Ông Nguyễn Đắc Vinh: Đề thi phải có tính phân loại cao
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội, quan điểm chung là các đề thi phải theo hướng có tính phân loại cao và hướng về chất lượng, để tránh việc không phân loại được học sinh...
Sáng 10/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4, 5 và 6/2025.
Báo cáo tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, cử tri và nhân dân quan tâm, phản ánh về tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng.
Trước thực trạng trên, Ủy ban kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, có biện pháp quản lý chặt chẽ, tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.
Đồng thời, cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, buôn bán hàng giả và đồng thời cần làm rõ trách nhiệm của bộ, ngành, cá nhân có trách nhiệm thực hiện việc hậu kiểm chất lượng sản phẩm đã đăng ký.

Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho hay, về vấn đề liên quan hàng giả, hàng kém chất lượng, Thường trực Ủy ban đã thảo luận với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất kế hoạch dự kiến tháng 8 sẽ tổ chức phiên giải trình.
Qua đó, dự kiến trong tháng 7, đầu tháng 8 sẽ nhận báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, đi khảo sát thực tế. Trong tháng 8 sẽ cùng với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Dân nguyện và Giám sát tổ chức phiên giải trình liên quan 2 nhóm chính là thuốc giả - thực phẩm giả.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, tập trung vào việc quản lý chặt chẽ và tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Trong ba tháng qua, các ngành chức năng đã chỉ đạo quyết liệt về hàng kém chất lượng và nguồn gốc xuất xứ.
Theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, cần tập trung vào hai lĩnh vực: thực phẩm ăn uống hằng ngày và thuốc chữa bệnh, yêu cầu từ trung ương đến địa phương phải thường xuyên kiểm tra, rà soát để chống hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị quan tâm vấn đề cung ứng hàng hóa đảm bảo trên thị trường để người dân tin tưởng khi mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng, tạo niềm tin trong nhân dân.
Đề thi cần có tính phân loại cao
Liên quan đến kỳ thi vào trung học phổ thông và thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, đây là hai vấn đề lớn.
Đối với thi vào trung học phổ thông, theo ông, cần thảo luận rất kỹ về vấn đề phân luồng học sinh và tổ chức cấp trung học phổ thông. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đề xuất giải pháp để giảm áp lực thi vào trung học phổ thông.
Về thi tốt nghiệp trung học phổ thông, cũng theo ông Vinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có báo cáo về vấn đề này. Theo ông, dư luận phản ánh một số đề thi vừa qua rất khó so với năm trước.
Đây là lần đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông theo chương trình phổ thông mới, với nhiều bộ sách giáo khoa song song. Đề thi cũng có xu hướng thực tiễn hơn và có phần ngoài chương trình.
Đây là vấn đề rất mới, có thể ảnh hưởng đến sự thích nghi của học sinh với cách thi, phương pháp thi mới. Mặt khác, đây cũng là vấn đề có tính chuyên môn cao, nên Ủy ban đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo và sẽ tham vấn các chuyên gia giáo dục phổ thông, chuyên gia về ra đề thi.
Theo ông Vinh, quan điểm chung thấy, các đề thi phải theo hướng có tính phân loại cao và hướng về chất lượng, để tránh việc không phân loại được học sinh rồi cứ xếp bằng nhau. Sau đó, các trường đại học không tách ra, không phân loại được, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo ở bậc đại học, bậc học sau phổ thông.
"Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu kỹ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ", ông Vinh bày tỏ.
Về nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, ông Vinh viện dẫn Kết luận của Bộ Chính trị, xác định rõ tầm quan trọng của tiếng Anh trong thời kỳ hội nhập.
Hiện nay, trong giới khoa học, ngôn ngữ giao tiếp tại hội thảo, hội nghị, nghiên cứu chủ yếu là tiếng Anh. Trong hội nhập quốc tế, từ kinh doanh, du lịch, tiếng Anh được đề cao.
“Chúng ta mong muốn nhân dân, đặc biệt thế hệ trẻ, được đào tạo tốt hơn, hướng tới sử dụng thông thạo tiếng Anh để mục tiêu hội nhập tốt hơn. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục hiện tại chưa đáp ứng yêu cầu, nên Bộ Chính trị muốn có sự đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Anh trong trường học. Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi để tìm cách thực hiện phù hợp”, ông Vinh cho hay.
Theo ông, mục tiêu là ít nhất đội ngũ cán bộ, doanh nhân sử dụng thành thạo tiếng Anh, và rộng hơn là tỷ lệ lớn người dân sử dụng thông thạo công cụ ngôn ngữ này.
“Chủ trương là vậy, cần cách thức để tuyên truyền cho người dân hiểu và ủng hộ chủ trương quan trọng này. Chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có giải pháp”, ông Vinh nói.