Ông chủ CLB đua xe Go-Kart và giấc mơ đưa người Việt đi đua xe F1 trong 10 năm tới
Thành lập đội đua F1 với tổ hợp tay đua Việt, từ đó đưa tên tuổi của Việt Nam sánh tầm với thế giới trong lĩnh vực đua xe thể thao là ước mơ cháy bỏng của anh Phan Hồng Sơn, ông chủ giải đua Go-Kart đầu tiên tại Việt Nam.
Được hình thành cách đây khoảng 50 năm tại Mỹ, đua xe Go-Kart được giới đua xe 4 bánh gọi là giải đấu bước đệm mà tất cả các tay đua chuyên nghiệp và các huyền thoại F1 đều trải qua.
Ở các nước có nền đua xe thể thao phát triển, Go-Kart là bộ môn để những ai đam mê tốc độ có thể rèn luyện và đi theo con đường đua xe chuyên nghiệp ở các hạng đua cao hơn như F3, F2 hay F1.
Trong khi đó, tại Việt Nam đua xe Go-Kart chỉ mới bắt đầu được chú ý khoảng vài năm trở lại đây. Lượng người tham gia chưa nhiều và các giải đấu lại càng hạn chế.
Dẫu vậy, với ước mơ và hoài bão cháy bỏng, anh Phan Hồng Sơn, giám đốc đơn vị quản lý và tổ chức giải đua Go-Kart chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam kỳ vọng sẽ đưa bộ môn thể thao tốc độ này tới gần những người đam mê, tạo tiền đề cho những "tay đua" chuyên nghiệp tương lai của Việt Nam có thể tranh tài cùng bạn bè quốc tế.
Lần đầu gặp gỡ, anh gây ấn tượng với chúng tôi bởi dáng người cao gầy cùng nụ cười hiền lành. Tuy nhiên, ngược với vẻ bề ngoài khá điềm đạm, anh từng là tay đua thứ thiệt với nhiều thành tích nổi bật.
Trước khi mùa giải Go-Kart thứ 2 chính thức khởi động vào năm 2021, anh đã có những chia sẻ về ước mơ của mình: "Thành lập đội đua F1 với tổ hợp tay đua Việt, từ đó đưa tên tuổi của Việt Nam sánh tầm với thế giới trong lĩnh vực đua xe thể thao."
Từ bao giờ anh cảm thấy mình có niềm đam mê đặc biệt với tốc độ?
Khi mình học lớp 10, có một cuộc thi xe thế năng ở trường Nguyễn Thượng Hiền, mình cùng một bạn trong lớp đã thắng nhất giải. Bản thân đã thích chế tạo, thích Lego từ nhỏ rồi,… cũng nhờ đó mà mình chế tạo ra kết cấu đặc biệt giúp cho xe chạy nhanh hơn, qua đó thắng giải.
Lớp 11 có giải đua xe điện mặt trời của Úc do trường Nguyễn Thượng Hiền và Lê Hồng Phong cùng tổ chức, với đường đua là vòng xoay số 8 mình cũng thắng nhất trường nhờ sử dụng kết cấu moteur gắn lên trên 1 bánh xe, giúp bánh xe xoay vòng tròn dạng như xe đẩy.
Kết cấu này hiệu quả hơn rất nhiều, giúp mình thắng luôn giải đua. Đến giải thi thành phố tổ chức tại Nhà Văn hóa Thanh niên thì mình lại vuột mất giải, dẫu vậy thiết kế của mình lại được các bạn của đội thắng cuộc dùng để “chinh chiến” giải đua xe điện mặt trời tại Úc vào năm sau.
Nói chung, đua xe là đam mê từ nhỏ của mình rồi, còn đam mê chế tạo cũng đến từ những giờ học Vật Lý, môn học sở trường của mình khi còn là học sinh. Thời còn ngồi trên ghế nhà trường, mình cũng từng là học sinh chuyên Lý với chuyên Tin, nhưng sau đó chọn bỏ Vật Lý để chuyên tâm cho Tin học.
Cơ duyên nào đưa anh đến với đường đua Go-Kart?
Lên lớp 12, mình lên đường sang Anh du học ngành Khoa học máy tính (Computer Science), một chuyên ngành chứa đựng nhiều hàm lượng thông tin lý thuyết và học thuật.
Sau những giờ học lập trình, điện toán, cấu trúc dữ liệu và giải thuật, công nghệ phần mềm… mình tìm đến đường đua như 1 thú vui tiêu khiển và bén duyên luôn với Go-Kart, môn thể thao tốc độ đúng với đam mê và sở thích của mình.
Điều gì đã khiến anh phát triển đua xe Go-Kart, môn thể thao còn khá xa lạ với người Việt Nam?
Sau khi về Việt Nam, mình cũng đủ ấp ủ kế hoạch sẽ tạo ra một sân chơi cho những ai có niềm đam mê tốc độ giống mình. Cơ hội đến bất ngờ khi mình biết được Đại Nam đầu tư xây trường đua. Vốn đã ấp ủ kế hoạch từ lâu cùng với sự đam mê sẵn có, mình đã không ngần ngại đầu tư và phát triển một CLB đua xe Go-Kart tại Việt Nam.
Nhưng để phát triển nó thành một môn thể thao, suy nghĩ ban đầu mình đơn giản chỉ kết nối các anh em có chung sở thích, và từ đó cho ra đời giải đua xe Go-Kart đầu tiên.
Đua Go-Kart nói riêng và đua xe nói chung là môn thể thao tốc độ, tiềm ẩn những rủi ro trên đường đua. Việc anh đam mê môn thể thao tốc độ này có vấp phải sự phản đối nào từ gia đình, người thân không?
Ban đầu thì phụ huynh rất sợ, không an tâm về việc mình rẽ sang một môn thể thao lại còn là môn thể thao đòi hỏi tốc độ, nhưng có lẽ bố mẹ cũng hiểu bản tính của mình, đó là luôn đưa ra quyết định khi đã suy nghĩ thấu đáo. Dần dần, bố mẹ và gia đình cũng đã hiểu và an tâm hơn.
Theo trải nghiệm của một người trong nghề như anh, bộ môn thể thao này giúp cho người chơi rèn luyện được kỹ năng gì?
Bộ môn thể thao này giúp mình biết được giới hạn: giới hạn của bản thân, giới hạn của chiếc xe đua, giới hạn drift (khi người lái xe dùng các kỹ thuật của mình để điều khiển cho bánh ô tô trượt trên đường nhưng vẫn đảm bảo tốc độ và điều chỉnh xe theo ý muốn của bản thân),… để luôn kiểm soát được tình huống, ví dụ nếu tụt quá xa giới hạn, xe sẽ bị đối thủ vượt mặt, trong khi nếu vượt quá giới hạn, xe có thể bị mất lái và ra khỏi đường đua.
Và khi đã kiểm soát được giới hạn này, người chơi sẽ bứt phá giới hạn của chính mình để từ đó tiến lên.
Vậy anh đã từng bao giờ cảm thấy chùn bước hay chưa?
Tất nhiên là có chứ, từng cảm thấy nản vì rất nhiều lý do, như thiếu tiền để duy trì CLB đua xe của mình chẳng hạn. Có những lúc thiếu tiền để phát lương cho cả đội, mình đối mặt với rất nhiều áp lực. Nhưng điều đó cũng tạo cho mình độ chây lì hơn, suy nghĩ nhiều hơn để đưa ra được giải pháp tốt nhất.
Khi quyết định tổ chức giải đua, tại sao anh lại chọn Go-Kart thay vì đua Motor, ô tô, hoặc xe bán tải,…?
Ngoài bộ môn đua xe máy và đua xe bán tải đã có nhiều người tham gia, các loại hình đua xe khác vẫn còn rất ít ỏi, trong đó có Go-Kart.
Và một trong những lý do đầu tiên mà mình lựa chọn tổ chức giải đua Go-Kart thay vì một môn thể thao nào khác xuất phát từ việc: Go-Kart là nền tảng của tất cả các loại hình đua xe chuyên nghiệp trên toàn thế giới, trong đó có F1.
Ưu điểm dễ dàng tham gia cùng mức giá hợp lý hơn các loại hình đua xe khác của Go-Kart cũng là tiêu chí mà mình lựa chọn tổ chức giải đua này. Chi phí tham gia cuộc đua cho người chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp với giá dự kiến khoảng 2.000 USD/đội đua.
Để thực hiện giải đua Go-Kart này, anh đã gặp những khó khăn gì?
Mình lấy ví dụ, một đội đua có 12 người, chia làm 2 tốp, những ai đi tập luyện thường xuyên sẽ nhanh hơn tốp còn khoảng 3-4 giây, nếu đua 10 vòng, khoảng cách sẽ là 30-40 giây. Lúc này, đội sau sẽ chán và không còn đủ ý chí để đi đua chung nữa, cứ thế họ nghỉ luôn.
Khi thành lập câu lạc bộ đua, mình mới thấy được tổ chức giải đua là một việc khó khăn muôn vàn, bởi có người tới chơi 1 lần rồi nghỉ, có người tới chơi 2-3 lần nghỉ… Nói chung khoảng 100 người đến thì chỉ có 2 người gắn bó với mình, đó là một trong những khó khăn lớn nhất.
Hay như mình đã đề cập phía trên, đó là những lúc thiếu hụt ngân sách, thiếu ý tưởng,… Tuy nhiên, đối với mình, trong khó khăn sẽ có cơ hội.
Khi dịch COVID-19 bùng phát, việc tổ chức giải đua của anh có bị ảnh hưởng?
Khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, những thành viên trong đội của mình đã quyết định tạm nghỉ vì ngân sách quỹ công ty không còn nhiều. Tuy nhiên, mình đã khuyên mọi người đừng nghỉ, thay vào đó hãy chuẩn bị trước cho việc tổ chức giải đua, đào sâu sang các khía cạnh khác. Và khi COVID-19 tạm lắng, giải đua đã được tổ chức trơn tru nhờ có sự chuẩn bị từ trước.
Với Go-Kart, để người Việt đi theo hướng chuyên nghiệp, tham gia giải đua F1 anh cảm thấy có khả thi không?
Dựa trên trải nghiệm của bản thân, mình thấy như sau: Bộ môn này rất đắt đỏ khi càng vào sâu, ví dụ từ chặng đua đầu tiên tạm gọi là F8, mình có thể đua được một mùa tốn chừng 20 – 30 triệu, lên F7 người chơi phải mua xe và chi phí bỏ ra cho mùa này tốn tầm 1-2 tỷ đồng.
Ngoài việc đua ra còn phải yêu cầu bộ phận kỹ thuật, mechanical (cơ khí) và engineering (kỹ thuật), xe đua, bộ phận hỗ trợ, nhờ những chuyên gia,… những điều này sẽ tốn khá nhiều tiền. Câu chuyện chỉ mới bắt đầu từ chặng đua mình tạm gọi là F7.
Từ chặng đua F8 vươn đến giải đua xe công thức F1 là cả một câu chuyện mà không thể biết được trong 10 năm có đạt được kỳ vọng không, tuy nhiên nếu có một kế hoạch cụ thể thì mình tin đây là câu chuyện hết sức khả thi.
Khi nhìn trường đua F1 được xây dựng ở Hà Nội vào đầu năm nay, khát khao có một tay đua người Việt được thi đấu ở ngay trên đất nước mình càng cháy bỏng hơn bao giờ hết.