Ông Nguyễn Đức Thụy: LPBank luôn mong muốn chia cổ tức cao nhất cho cổ đông
Chủ tịch HĐQT LPBank Nguyễn Đức Thụy muốn những năm tiếp theo muốn chia cổ tức 20% bằng tiền và 5-7% bằng cổ phiếu, mong cổ đông sử dụng nhiều hơn sản phẩm dịch vụ của ngân hàng.
Thành lập AMC để chuyên nghiệp hóa xử lý nợ xấu, khai thác tài sản
Ngày 27/4, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank - HoSE: LPB), chia sẻ về việc chi trả cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt tỉ 25% và cam kết trong những năm tới, ông Nguyễn Đức Thụy - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) LPBank chia sẻ ngân hàng lúc nào cũng mong muốn chia cổ tức cao nhất, tối đa cho các cổ đông.
Năm vừa qua, LPBank có hứa mức chia cổ tức trên dưới 18%, còn những năm tiếp theo thì sẽ mong muốn là chia cổ tức càng cao càng tốt.
Tuy nhiên trong trường hợp không được thì cũng đành chịu bởi còn theo nhiều yếu tố khác nhau như tình hình kinh tế, thuế quan và các biến động của thị trường trong và ngoài nước. Ngân hàng mong muốn đảm bảo lợi ích tối đa cho cổ đông, cho khách hàng, cho các đối tác.

Ông Nguyễn Đức Thụy - Chủ tịch Hội đồng quản trị LPBank chia sẻ tại Đại hội.
Với sự đồng hành trong thời gian tới, lãnh đạo ngân hàng bày tỏ mong muốn sang năm và năm tiếp theo chia 20% bằng tiền 5-7% bằng cổ phiếu. "Mong cổ đông của LPBank đóng góp, sử dụng nhiều hơn các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng", ông Thụy nói.
Trong năm nay, LPBank không có kế hoạch tăng vốn. Giải đáp về việc liệu không tăng vốn điều lệ có ảnh hưởng đến các tỉ lệ đảm bảo an toàn của ngân hàng hay không, ông Hồ Nam Tiến - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT LPBank cho biết, nhiều năm qua, ngân hàng đã liên tục chia cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu.
Tại thời điểm ngày 31/3/2025, vốn điều lệ của LPBank đã đạt 29.872 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu từ 44.000 - 45.000 tỷ đồng. Tỉ lệ hệ số CAR của ngân hàng là 13,81%, vượt xa mức yêu cầu của NHNN là 8%.
Việc chia cổ tức bằng tiền mặt cũng mang lại lợi ích cho cổ đông. HĐQT và Ban điều hành đã tính toán kỹ lưỡng để tối ưu hóa bảng cân đối kế toán và các khoản đầu tư, đồng thời nâng cao chất lượng tài sản. Nhờ vậy, hệ số CAR vẫn đảm bảo đủ khả năng đáp ứng yêu cầu về xếp hạng theo thông tư 52, và không ảnh hưởng đến các hệ số tỉ lệ đảm bảo an toàn của ngân hàng.
Một nội dung đáng chú ý là LPBank dự kiến thành lập Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank AMC) với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Thời gian hoạt động không quá thời gian hoạt động còn lại của ngân hàng.
Về lí do thành lập AMC, Phó Chủ tịch LPBank Bùi Thái Hà cho biết, thời gian qua, thế giới đã trải qua nhiều biến cố lớn từ đại dịch Covid đến chiến tranh Nga -Ukraine, bão lũ thiên tai và gần đây nhất là áp lực thuế quan Mỹ với thương mại toàn cầu, điều này gây ra áp lực lớn với nền kinh tế, dẫn đến phát sinh gia tăng nợ xấu, nợ có hạn.
Tại Việt Nam, rất nhiều ngân hàng thương mại cũng đã thành lập AMC. LPBank thành lập AMC với mục đích chuyên nghiệp hóa xử lý nợ xấu, khai thác tài sản và mục tiêu quan trọng hơn là để ngân hàng tập trung vào hoạt động cốt lõi, nâng cao hiệu quả cũng như gia tăng lợi ích cho cổ đông.
Không có kế hoạch bán vốn cho cổ đông nước ngoài năm 2025
ĐHĐCĐ của LPBank cũng thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 14.868 tỷ đồng, tăng 22,2% so với năm 2024. Năm 2024, ngân hàng này thậm chí ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng đến 73% so với năm trước.
Nói về lí do lợi nhuận tăng mạnh, ông Hồ Nam Tiến cho biết, ngân hàng đã có bước chuẩn bị ngày từ cuối năm 2023 và giải ngân ngay từ đầu năm 2024, dư nợ bình quân những ngày đầu tăng cao, nhờ đó tăng thu nhập từ lãi.
Bên cạnh đó, với hệ thống mạng lưới trong năm 2023, khoảng 20% phòng giao dịch của LPBank bị lỗ do thời gian thành lập chưa được hơn một năm. Sang năm 2024, ngân hàng đã phát huy được năng lực kinh doanh tại các điểm giao dịch hệ thống mạng lưới. Có những điểm giao dịch chỉ có khoảng trên dưới 10 người nhưng cũng đã có thể lãi bình quân 15-20 tỷ đồng.

Toàn cảnh ĐHĐCĐ LPBank.
Ngoài ra, LPBank cũng chú trọng phát triển sản phẩm dịch vụ phi tín dụng, tăng tỉ trọng thu nhập phi tín dụng từ 8% lên 16% trên tổng thu. Tiết giảm chi phí, kiểm soát hệ số CIR từ 36% trong năm 2023 xuống khoảng 29% năm 2023.
Năm 2024, LPBank cũng thực hiện tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả, tập trung phê duyệt gián tiếp tại các đơn vị chi nhánh, tập trung lên hội sở để vừa kiểm soát rủi ro, vừa nâng cao hiệu quả công tác vận hành. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tích cực trong công tác thu hồi nợ xấu, nợ quá hạn, từ đó cũng hoàn nhập được dự phòng, đóng góp 1 phần vào sự tăng trưởng lợi nhuận.
Nói về kế hoạch bán vốn cho cổ đông nước ngoài, ông Tiến cho biết đây là một trong những định hướng của ngân hàng nhưng với tình hình về thị trường hiện tại, ngân hàng chưa có kế hoạch. "Việc bán vốn dựa trên bảo đảm tối đa lợi ích cho cổ đông, hỗ trợ cho chiến lược ngân hàng. Kết hợp hài hòa 2 lợi ích trên, chúng tôi cũng phải lựa chọn cổ đông nước ngoài một cách thận trọng", đại diện LPBank nói.
Cập nhật về tình hình ảnh hưởng của thuế quan Mỹ đến các khách hàng là doanh nghiệp xuất nhập khẩu của LPBank thời gian qua, ông Bùi Thái Hà - Phó Chủ tịch HĐQT LPBank cho ngay từ khi có những biến động, Ban điều hành ngân hàng đã có cuộc họp thống kê đánh giá, đưa ra giải pháp như thành lập AMC để chuyên nghiệp hóa vấn đề quản lý, xử lý tài sản.
Tuy nhiên, LPBank chỉ có 0,3% tổng dư nợ tín dụng cấp cho doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Mỹ. Vì vậy, điều này không ảnh hưởng lớn đến chất lượng tín dụng tại ngân hàng.