Ông Biden tránh nói đến chiến tranh lạnh trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc

ng Joe Biden sẽ có bài phát biểu đầu tiên trước Liên Hợp Quốc với tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ vào thứ Ba (21/9), tìm cách 'khép lại 20 năm chiến tranh' và bắt đầu kỷ nguyên ngoại giao chuyên sâu.

Tuy nhiên, ông Biden sẽ phải đối mặt với sự căng thẳng từ Trung Quốc, rạn nứt công khai với Pháp và sự hoài nghi rộng rãi giữa các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc về cam kết của ông đối với chủ nghĩa đa phương sau những bất đồng về Israel, cuộc rút lui hỗn loạn khỏi Afghanistan và một thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân khiến cả đối thủ và đồng minh ngạc nhiên.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP

Bài liên quan

Liên Hợp Quốc họp, tập trung vào xử lý đại dịch và chống biến đổi khí hậu

Bất chấp cảnh báo về sự tàn phá kinh tế của Liên Hợp Quốc, Úc tiếp tục sản xuất than đá đến 2030

Liên Hợp Quốc cảnh báo Afghanistan cần tiền để ngăn chặn sự sụp đổ

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi Taliban thực hiện các cam kết

Nhà Trắng coi bài phát biểu trước đại hội đồng Liên hợp quốc là cơ hội để giành lại sáng kiến toàn cầu và thuyết phục các quốc gia thành viên Liên hợp quốc rằng "Mỹ đã trở lại", như ông Biden đã hứa khi ông nhậm chức.

Tiếp sau đó là một tuần các cuộc họp song phương, hội nghị thượng đỉnh Covid do Mỹ tổ chức vào thứ Tư (22/9) nhằm huy động thêm nguồn tài trợ cho việc phân phối vắc xin toàn cầu, một cuộc họp của các nhà lãnh đạo của Nhóm Bộ Tứ, và một cuộc họp của hội đồng an ninh Liên Hợp Quốc về tình trạng mất an ninh khí hậu vào thứ Năm (23/9).

“Đây là một tuần quan trọng, mang tính hệ quả đối với Tổng thống Biden và sự lãnh đạo của ông trên trường thế giới,” một quan chức chính quyền cấp cao cho biết.

Quan chức này cho biết thêm, bài phát biểu hôm thứ Ba sẽ “tập trung vào đề xuất rằng chúng ta đang kết thúc 20 năm chiến tranh và mở ra một chương mới về ngoại giao chuyên sâu, bằng cách tập hợp các đồng minh, đối tác và các thể chế để đối phó với những thách thức lớn của thời đại".

Tuy nhiên, ông Biden sẽ đến New York chỉ vài ngày sau khi tiết lộ về thỏa thuận an ninh mới giữa Australia, Anh và Mỹ, trong đó có việc giúp Australia xây dựng một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Việc công bố thỏa thuận AUKUS đã làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc, và bị coi là hành động thù địch với Pháp, nước có hợp đồng cung cấp cho Australia các tàu ngầm tương tự.

Trong bài phát biểu của mình, ông Biden sẽ nói rằng ông muốn tránh một cuộc chiến tranh lạnh mới với thế giới bị chia thành nhiều khối. “Ông ấy tin vào sự cạnh tranh mạnh mẽ, chuyên sâu, có nguyên tắc và không dẫn đến xung đột,” một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.

Tuy nhiên, khi bắt đầu tuần hội nghị thượng đỉnh của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thư ký Liên hợp quốc, António Guterres đã bày tỏ lo ngại rằng sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngăn cản tiến độ trong các vấn đề toàn cầu cấp bách.

Ông Guterres nói với CNN rằng những nỗ lực của đặc phái viên khí hậu Hoa Kỳ John Kerry nhằm đạt được một thỏa hiệp với Trung Quốc đã “thất bại phần lớn bởi vì người Trung Quốc đã nói rằng… chúng ta không thể hợp tác về khí hậu hay bất cứ điều gì khác”.

“Tôi tin rằng chúng ta cần tránh một cuộc chiến tranh lạnh mới. Mọi thứ giờ đây phức tạp hơn nhiều so với trước kia", tổng thư ký nói.

Ông Biden bắt đầu một tuần với gánh nặng gia tăng do sự rạn nứt nghiêm trọng trong sự gắn kết phương Tây. Pháp vẫn rất tức giận khi bị bất ngờ trước thỏa thuận AUKUS và cảnh báo rằng sẽ có thêm những thất bại về mặt ngoại giao.

Hôm thứ Hai, ông Biden đang cố gắng thiết lập một cuộc điện thoại với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, và Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Tony Blinken, đang tìm kiếm một cuộc gặp với người đồng cấp của ông, Jean-Yves Le Drian, ở New York. Tuy nhiên, người Pháp tỏ ra không mấy mặn mà với ý tưởng này.

Ngoại trưởng Pháp nói rõ rằng ông không có kế hoạch gặp mặt ông Blinken trước khi cuộc gọi được sắp xếp giữa ông Biden và Macron.

“Bản thân tôi không có ý định gặp Ngoại trưởng Blinken, mặc dù tôi có thể gặp ông ấy ở bất kỳ đâu”, ông Le Drian nói. Ông nói rằng cuộc tranh cãi về AUKUS không chỉ là về hợp đồng tàu ngầm, và sự vi phạm lòng tin liên quan đến việc giữ bí mật cho thỏa thuận, mà còn về tương lai của chủ nghĩa đa phương và chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ông nói với các phóng viên ở New York: “Chúng tôi cho rằng cách tiếp cận này của Hoa Kỳ rất thiên về sự đối đầu với Trung Quốc, đồng thời lập luận rằng cách tiếp cận của châu Âu sẽ mang nhiều sắc thái hơn và cần được tính đến".

Vào tháng 5, Mỹ đã chặn Hội đồng an ninh Liên hợp quốc đưa ra tuyên bố kêu gọi chấm dứt bạo lực giữa Israel và Palestine, trong khi Israel đang thực hiện một chiến dịch ném bom nhằm vào Hamas ở Gaza, với thương vong nặng nề về dân sự.

Bà Sherine Tadros, người đứng đầu văn phòng tại New York của Tổ chức Ân xá Quốc tế, nói rằng ông Biden sẽ được lợi khi so sánh với ông Donald Trump, người đã công khai tỏ ra thù địch với LHQ, nhưng vẫn cần phải lo ngại.

“Chắc chắn là có sự tái hợp tác… Nhưng khi bạn nhìn vào Afghanistan, khi bạn nhìn vào cuộc chiến ở Gaza, Liên hợp quốc đã bị chính quyền ông Biden chặn đứng và coi như một Kế hoạch B", bà nói.

Ông Biden cũng sẽ chỉ tổ chức một cuộc họp song phương ở New York vào thứ Ba với Thủ tướng Úc Scott Morrison, trước khi quay trở lại Washington, nơi ông sẽ gặp Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Hoàng Nam (Theo Guardian)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ong-biden-tranh-noi-den-chien-tranh-lanh-trong-bai-phat-bieu-tai-lien-hop-quoc-post157235.html