Ông đại tá của bản Pá Có

Với người dân ở bản Pá Có, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên hoặc những người biết ông, mỗi lần gặp khó khăn trong công việc, trong cuộc sống lại lấy gương của ông để phấn đấu vượt qua. Ông là Đại tá Tao Văn Khứn, sinh năm 1947, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Lai Châu (trước đây), nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Điện Biên.

Ký ức người lính

Những năm 1970-1971, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước sang giai đoạn mới đầy cam go, ác liệt, lời kêu gọi thanh niên lên đường nhập ngũ cứu nước vang lên khắp các địa phương trong cả nước. Với mong muốn cháy bỏng được góp một phần nhỏ bé, ông Khứn đã viết đơn xin lên đường nhập ngũ để bảo vệ quê hương, đất nước.

Ông Khứn bồi hồi nhớ lại: “Năm 1971, khi tôi tròn 24 tuổi, lúc này do đồng chí Chủ tịch UBND huyện Mường Lay (trước đây) đi học nên tôi là Phó chủ tịch Thường trực kiêm Chủ tịch Hội đồng Nghĩa vụ quân sự của huyện. Hằng ngày tôi thường nghe ngóng tin tức ở chiến trường, tâm trí dõi theo bước chân đoàn quân giải phóng trong các chiến dịch. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ về bản tôi từ lúc bé đã không ngừng thôi thúc tôi viết đơn tình nguyện đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh cho phép mình nhập ngũ. Cũng năm này, chính tay tôi ký lệnh nhập ngũ cho 200 thanh niên địa phương, trong đó có tôi”.

Trở thành anh lính binh nhì, tạm biệt vợ dại con thơ nơi miền sơn cước, ông Khứn cùng đồng đội tham gia chiến trận Bắc Lào và nhiều trận chiến đấu sau này. Từ chiến trường trở về, ông Khứn phấn đấu không ngừng, trải qua nhiều chức vụ khác nhau và năm 1994, ông đảm nhận cương vị Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Lai Châu (trước đây).

 Ông Tao Văn Khứn chăm sóc cánh đồng của gia đình.

Ông Tao Văn Khứn chăm sóc cánh đồng của gia đình.

Trên cương vị người đứng đầu Bộ CHQS tỉnh, ông Khứn cùng tập thể Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh và cán bộ, chiến sĩ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, gần dân, sát dân để giữ vững ổn định, an ninh chính trị trên địa bàn. Ông Khứn hồi tưởng lại: “Lúc đó Lai Châu là một trong những tỉnh kinh tế chậm phát triển, giao thông đi lại cực kỳ khó khăn, trình độ dân trí thấp, đa số là đồng bào dân tộc Mông và Thái. Trong khi đó, các thế lực thù địch không ngừng thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, gây mất ổn định chính trị-xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, chúng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bà con dân tộc thiểu số để truyền đạo trái pháp luật, kích động người dân thành lập cái gọi là “Vương quốc Mông”...

Trước tình hình đó, ông đã cùng cán bộ, chiến sĩ đi bộ đến từng điểm bản để tìm hiểu, nắm tình hình, tuyên truyền, ngăn chặn, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh ổn định tình hình, ổn định dân cư, chia tách xã để dễ quản lý, ngăn chặn bà con di cư tự do, mở đường dân sinh, cử cán bộ dân tộc đi đào tạo, giới thiệu, bồi dưỡng kết nạp Đảng, khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con...

Năm 1999-2000, ông đề xuất xin kinh phí, huy động cán bộ, chiến sĩ, vận động bà con nhân dân làm hơn 70km đường liên xã Nà Hỳ, Nà Khoa, Na cô sa (huyện Nậm Pồ), Mường Toong (huyện Mường Nhé) với trị giá 350 triệu đồng. Để làm được những việc này vào thời điểm đó là cả một vấn đề. “Nếu không tạo được niềm tin với bà con thì không làm được việc gì, dù nhỏ nhất”, ông Khứn cho biết.

Việc gì khó có ông Khứn

Năm 2004, sau khi nghỉ hưu, ông Khứn tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức Phó chủ tịch rồi Chủ tịch Hội CCB tỉnh Điện Biên. Trong gần hai nhiệm kỳ đảm nhận chức vụ, năm nào Hội CCB tỉnh cũng đạt danh hiệu “Vững mạnh xuất sắc”. Năm 2016, sau khi nghỉ tham gia lãnh đạo Hội CCB, ở tuổi này, nhiều người chọn cách sống an nhàn, điền viên, vui vầy bên con cháu sau những năm cống hiến, nhưng quan niệm của ông lại khác, ông vẫn đau đáu với hoàn cảnh khó khăn của một bộ phận nhân dân, nhất là người dân tộc thiểu số.

Ông nhận thấy nếu không gắn bó, sống cùng bà con thì dù có là đảng viên hay cán bộ có uy tín gì đi chăng nữa thì có tham gia góp ý, tiếng nói đó cũng không đủ trọng lượng để thay đổi nếp nghĩ, cách làm, không tháo gỡ được “nút thắt” giúp bà con có cuộc sống tốt hơn. Từ đó, ông quyết định về quê làm nhà, đào ao, trồng rừng, đưa kỹ thuật mới vào chăn nuôi, sản xuất với mô hình “Vườn-ao-chuồng-rừng”. Gia đình ông hiện có 2ha diện tích trồng rừng (cây thông, cây mỡ, cây bao bát châu Phi...), 700m2 diện tích mặt nước nuôi cá, vườn trồng rau và chuồng trại nuôi 1.000 con gà đen theo kỹ thuật mới. Khoảng 7 tháng, ông cho xuất chuồng, trừ chi phí ông thu được 30 triệu đồng/lứa.

Từ mô hình của mình, ông vận động được hơn 10 hộ trong bản đầu tư chăn nuôi gà đen, loại gà được thị trường ưa chuộng, cho giá thành cao. Ngoài ra, ông còn hướng dẫn bà con cấy lúa giống mới cho năng suất cao, canh tác hoa màu, lạc, đỗ và trồng rừng lấy gỗ.

Câu chuyện sau đây mới biết ông là người “đặc biệt”: Xã Chà Nưa có 3 cánh đồng trồng lúa là Na Vai, Nà Sự, Na Lau với diện tích hơn 10ha thuộc hai bản Pá Có và Nà Sự, 3 cánh đồng này 5 năm trước đã được Nhà nước đầu tư gần 2 tỷ đồng làm đường ống dẫn nước. Tuy nhiên sau hai năm, cánh đồng thuộc bản Na Vai không có nước, ruộng khô, lúa chết, không canh tác được, bà con chỉ biết kêu than. Biết được điều đó, ông Khứn lặn lội đến thực tế để tìm nguyên nhân.

Ông tự đặt câu hỏi, ý thức đảng viên, tinh thần cán bộ ở đâu mà để 3 năm liên tục không có nước về cho dân canh tác? Lo nước tưới cho đồng ruộng là lo cơm áo cho dân. Ông trao đổi, đề nghị cán bộ xã, cán bộ bản vào cuộc, nhưng đáp lại chỉ là tiếng “vâng”, rồi đâu vẫn hoàn đó. Ông nhận thấy, nếu ông không làm cán bộ, không có “vai vế”, dù là nhỏ nhất cũng khó có thể tham gia góp ý được. Chính vì vậy, ông chuyển hẳn hộ khẩu về bản và đảm nhận chức Phó bí thư Chi bộ bản. Tháng 4-2024, ông đề nghị cán bộ của hai bản mời cán bộ xã cùng "thực mục sở thị" và tìm ra nguyên nhân nước không về bản là do hỏng đường ống dẫn nước. Nhưng vì đường nước chung thuộc hai bản nên không bên nào chịu trách nhiệm, bỏ kinh phí sửa chữa.

Sau cuộc họp đó, cán bộ cùng bà con hai bản đã chung tay góp sức, đồng lòng tu sửa, giao trách nhiệm rõ ràng cho từng bản. Từ sự quyết liệt của ông mà nước đã về cánh đồng cho bà con canh tác, cũng chính ông là người tìm ra phương pháp, cách làm, kêu gọi sự quy tụ đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, của người dân... Mục đích làm Phó bí thư Chi bộ bản của ông còn là để hướng dẫn, dìu dắt đội ngũ cán bộ trẻ, các cháu thanh niên tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hướng dẫn cách duy trì sinh hoạt, cách tập hợp, vận động bà con tham gia sao cho hiệu quả, hưởng ứng các cuộc vận động lớn của Nhà nước như xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh Tổ quốc...

Chúng tôi nhớ mãi lời của đồng chí Trịnh Long Biên, Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh lúc chia tay khi ông nhận quyết định nghỉ hưu: “Công lao của đồng chí Đại tá Tao Văn Khứn thì rất dày, Bộ CHQS tỉnh luôn là lá cờ đầu trong phong trào thi đua. Tôi xin tặng đồng chí Khứn một câu ngắn gọn: "Một người cán bộ có tâm, có tầm, có tình, có nghĩa”.

Quan điểm sống của ông Khứn rất đơn giản, lúc nào cũng làm việc hết mình, thấy đúng thì hết sức làm, thấy sai thì hết sức tránh. Khi làm chỉ huy, lãnh đạo giữ nghiêm kỷ cương, nguyên tắc nhưng không cứng nhắc, vì con người nhân vô thập toàn, mở rộng sự độ lượng, bao dung. Dù khi đang đương chức hay đã nghỉ hưu, mọi việc ông làm đều vì lợi ích của người dân là trên hết. Ông luôn khiêm tốn nói rằng, mình là người bình thường, không có gì gọi là xuất sắc cả. Tuy nhiên những ai đã được công tác cùng ông, biết ông đều nể phục, lấy ông làm tấm gương sáng để phấn đấu.

Với 77 tuổi đời, 58 tuổi Đảng, Đại tá Tao Văn Khứn luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tinh thần gương mẫu của người đảng viên, mang những kiến thức, hiểu biết cống hiến hết mình để xây dựng quê hương ngày càng vững mạnh.

Bài và ảnh: PHAN HƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/ong-dai-ta-cua-ban-pa-co-790339