốt nghiệp THCS và Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tổ chức dạy thêm trong cơ sở giáo dục cho học sinh lớp 9, lớp 12 rất cần thiết.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước cấp chi thường xuyên và nguồn thu hợp pháp tại cơ sở giáo dục mới đảm bảo cho các hoạt động giáo dục tối thiểu. Các cơ sở giáo dục không có kinh phí trả giáo viên dạy ôn tập học sinh cuối cấp...

Từ thực tế trên, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh xem xét cấp hỗ trợ kinh phí tổ chức dạy thêm trong nhà trường cho các cơ sở giáo dục công lập để tổ chức ôn tập tốt nghiệp THCS, THPT trên địa bàn tỉnh năm 2025.

Cũng theo Sở, căn cứ Thông tư số 29 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm, thời gian dạy thêm, học thêm cho học sinh lớp 9 là 2 tiết/tuần/môn x 3 môn x 15 tuần. Thời gian dạy thêm, học thêm cho học sinh lớp 12 là 2 tiết/tuần/môn x 4 môn x 18 tuần.

Nghị quyết 286/2022 của HĐND tỉnh Thanh Hóa quy định, mức thu tối đa các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh, với mức hỗ trợ kinh phí dạy thêm, học thêm lớp 9 là 6.000 đồng/học sinh/tiết; lớp 12 là 7.000 đồng/học sinh/tiết.

Như vậy, tổng nhu cầu kinh phí đề nghị hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là hơn 64,1 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí dạy thêm ôn tập tốt nghiệp THCS trên 27,7 tỷ đồng; kinh phí dạy thêm ôn thi tốt nghiệp THPT hơn 36,4 tỷ đồng.

Sau khi sở GD&ĐT có tờ trình, ngày 11/4/2025, ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có ý kiến chỉ đạo, giao sở GD&ĐT khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh.

Nghiêm túc, khẩn trương triển khai việc xác định số lượng học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường được quy định tại Thông tư số 29.

Đồng thời, xác định thời gian dạy thêm, ôn tập tốt nghiệp theo quy định Thông tư 29; hoàn chỉnh hồ sơ, gửi Sở Tài chính để có cơ sở tham mưu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Hiện, Sở GD&ĐT Thanh Hóa yêu cầu các trường khẩn trương tổng hợp số liệu về tình hình tổ chức cho học sinh lớp cuối cấp ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp năm học 2024 - 2025 theo Thông tư 29 trên địa bàn.

“Nếu nhà trường được hỗ trợ kinh phí dạy thêm, ôn thi từ ngân sách theo tinh thần Thông tư 29, giáo viên được nhận khoản thù lao với mức 7.000 đồng/tiết sẽ đỡ vất vả hơn”, ông Vũ Ngọc Liêm - Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Lặc nói.

Thế Lượng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/on-thi-cuoi-cap-tai-thanh-hoa-truong-hoc-ngong-kinh-phi-ho-tro-post728652.html