Ông Lã Quốc Khánh: 4 kế hoạch và 5 mục tiêu cho phát triển du lịch ẩm thực Việt

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với báo Nhà báo và Công luận, ông Lã Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) đã có những chia sẻ thú vị và hấp dẫn về ẩm thực Việt, đồng thời tiết lộ kế hoạch và mục tiêu cụ thể cho việc phát triển du lịch ẩm thực trong thời gian tới.

Ông Lã Quốc Khánh khẳng định, VCCA nhận thức được lợi thế và thách thức của ẩm thực Việt trong tham vọng đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Vì thế, VCCA đang nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị ẩm thực độc đáo của đất nước, qua đó mở ra cơ hội đưa hương vị Việt Nam vươn xa, chinh phục thực khách toàn cầu.

 Ông Lã Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA).

Ông Lã Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA).

- Gần đây, báo chí quốc tế liên tục ca ngợi ẩm thực Việt Nam. Theo ông, những yếu tố nào đã làm nên sự hấp dẫn đặc biệt của ẩm thực Việt Nam đối với du khách quốc tế? VCCA đánh giá như thế nào về vai trò của ẩm thực trong việc thúc đẩy du lịch Việt Nam?

Ẩm thực Việt Nam gây ấn tượng mạnh mẽ với báo chí quốc tế nhờ vào sự cân bằng hương vị tinh tế. Mỗi món ăn đều hòa quyện hoàn hảo giữa các yếu tố chua, cay, mặn, ngọt và umami (ngọt thịt). Ví dụ, món phở không chỉ là nước dùng thơm ngon mà còn là sự kết hợp của hồi, quế, gừng cùng thịt bò mềm mại và gia vị như tương ớt, chanh, rau sống.

Sự sử dụng nguyên liệu tươi ngon cũng là một điểm nổi bật. Rau xanh, thảo mộc và hải sản tươi sống thường xuyên được đưa vào món ăn, giúp giữ lại hương vị và chất lượng tối ưu. Thêm vào đó, tính nghệ thuật trong chế biến và trình bày món ăn cũng tạo nên ấn tượng mạnh mẽ. Các món ăn không chỉ ngon mà còn được trình bày đẹp mắt, thể hiện sự chú trọng đến hình thức và cách bài trí, với nhiều bí quyết chế biến đặc biệt.

Ẩm thực Việt Nam còn mang trong mình yếu tố văn hóa và lịch sử. Mỗi món ăn thường gắn liền với câu chuyện, nguồn gốc hoặc giai thoại văn hóa, mang đến cho du khách một trải nghiệm không chỉ là ăn uống mà còn là khám phá văn hóa và lịch sử.

Vì thế, trong việc thúc đẩy du lịch Việt Nam, ẩm thực có vai trò cực kỳ quan trọng. Ẩm thực không chỉ là điểm nhấn của trải nghiệm du lịch mà còn là yếu tố chính trong việc thu hút du khách quốc tế. Những món ăn đặc trưng và độc đáo của chúng ta đã trở thành một phần không thể thiếu trong quảng bá du lịch quốc gia.

Ví dụ, sự nổi tiếng của món bún chả qua các nhân tố “KOL” nếm, nhận xét đã giúp nâng cao hình ảnh của Hà Nội trên bản đồ ẩm thực toàn cầu. Hơn nữa, ẩm thực Việt Nam thường xuyên xuất hiện trong các danh sách "những món ăn phải thử" và các giải thưởng ẩm thực quốc tế gần đây đã góp phần không nhỏ vào việc gia tăng sự quan tâm trong đó có lượng du khách quốc tế đến Việt Nam.

- Hiện nay, những thách thức nào đang tồn tại trong việc phát triển du lịch ẩm thực ở Việt Nam và Hiệp hội có kế hoạch gì để khắc phục? VCCA có kế hoạch và chiến lược gì để nâng cao hình ảnh và chất lượng ẩm thực Việt Nam trong mắt du khách quốc tế?

 Món bánh lọc Huế - Ảnh: Thanh Hòa

Món bánh lọc Huế - Ảnh: Thanh Hòa

Thách thức lớn nhất hiện nay là sự thiếu đồng bộ trong chất lượng dịch vụ và các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Nhiều điểm du lịch ẩm thực vẫn chưa đạt đến tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và vệ sinh. Để khắc phục, Hiệp hội đang triển khai chương trình đánh giá và chứng nhận chất lượng cho các cơ sở ẩm thực, đồng thời phối hợp với các tổ chức quốc tế để nâng cao tiêu chuẩn dịch vụ.

Chúng tôi cũng tập trung vào việc tạo ra các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ, làm nổi bật các món ăn đặc trưng qua các sự kiện quốc tế và truyền thông xã hội để nâng cao nhận thức toàn cầu về ẩm thực Việt Nam.

VCCA đang xây dựng và triển khai Đề án mang tính chiến lược quốc gia: Bách khoa toàn thư Ẩm thực Việt Nam và cộng đồng kết nối. Dự án này là Supper App đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực này. Với mục tiêu xây dựng một nền tảng toàn diện, nơi kết nối tri thức, cộng đồng và kinh doanh trên quy mô quốc tế.

Trong thời gian tới, chúng tôi có kế hoạch và chiến lược cụ thể. Trước hết, cải thiện chất lượng dịch vụ. Hiệp hội đang triển khai các chương trình chứng nhận và đánh giá chất lượng cho các cơ sở ẩm thực nhằm đảm bảo rằng các dịch vụ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi cũng phối hợp với các tổ chức giáo dục và đào tạo để tổ chức các khóa học nâng cao kỹ năng cho nhân viên, từ kỹ thuật nấu ăn đến giao tiếp với khách hàng.

Thứ hai là tăng cường quảng bá và thông tin. VCCA sẽ đẩy mạnh việc xây dựng các chiến dịch truyền thông quốc tế và tạo ra các nền tảng thông tin trực tuyến để cung cấp đầy đủ về ẩm thực Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và yêu cầu hội nhập quốc tế vừa nâng tầm thương hiệu Ẩm thực Việt Nam vừa là đòn bẩy để kích cầu, phát triển kinh tế Ẩm thực, kinh tế Du lịch,... Chúng tôi sẽ hợp tác với các công ty truyền thông và các tổ chức du lịch để quảng bá các món ăn đặc trưng và điểm đến ẩm thực qua các kênh truyền thông xã hội, blog ẩm thực và các sự kiện quốc tế.

Thứ ba là phát triển nhân lực. Để nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân viên, Hiệp hội đang triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu và tổ chức các hội thảo về quản lý và dịch vụ khách hàng. Chúng tôi cũng khuyến khích việc thiết lập các quan hệ hợp tác với các trường đào tạo quốc tế và các chuyên gia trong ngành để mang đến những chương trình đào tạo chất lượng. Bắt đầu là Đầu bếp Việt đến lan tỏa Món Việt ra Thế giới thông qua các cuộc xúc tiến, giới thiệu Món ăn, đào tạo đầu bếp quốc tế về các món Việt. Đồng thời mở rộng mạng lưới Nhà hàng, quán ăn Việt trên Thế giới với các món Ẩm thực Việt tiêu biểu, coi Ẩm thực là cầu nối Văn hóa hữu nghị, là bạn với bạn bè quốc tế.

Thứ tư là nâng cao hình ảnh và chất lượng ẩm thực Việt Nam. VCCA sẽ tổ chức các sự kiện ẩm thực quốc tế và tham gia vào các hội chợ ẩm thực toàn cầu để giới thiệu sự phong phú và độc đáo của ẩm thực Việt Nam. Chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ các cơ sở ẩm thực trong việc sáng tạo và đổi mới món ăn, kết hợp các yếu tố truyền thống với hiện đại để tạo ra những trải nghiệm mới lạ cho du khách.

Ra mắt Bách khoa toàn thư Ẩm thực Việt và Cộng đồng kết nối (ViCEO) và triển khai đề án này vào cuộc sống đưa những tinh hoa Ẩm thực dân tộc vươn xa trên bản đồ Thế giới, cạnh tranh mạnh mẽ với các nền Ẩm thực hành đầu… Những nỗ lực này không chỉ nhằm khắc phục các thách thức hiện tại mà còn giúp nâng cao hình ảnh và chất lượng của ẩm thực Việt Nam, tạo ra một nền tảng vững chắc để phát triển du lịch ẩm thực một cách bền vững và hiệu quả hơn.

- Hiệp hội có đề xuất gì để cải thiện chất lượng dịch vụ ẩm thực tại các điểm du lịch, nhằm thu hút và giữ chân du khách quốc tế?

 Ông Lã Quốc Khánh cho biết, VCCA có 4 kế hoạch và 5 mục tiêu để phát triển du lịch ẩm thực Việt.

Ông Lã Quốc Khánh cho biết, VCCA có 4 kế hoạch và 5 mục tiêu để phát triển du lịch ẩm thực Việt.

Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam đề xuất một số giải pháp quan trọng để cải thiện chất lượng dịch vụ ẩm thực tại các điểm du lịch, giúp thu hút và giữ chân du khách quốc tế. Trước hết, việc tiêu chuẩn hóa chất lượng dịch vụ cần được chú trọng. Chúng tôi khuyến nghị thiết lập và áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng cho các cơ sở ẩm thực, dựa trên các tiêu chí về vệ sinh, an toàn thực phẩm, và chất lượng phục vụ khách hàng. Những tiêu chuẩn này không chỉ giúp đảm bảo trải nghiệm ẩm thực đồng nhất và chất lượng, mà còn góp phần nâng cao hình ảnh của ngành du lịch Việt Nam.

Đào tạo và phát triển nhân lực cũng là một yếu tố then chốt. Chúng tôi khuyến khích các cơ sở ẩm thực đầu tư vào việc đào tạo định kỳ cho nhân viên, không chỉ về kỹ năng phục vụ và giao tiếp, mà còn về kiến thức văn hóa và kỹ thuật nấu ăn. Những chương trình đào tạo này nên được tổ chức thường xuyên, đảm bảo rằng nhân viên luôn sẵn sàng cung cấp dịch vụ tốt nhất cho du khách.

Bên cạnh đó, việc cải thiện cơ sở vật chất và thiết kế không gian cũng là một yếu tố quan trọng. Các cơ sở ẩm thực cần đầu tư vào không gian ăn uống hiện đại, sạch sẽ và thoải mái, giúp tạo ấn tượng tốt với du khách. Việc sử dụng thiết bị và công nghệ tiên tiến trong chế biến và phục vụ cũng góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời đảm bảo thực phẩm luôn được bảo quản tốt nhất.

Chúng tôi cũng khuyến khích việc tạo ra những trải nghiệm ẩm thực độc đáo và khác biệt. Các cơ sở ẩm thực có thể tổ chức các sự kiện đặc biệt, buổi nếm thử món ăn, hoặc giao lưu văn hóa ẩm thực, nhằm tạo ra những kỷ niệm khó quên cho du khách. Chẳng hạn, các buổi biểu diễn nấu ăn trực tiếp hay các lớp học nấu ăn đã thu hút sự quan tâm lớn từ du khách, giúp họ có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về ẩm thực Việt Nam.

Cuối cùng, việc ứng dụng công nghệ và chú trọng đến phản hồi của khách hàng là điều không thể thiếu. Các cơ sở ẩm thực nên sử dụng các hệ thống quản lý chất lượng và công cụ đánh giá trực tuyến để theo dõi và phân tích phản hồi của du khách. Từ đó, họ có thể điều chỉnh và cải thiện dịch vụ một cách kịp thời.

Những đề xuất này không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn tạo ra những trải nghiệm ẩm thực đáng nhớ, từ đó thu hút và giữ chân du khách quốc tế, đồng thời góp phần xây dựng hình ảnh tích cực cho ẩm thực Việt Nam trên trường quốc tế.

- Hiệp hội đánh giá thế nào về vai trò của các đầu bếp, chuyên gia ẩm thực và các nhà hàng trong việc quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới? Hiệp hội có kế hoạch gì để đào tạo và nâng cao trình độ cho những người làm trong ngành du lịch ẩm thực?

 Thực khách thưởng thức bánh truyền thống tại một sự kiện ẩm thực Huế - Ảnh: Thanh Hòa

Thực khách thưởng thức bánh truyền thống tại một sự kiện ẩm thực Huế - Ảnh: Thanh Hòa

Các đầu bếp, chuyên gia ẩm thực và các nhà hàng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới. Họ không chỉ chế biến và trình bày các món ăn mà còn là những đại sứ văn hóa, giúp giới thiệu và truyền tải giá trị của ẩm thực Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế. Các đầu bếp không chỉ đảm nhận vai trò chế biến mà còn tạo ra các xu hướng ẩm thực, thể hiện sự sáng tạo trong việc kết hợp nguyên liệu và kỹ thuật nấu ăn. Họ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và hình ảnh của ẩm thực Việt Nam qua từng món ăn. Các chuyên gia ẩm thực, với sự hiểu biết sâu rộng về văn hóa ẩm thực, góp phần quan trọng trong việc giáo dục và truyền cảm hứng cho cộng đồng quốc tế về giá trị và sự đa dạng của ẩm thực Việt Nam.

Các nhà hàng tiêu biểu, đặc biệt là những nhà hàng nổi bật và chất lượng cao, là nơi mà du khách quốc tế có thể trải nghiệm trực tiếp các món ăn Việt Nam. Những nhà hàng này thường xuất hiện trong các bài viết, đánh giá và danh sách uy tín trên phương tiện truyền thông quốc tế, góp phần nâng cao sự nhận thức và quảng bá ẩm thực Việt Nam.

Sắp tới, Hiệp hội sẽ triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu cho đầu bếp, nhân viên nhà hàng và các chuyên gia ẩm thực. Các khóa học sẽ bao gồm kỹ thuật nấu ăn tiên tiến, kỹ năng quản lý nhà hàng, và hiểu biết về văn hóa và xu hướng ẩm thực quốc tế, với mục tiêu không chỉ nâng cao kỹ năng nghề nghiệp mà còn trang bị cho các chuyên gia khả năng sáng tạo và đổi mới trong lĩnh vực ẩm thực. Đặc biệt, Hiệp hội khuyến khích đầu bếp sử dụng nguyên liệu từ nông sản Việt Nam, tận dụng các loại gia vị phong phú, đa dạng trong chế biến món ăn và đồ uống.

Hiệp hội cũng sẽ tổ chức và tham gia các hội thảo, cuộc thi và sự kiện ẩm thực quốc tế, tạo cơ hội cho các đầu bếp và chuyên gia Việt Nam giao lưu và học hỏi từ các chuyên gia hàng đầu thế giới. Đây là cơ hội để quảng bá ẩm thực Việt Nam và tạo ra những kết nối quan trọng trong ngành ẩm thực, không chỉ trong chế biến mà còn trong phát triển năng suất lao động, quản lý hiệu quả và liên kết quốc tế.

Để công nhận những thành tựu và chất lượng của các cơ sở ẩm thực, chúng tôi sẽ thiết lập các chương trình chứng nhận và đánh giá. Việc này không chỉ giúp nâng cao uy tín của các nhà hàng mà còn thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh và cải thiện chất lượng dịch vụ.

Hiệp hội sẽ hợp tác với các tổ chức đào tạo và các trường học quốc tế để đưa chương trình đào tạo ẩm thực Việt Nam ra thế giới. Điều này giúp các đầu bếp và chuyên gia Việt Nam tiếp cận các phương pháp và kỹ thuật hiện đại, đồng thời tạo cơ hội để học hỏi và áp dụng các xu hướng mới trong ẩm thực. Những kế hoạch này nhằm nâng cao kỹ năng, kiến thức và uy tín của các đầu bếp và chuyên gia ẩm thực Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc quảng bá và nâng cao hình ảnh của ẩm thực Việt Nam trên trường quốc tế.

Hiệp hội có nhận định gì về xu hướng ẩm thực thế giới hiện nay và ẩm thực Việt Nam cần thích ứng như thế nào để không bị lạc hậu?

Theo xu hướng hiện nay, thực khách ngày càng quan tâm đến sức khỏe và thực phẩm hữu cơ, vì vậy việc tích hợp các yếu tố này vào ẩm thực Việt Nam sẽ là một lợi thế. Nắm bắt các xu hướng này và linh hoạt thích ứng sẽ giúp ẩm thực Việt Nam không chỉ duy trì vị thế hiện tại mà còn mở rộng ảnh hưởng trên bản đồ du lịch ẩm thực toàn cầu.

Một trong những xu hướng chính là sự quan tâm ngày càng cao đến việc tiêu thụ thực phẩm bền vững và bảo vệ môi trường. Du khách chú trọng đến các lựa chọn thực phẩm hữu cơ, địa phương và phương pháp chế biến thân thiện với môi trường. Ẩm thực Việt Nam cần thích ứng bằng cách tập trung vào việc sử dụng nguyên liệu địa phương, phát triển các món ăn hữu cơ và áp dụng các phương pháp chế biến bền vững.

Xu hướng hiện đại cũng bao gồm sự yêu thích đối với sự sáng tạo và đa dạng trong các món ăn. Du khách tìm kiếm những trải nghiệm ẩm thực mới lạ và độc đáo. Việt Nam cần khuyến khích các đầu bếp và nhà hàng sáng tạo các phiên bản mới của các món ăn truyền thống, đồng thời thử nghiệm với các nguyên liệu, gia vị, và kỹ thuật mới để mang lại những trải nghiệm độc đáo.

Xu hướng hiện nay còn cho thấy sự gia tăng trong việc cá nhân hóa trải nghiệm ẩm thực. Du khách muốn có những trải nghiệm ẩm thực phù hợp với sở thích và nhu cầu cá nhân của họ. Việt Nam có thể đáp ứng xu hướng này bằng cách cung cấp các dịch vụ ẩm thực cá nhân hóa, từ các bữa ăn đặc biệt theo yêu cầu đến các lớp học nấu ăn riêng biệt.

Công nghệ cũng đang ngày càng trở nên quan trọng trong ngành ẩm thực, từ việc sử dụng ứng dụng đặt món và thanh toán trực tuyến đến việc áp dụng công nghệ trong chế biến món ăn. Việt Nam cần khai thác công nghệ để cải thiện trải nghiệm ẩm thực và tạo sự thuận tiện cho du khách.

 Các đầu bếp Việt ngày nay hướng tới nguồn nguyên liệu sạch, có lợi cho sức khỏe - Ảnh: Hồng Phượng

Các đầu bếp Việt ngày nay hướng tới nguồn nguyên liệu sạch, có lợi cho sức khỏe - Ảnh: Hồng Phượng

Để không bị lạc hậu, ẩm thực Việt Nam nên áp dụng các phương pháp bền vững, thúc đẩy việc sử dụng nguyên liệu địa phương và hữu cơ trong chế biến món ăn, đồng thời áp dụng các phương pháp chế biến thân thiện với môi trường. Điều này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn đáp ứng nhu cầu của du khách quan tâm đến phát triển bền vững.

Đổi mới và sáng tạo cũng là yếu tố quan trọng, các đầu bếp và nhà hàng nên tập trung vào việc làm mới các món ăn truyền thống bằng cách kết hợp với các yếu tố hiện đại và phong cách ẩm thực quốc tế. Ví dụ, việc làm mới các món ăn truyền thống với các kỹ thuật chế biến hiện đại hoặc nguyên liệu mới sẽ tạo ra sự khác biệt và hấp dẫn cho du khách.

Ngoài ra, các cơ sở ẩm thực nên chú trọng đến việc cung cấp các món ăn không chỉ ngon mà còn bổ dưỡng cho sức khỏe. Việc điều chỉnh công thức và sử dụng các nguyên liệu lành mạnh sẽ đáp ứng xu hướng ăn uống lành mạnh và dinh dưỡng.

Để phù hợp với xu hướng công nghệ, các nhà hàng và cơ sở ẩm thực nên tích hợp các giải pháp công nghệ như đặt hàng trực tuyến, thanh toán điện tử và hệ thống quản lý chất lượng. Công nghệ cũng có thể được sử dụng để cải thiện trải nghiệm khách hàng và quản lý hiệu quả hoạt động.

Việt Nam cũng cần phát triển các dịch vụ ẩm thực cá nhân hóa, từ việc tùy chỉnh món ăn theo sở thích của du khách đến việc tổ chức các sự kiện ẩm thực riêng biệt. Điều này sẽ giúp thu hút du khách và tạo ra những trải nghiệm ẩm thực đáng nhớ.

Bằng cách nắm bắt và thích ứng với các xu hướng ẩm thực toàn cầu, Việt Nam có thể duy trì và nâng cao vị thế của mình trên bản đồ du lịch ẩm thực thế giới, đồng thời giữ vững bản sắc văn hóa và phong cách ẩm thực độc đáo.

Xin cảm ơn!

Hữu Kế (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ong-la-quoc-khanh-4-ke-hoach-va-5-muc-tieu-cho-phat-trien-du-lich-am-thuc-viet-post310370.html