Ông lão Vĩnh Long và hành trình 'làm nghìn việc tốt'
15 năm qua, ông Ngô Ngọc Bỉnh tham gia tích cực làm nghìn việc tốt cùng Hội Người khuyết tật, bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long.
"Cứu một mạng người bằng xây bảy tòa tháp"
Sáng sớm, ông Ngô Ngọc Bỉnh - thường gọi là Sáu Kỷ (1932 - Vĩnh Long) cùng vợ ra vườn cây ăn trái rộng hơn 1ha làm công việc của nhà nông.
Nhìn ông lão tóc bạc, tay chân lấm lem đất, ít ai biết nhiều năm qua, ông đã cần mẫn gieo những hạt mầm tử tế cho cuộc đời.
Hiện, ông là Chủ tịch danh dự Hội Người khuyết tật, bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long.
Trước đây, ông Bỉnh công tác tại UBND tỉnh Vĩnh Long. Thời gian giữ chức Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, ông thấy TP.HCM có Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo hoạt động hiệu quả, giúp đỡ được nhiều mảnh đời bất hạnh.
Xuất phát từ tấm lòng từ bi, thích làm việc thiện, ông Bỉnh nung nấu ý định thành lập một mô hình như vậy ở Vĩnh Long.
Ông đã mời ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp - Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM về Vĩnh Long nói chuyện, tư vấn. Đề án thành lập Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo Vĩnh Long nhận được sự ủng hộ của UBND tỉnh.
Tháng 8/2020, Hội bảo trợ Bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long ra đời, ông Bỉnh hoạt động kiêm nhiệm. Ban đầu, Hội gặp nhiều trở ngại vì không có kinh phí, không có trụ sở, không có cán bộ chuyên trách… Do đó, Hội chưa phát huy được thế mạnh như ông mong muốn.
Năm 2005, ông Bỉnh chính thức nghỉ hưu và đảm nhiệm vị trí Chủ tịch thông qua Đại hội bầu Ban chấp hành của Hội bảo trợ Bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long.
Đại hội đã đề ra 5 chương trình mục tiêu là: mổ mắt cho người mù nghèo; phẫu thuật tim bẩm sinh cho trẻ em; cấp xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật; bếp ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện; hỗ trợ đột xuất trường hợp đặc biệt khó khăn.
Sau đó, ông Bỉnh đề xuất thêm chương trình “Phẫu thuật bệnh phụ khoa cho phụ nữ nghèo”.
Với sự năng nổ và nhiệt huyết, ông Bỉnh từng bước đưa Hội đạt các mục tiêu từ thiện. Đặc biệt là chương trình mổ mắt cho người nghèo.
Ông Bỉnh cho biết thêm, Hội không xây dựng nhà tình nghĩa vì như vậy chỉ giúp được cá nhân 1 người có nơi ở. Bởi thế, ông đề xuất xây nhà tình thương, đón những người nghèo, người cao tuổi neo đơn về nuôi.
Khi các chương trình thu được thành quả lớn lao, ông Bỉnh quyết định bàn với Thường vụ Hội đẩy mạn chương trình “Phẫu thuật tim”.
Ông Bỉnh quan điểm, phẫu thuật tim cho trẻ và người lớn có ý nghĩa rất quan trọng, nếu không phẫu thuật người bệnh không sống được lâu.
Đây là phẫu thuật có chi phí lớn, dao động từ 70 -100 triệu đồng. Tuy nhiên, ca mổ thành công, ta sẽ cứu được mạng sống một con người.
“Tôi tâm niệm, cứu một mạng người bằng xây bảy tòa tháp và cũng truyền tải thông điệp nhân văn này đến cộng đồng.
Chúng ta được khỏe mạnh, hưởng thụ những điều tốt đẹp của cuộc sống, luôn có nhiều mơ ước… nhưng người bệnh tim họ chỉ có một mơ ước duy nhất là được sống. Vậy tại sao lại không mang đến cơ hội đó cho họ?”.
Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, ông Bỉnh cùng cán bộ Hội đi khắp nơi vận động. Nhiều người còn tỏ ý hoài nghi, cho rằng ông Bỉnh lợi dụng danh nghĩa để tư lợi.
Bất chấp những ánh nhìn thiếu thiện cảm, ông và Hội Bệnh nhân nghèo đã phối hợp với các đơn vị y tế mổ được 200 ca bệnh tim cho trẻ em nghèo.
Tiếp nối sau đó, ông Bỉnh mở rộng mổ tim cho người lớn: “Tôi xác định, người lớn là trụ cột trong gia đình. Họ khỏe mạnh, còn nuôi dạy con cái…”.
Tính đến năm 2011, hơn 500 người được mổ tim qua sự vận động của Hội.
Một năm sau, Hội nhận thêm trách nhiệm bảo trợ cho người khuyết tật và trẻ mồ côi nên đổi thành Hội Người khuyết tật, bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long.
“Sau khi mở rộng hoạt động chúng tôi có các hoạt động tặng xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật, xây dựng bếp ăn miễn phí, nhà tình thương, và xây dựng được mạng lưới bếp ăn từ thiện ở tất cả các bệnh viện trong tỉnh”, ông Bỉnh nói.
Ông Bỉnh nhẩm tính, hơn 10 năm qua, tổng giá trị phúc lợi Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo của tỉnh vận động được gần 500 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 700 trường hợp mổ tim; điều trị và phẫu thuật 378 trường hợp phụ nữ nghèo mắc bệnh phụ khoa; phẫu thuật thay thủy tinh thể cho trên 14 nghìn ca; hỗ trợ xây 2.404 công trình vệ sinh tự hoại trong nhà và 451 hệ thống nước sạch cho người khuyết tật nặng.
Đồng thời, Hội cấp 5.458 xe lăn cho người khuyết tật, xây mới 779 căn nhà tình thương...
Tiếng gọi "Ngoại ơi"
Nhiều năm tham gia thiện nguyện với vai trò lãnh đạo Hội Người khuyết tật, bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long, ông Bỉnh còn giúp đỡ các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tư cách cá nhân.
“Vợ chồng tôi về hưu, trồng vườn, chăn nuôi bò. Cuộc sống không khá giả nhưng vẫn hơn nhiều người. Vì thế, vợ chồng tôi muốn san sẻ với bà con khó khăn hơn”, ông Bỉnh nói.
Ông Bỉnh kể, vườn cây ăn trái nhà ông có đủ loại như thanh long, xoài… Mỗi năm sau khi trừ các khoản đầu tư, thu nhập cũng được 100 triệu đồng.
Ngoài ra, vợ chồng ông nuôi bò cái sinh sản. Đàn bò nhà ông hiện còn 9 con. Ông bà nghe nói ở đâu có hoàn cảnh bất hạnh, cũng tìm cách gửi cho họ chút quà. Đôi khi chỉ là chút cây trái trong vườn nhưng bấy nhiêu đó cũng đủ để người nhận cảm thấy ấm lòng.
Ông Bỉnh có 5 người con, đều đã thành đạt và có cuộc sống ổn định. Trong các bài học dạy con từ thuở bé cho đến nay, ông luôn đề cao cách sống san sẻ và giàu lòng trắc ẩn. Nhờ vậy, các con ông luôn noi gương bố, tích cực làm việc nghĩa.
Một kỷ niệm khiến ông nhớ như in về quãng đường giúp người nghèo mổ tim là được con của bệnh nhân gọi hai tiếng “ngoại ơi!”.
Theo dòng hồi ức của 10 năm trước, ông và Hội đi vận động giúp một người phụ nữ mổ tim. Do cuộc sống quá vất vả, chị lao lực rồi không may bị suy tim. Trong khi đó, hai đứa con còn nhỏ dại đang tuổi ăn, tuổi học.
Hoàn cảnh bi đát, chị không dám nghĩ đến việc đi mổ. Khi biết đến hoàn cảnh của chị, ông Bỉnh và Hội đã chung tay kêu gọi để đồng hành cùng chị vượt qua cơn bạo bệnh.
Sau ca phẫu thuật, sức khỏe chị bình phục, có thể lao động, kiếm ra kinh tế. Hai người con chị được ăn học đàng hoàng.
Một lần, ông Bỉnh về thăm, chị cảm động nghẹn ngào bật khóc. Đứa con út của chị bất ngờ sà vào lòng ông rồi gọi “ngoại ơi!”.
Tiếng gọi thân thương khiến ông cay cay nơi sống mũi. Điều giản dị nhưng chứa chan bao cảm xúc.
Nay, hai đứa con của chị đã trưởng thành, có công việc tốt. Chị luôn coi ông Bỉnh như người cha thứ hai của mình.
Với những hoạt động của mình, ông Ngô Ngọc Bỉnh được nhận nhiều khen thưởng từ nhà nước:
Chiến sĩ thi đua Toàn quốc (1999)
Huân chương Lao động Hạng Nhất (2012)
Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
Ông được phong tặng danh hiệu "Anh Hùng thời kỳ đổi mới" và tham dự Đại hội Thi đua yêu nước Toàn quốc lần thứ X tổ chức tại Hà Nội vào ngày 27/11/2020.