Ông Macron: Dù Mỹ quyết định thế nào, châu Âu cũng phải giúp Ukraine
Tổng thống Pháp Macron nhắc lại rằng châu Âu nên đi đầu trong việc đảm bảo an ninh của chính mình, thay vì trông chờ vào đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương.
Các nước châu Âu phải đưa ra những quyết định táo bạo và sáng tạo để giúp Ukraine ngay cả khi Mỹ ngừng hỗ trợ Kiev trong những tháng tới, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết hôm 30/1, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của ông tới Thụy Điển – quốc gia thành viên EU và đang trên đà trở thành thành viên mới nhất của liên minh quân sự NATO.
Phát biểu tại Học viện Quân sự Karlberg ở Solna, ngay phía Bắc thủ đô Stockholm, ông Macron nói: “Cái giá... cho một chiến thắng của Nga là quá cao đối với tất cả chúng ta. Không còn khuôn khổ và kiến trúc an ninh trên lục địa của chúng ta nếu Nga thắng”.
Trong một điệp khúc quen thuộc, Tổng thống Pháp nói thêm rằng châu Âu nên đi đầu trong việc đảm bảo an ninh của chính mình. Châu Âu không được ủy thác an ninh của mình “cho các cường quốc, ngay cả khi họ là những đồng minh rất tốt, bởi vì họ sống ở bên kia đại dương”, ông Macron nói.
Các bình luận của ông Macron được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia châu Âu đang lo ngại kịch bản ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng ngày càng có khả năng xảy ra, đặc biệt là khi vị cựu Tổng thống Mỹ có quan điểm hoài nghi NATO đang trên đà giành được đề cử của Đảng Cộng hòa.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, khoản viện trợ quân sự tiếp theo cho Ukraine cũng bị đình trệ tại Quốc hội Mỹ, do các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa không muốn tiếp tục tài trợ cho Kiev. Ukraine đã đương đầu với quân đội hùng hậu của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong gần 2 năm nay.
“Đây là thời điểm mang tính quyết định và thử thách đối với châu Âu. Chúng ta phải sẵn sàng hành động để bảo vệ và hỗ trợ Ukraine bất kể thứ gì cần thiết và bất kể Mỹ quyết định gì”, ông Macron nói.
Nhà lãnh đạo Pháp cũng ca ngợi Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, người hồi đầu tháng 12 năm ngoái đã kêu gọi EU tìm ra những cách thức mới để gây quỹ tài trợ cho việc mua sắm quân sự của châu Âu.
Các nhà lãnh đạo EU sẽ tập trung tại Brussels vào ngày 1/2 để tham dự cuộc họp của Hội đồng châu Âu, nơi họ sẽ thảo luận về viện trợ cho Ukraine. Họ cũng đang hy vọng sẽ đạt được sự nhất trí về gói viện trợ trị giá 50 tỷ Euro (54 tỷ USD) cho Ukraine tại hội nghị. Không rõ liệu Thủ tướng Hungary Viktor Orban có tiếp tục sử dụng quyền phủ quyết của mình để chặn khoản tiền này cho Kiev hay không.
Ông Macron hiện đang có chuyến thăm 2 ngày tới Thụy Điển để thảo luận về quan hệ đối tác trong các lĩnh vực từ năng lượng đến quốc phòng. Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Pháp Sébastien Lecornu và người đồng cấp Thụy Điển Pål Jonson dự kiến sẽ ký ý định thư về hệ thống phòng không và giám sát trên không.
Pháp và Thụy Điển nằm trong số rất ít quốc gia châu Âu có ngành công nghiệp quốc phòng đa dạng, có thể tự sản xuất máy bay chiến đấu của riêng mình – Rafale của Pháp do Dassault Aviation sản xuất và JAS 39 Gripen của Thụy Điển do Saab sản xuất.
Ngoài ra, theo ông Macron, mối quan hệ hợp tác giữa quân đội Pháp và Bỉ – được gọi là CaMo – là một mô hình có thể được nhân rộng giữa Pháp và Thụy Điển.
Tổng thống Pháp ban đầu dự định tới Thụy Điển vào cuối tháng 10 năm ngoái, nhưng chuyến thăm đã bị hoãn lại do làn sóng bạo lực leo thang giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine ở Dải Gaza, bắt đầu bằng cuộc tấn công của Hamas ở miền Nam Israel vào ngày 7/10 năm ngoái.
Ở trong nước, chính phủ của ông Macron đang phải đối mặt với làn sóng nông dân giận dữ. Họ đang lập chốt chặn các tuyến đường chính dẫn tới thủ đô Paris, yêu cầu trả lương cao hơn, ít ràng buộc hơn và chi phí thấp hơn.
Minh Đức (Theo Politico EU, RFI)