Ông Nguyễn Đắc Vinh: Đất nước còn khó khăn, nhưng đầu tư cho GD vẫn phải ưu tiên
Dù điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng đầu tư cho giáo dục vẫn phải thực hiện và tăng cường vì 'đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển'.
Đó là ý kiến phát biểu chỉ đạo của ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW (Nghị quyết 29) do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào ngày 14/12/2023.
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, Nghị quyết 29 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng ta về giáo dục và đào tạo - là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, sự nghiệp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đã được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực ngày càng có chất lượng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo đó, để tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh quốc tế và tình hình đất nước đã và đang có nhiều thay đổi, ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh ngành giáo dục đào tạo cần tập trung thực hiện một số vấn đề trọng tâm.
Giải pháp tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục
Đối với giáo dục mầm non, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội gợi mở, cần xác định rõ quan điểm về phát triển hệ thống giáo dục mầm non 3-4 tuổi, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi. Trong điều kiện thực tiễn giáo dục mầm non của nước ta hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là việc bảo đảm đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh giải pháp phù hợp nhất, trước tiên là tiếp tục đầu tư phát triển, mở rộng mạng lưới trường mầm non công lập; đồng thời nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Cải thiện năng lực giáo viên mầm non, tăng lương và thu nhập cho giáo viên mầm non. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa; bổ sung, hoàn thiện các chính sách theo hướng hấp dẫn hơn để thu hút đầu tư phát triển hệ thống trường mầm non ngoài công lập.
Ngoài ra, quản lý chặt chẽ các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhất là các nhóm trẻ độc lập; hỗ trợ đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ cho giáo viên các nhóm trẻ độc lập.
Đối với giáo dục phổ thông, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, vừa qua ủy Ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát toàn diện việc thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông.
Theo đó, việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã tạo ra chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận. Ông Vinh cho rằng, trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới; các kiến nghị sau giám sát được nêu tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nhấn mạnh thêm một số nội dung cần thực hiện trong thời gian tới đối với phát triển giáo dục phổ thông, ông Nguyễn Đắc Vinh lưu ý 3 vấn đề chính:
Thứ nhất, giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên; chăm lo bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn để giáo viên đáp ứng các yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; từng bước nâng cao chất lượng giáo viên.
Thứ hai, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; tập trung đầu tư kiên cố hóa trường học, xóa phòng học tạm; phát triển trường học, phòng học ở các khu vực có dân số tăng nhanh, bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; đầu tư phát triển hệ thống trường lớp tại nơi có đông dân cư; từng bước nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở vật chất hiện có.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới phương thức thi, kiểm tra, đánh giá; đổi mới phương pháp dạy theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Ông Nguyễn Đắc Vinh chia sẻ, Đại hội XIII của Đảng xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 3 khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Đây là trọng trách của lĩnh vực giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới.
Đối với giáo dục đại học, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng hiện nay, chất lượng đào tạo của các trường đại học tại Việt Nam còn có khoảng cách khá xa so với các trường đại học top đầu thế giới.
Do đó, giáo dục đại học cần được đầu tư bài bản, nghiêm túc, có chiến lược để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, ông Vinh nhấn mạnh cần tạo đột phá trong nâng cao chất lượng giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng gắn với tăng quy mô phù hợp, có cơ cấu ngành nghề hợp lý.
Hoàn thiện thể chế về tự chủ đại học; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao làm giảng viên đại học;
Tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong các trường đại học; Đồng thời, chú trọng đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, giảng dạy cho một số trường đại học trọng điểm.
Đối với giáo dục nghề nghiệp, ông Nguyễn Đắc Vinh gợi mở cần xác định rõ nhóm ngành nghề cơ bản cần đào tạo; bảo đảm chất lượng đào tạo nghề, nhất là kỹ năng, kiến thức nền tảng để tham gia thị trường lao động.
Có cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề hiệu quả; Có chính sách thu hút người có trình độ tay nghề cao tham gia giảng dạy. Ngoài ra, cần có thêm chính sách hỗ trợ, đầu tư cho giáo dục dạy nghề.
Nhấn mạnh thêm, ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng cần có lộ trình tăng đầu tư cho giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp tương xứng với các nước phát triển trên thế giới.
Thế nào là phổ cập, Nhà nước lo đến đâu, xã hội hóa đến mức nào?
Cuối cùng, ngoài 4 lĩnh vực trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh trong tổng thể phát triển giáo dục và đào tạo, cần quan tâm tới một số vấn đề như:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo điều kiện cho giáo dục, đào tạo phát triển nhanh hơn.
Thứ hai, bối cảnh chuyển đổi số, yêu cầu về cạnh tranh quốc gia, đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ đang đặt ra các yêu cầu mới cho giáo dục, đào tạo. Cần phải có chủ trương, quan điểm và giải pháp cho vấn đề này.
Thứ ba, tiếp tục khẳng định "giáo dục là quốc sách hàng đầu", cần đặc biệt nhấn mạnh việc quan tâm đầu tư cho giáo dục và hoàn thiện chính sách xã hội hóa giáo dục.
Theo ông Vinh, dù điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng đầu tư cho giáo dục vẫn phải thực hiện và tăng cường vì “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Đầu tư cho giáo dục phải đi trước so với phát triển kinh tế. Chúng ta có con người thì chúng ta sẽ có điều kiện để phát triển”.
Song song với việc tăng cường đầu tư của nhà nước, ông Vinh cho rằng cần nghiên cứu, ban hành các chính sách phù hợp để đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục, huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục.
Thứ tư, tiếp tục bổ sung hoàn thiện các giải pháp bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục.
Thứ năm,liên quan đến vấn đề giáo dục toàn diện, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh đến việc phải tập trung xây dựng văn hóa học đường.
“Tôi nghĩ rằng nếu giải quyết tốt vấn đề văn hóa học đường thì chúng ta sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề, phát triển toàn diện cho học sinh, đẩy lùi bạo lực học đường và những vấn nạn khác”, ông Nguyễn Đắc Vinh bày tỏ.
Thứ sáu, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề cập tới vấn đề liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp cần phải là một hệ thống nhất quán, có sự bổ trợ, hỗ trợ cho nhau, không thể tách rời.
Ông Vinh cho rằng, đây là vấn đề lớn, trong Nghị quyết mới cần phải thảo luận, thống nhất vấn đề này. Trên cơ sở đó, Nhà nước sẽ thể chế hóa.
Cuối cùng, ông Nguyễn Đắc Vinh nhận định, dự báo tình hình trong 10 năm tới, bối cảnh quốc tế và trong nước tiếp tục sẽ có nhiều thay đổi, đặt ra yêu cầu mới đối với giáo dục và đào tạo.
"Nghị quyết 29 có nhiều nội dung cần tiếp tục thực hiện đồng thời có nhiều nội dung mới. Quan điểm của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục là cần ban hành Nghị quyết mới của Trung ương về giáo dục đào tạo. Trong đó, đặc biệt chú ý vấn đề chúng ta đang thực hiện, đó là yêu cầu về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hệ thống các quan điểm, giải pháp về giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp cần được bổ sung làm rõ và sâu sắc hơn. Quan điểm lớn về phát triển giáo dục mầm non cũng cần được làm rõ, như hiểu thế nào là phổ cập, Nhà nước lo đến đâu, xã hội hóa đến mức nào...", ông Nguyễn Đắc Vinh gợi mở vấn đề.