Ông Biden đảo chiều chiến lược chống Covid-19, lập đội tác chiến mới
Tổng thống đắc cử Joe Biden cùng nữ 'phó tướng' Kamala Harris thông báo sẽ thay đổi cách thức xử lý đại dịch Covid-19 của Mỹ sang hướng hoàn toàn khác.
Báo Anh The Guardian đưa tin, khi cùng bà Harris xúc tiến quá trình chuyển giao quyền lực, ông Joe Biden sẽ triệu tập đội đặc nhiệm chống Covid-19 ngay trong hôm nay (9/11) để giải quyết một trong những vấn đề lớn nhất mà Mỹ đang phải đối mặt.
Ông dự kiến họp với ban cố vấn gồm 12 thành viên, do cựu bác sĩ phẫu thuật Vivek Murthy và cựu ủy viên Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ David Kessler đứng đầu, để đánh giá cách thức ngăn chặn đại dịch hiệu quả nhất.
Sau đó trong ngày, Tổng thống tiếp theo của Mỹ sẽ phát biểu ở Wilmington, bang Delaware, về kế hoạch xử lý Covid-19 và tái thiết nền kinh tế.
Theo hãng tin CNN, những động thái trên không có nghĩa là đội đặc nhiệm chống Covid-19 của Tổng thống Donald Trump sẽ ngừng làm việc. Tiến sĩ Ashish Jha, Hiệu trường trường Y tế Công thuộc Đại học Brown, nói rằng điều quan trọng là hai đội phải hợp tác làm việc cùng nhau. "Đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, tôi nghĩ chúng ta nên yêu cầu một sự hợp tác", ông Jha nói.
CNN nhận định, có 5 cách mà Joe Biden khẳng định chiến lược chống Covid-19 của ông sẽ thay đổi khi ông làm Tổng thống:
Tăng xét nghiệm và truy vết: Đây là ưu tiên số 1 trong danh sách các cam kết của ông Biden. Theo đó, mọi người Mỹ sẽ được tiếp cận với việc "xét nghiệm thường xuyên, đáng tin cậy và miễn phí".
Đầu tư thêm vào vắc-xin và các phương pháp điều trị: Kể từ tháng 3, chính quyền Trump đã chi hàng tỷ đôla vào phát triển, mở rộng quy mô các vắc-xin cùng các liệu pháp trị Covid-19. Mục tiêu là bào chế và cung cấp 300 triệu liều vắc-xin an toàn và hiệu quả vào tháng 1/2021.
Ông Biden cam kết đầu tư thêm 25 tỷ USD vào sản xuất và phân phối vắc-xin miễn phí cho tất cả mọi người ở Mỹ, đồng thời hứa đảm bảo thuốc và các liệu pháp điều trị có giá cả phải chăng.
Bắt buộc đeo khẩu trang: Ông Biden thông báo sẽ làm việc với các thống đốc và thị trưởng từng địa phương để quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Ông khẳng định sẽ giải quyết vấn đề thiết bị bảo hộ cá nhân cho các nhân viên y tế.
Ngoài khuyến khích quốc hội thông qua một gói cứu trợ khẩn cấp để giúp các trường học chống dịch, ông Biden dự kiến lập ra "một gói khởi động" để giúp các doanh nghiệp nhỏ mua trang thiết bị bảo hộ.
Tăng cường 'hướng dẫn rõ ràng, nhất quán, dựa trên bằng chứng': Chính quyền mới dưới sự lãnh đạo của ông Joe Biden sẽ khuyến khích CDC tích cực hơn trong cung cấp hướng dẫn cụ thể cho các cộng đồng về thời điểm họ cần phong tỏa. Những người chỉ trích Tổng thống Trump cho rằng cơ quan này đã đứng ngoài cuộc để ủng hộ chủ trương mở cửa lại nền kinh tế.
Ông Biden cũng sẽ thành lập Lực lượng Đặc nhiệm về Sức khỏe và Công bằng chủng tộc, mà sau này sẽ là Lực lượng Đặc nhiệm Công bằng chủng tộc về Bệnh truyền nhiễm hậu đại dịch, chuyên xử lý các vấn đề bất bình đẳng trong hệ thống y tế công.
Tái gia nhập Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Chính quyền ông Trump đã chính thức bắt đầu tiến trình rút khỏi WHO từ tháng 7. Ông Biden tuyên bố sẽ thiết lập lại quan hệ của Mỹ với tổ chức này.
Trong suốt cuộc bầu cử vừa qua, ông Biden đã dành phần lớn chiến dịch vận động để lên án cách xử lý khủng hoảng Covid-19 của Tổng thống Donald Trump và cam kết sẽ lắng nghe các nhà khoa học tư vấn.
"Đại dịch đang ngày càng gây lo ngại trên khắp cả nước", ông Biden nói cuối tuần qua. "Tôi muốn mọi người biết ngay từ ngày đầu tiên rằng chúng tôi sẽ thực thi kế hoạch kiểm soát virus này bằng hành động".
Theo trang thống kê toàn cầu Worldometers, tính đến nay Mỹ có hơn 10 triệu ca nhiễm Covid-19 và hơn 243.000 người tử vong vì bệnh này. Trên toàn thế giới, virus corona lây nhiễm cho hơn 50 triệu người và cướp đi mạng sống của hơn 1,26 triệu bệnh nhân.