Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest: Doanh nhân 'xẻ dọc Trường Sơn'
Mọi người thường chỉ biết ông là Chủ tịch GP Invest, thường xuất hiện tại các cuộc hội thảo về kinh tế, bất động sản; hội nghị liên quan đến doanh nghiệp, đầu tư... Nhưng người đàn ông tuổi gần 80 này không chỉ tự hào về những gì đang cống hiến trong hoạt động kinh doanh, mà còn rất tự hào về thời trai trẻ từng xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.

Doanh nhân Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty cổ phần đầu tư Bất động sản Toàn Cầu (GP Invest).
Thầy giáo trẻ quyết lên đường ra trận
Là người Hà Nội gốc, sinh ra và lớn lên tại phố cổ (phố Thuốc Bắc), mẹ kinh doanh cửa hàng sắt thép, còn bố làm cho một hãng buôn của Pháp, ông Nguyễn Quốc Hiệp có tuổi thơ hơn hẳn chúng bạn cùng trang lứa. Mới 4 - 5 tuổi, ông đã được vào học Trường Lycee Albertsaraut - trường tiểu học dành cho con cái của những gia đình khá giả, có uy tín ở xứ Bắc kỳ.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông được chuyển ra Trường Trần Nhật Duật, ngôi trường top đầu của Hà Nội thời mới giải phóng. Những năm học cấp 2, cấp 3, ông là một trong những học sinh giỏi nhất trường về các môn tự nhiên, từng là thành viên đội tuyển học sinh giỏi của trường, thi học sinh giỏi môn Vật lý của Hà Nội. Đồng thời, ông cũng là học sinh rất nhiệt tình trong các môn thể dục - thể thao.
Sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, ông được phân công về Trường cấp 2 Mỹ Hào (Hưng Yên) dạy toán và vật lý. Ngay năm đầu tiên, ông được Ban Nghiệp vụ (Sở Giáo dục Hưng Yên) đánh giá là giáo viên dạy giỏi môn toán cấp tỉnh và đến cuối năm thứ 2 thì được đề nghị làm Phó hiệu trưởng Trường cấp 2 Nhân Hòa.
“Giáo viên là nghề cao quý, được thừa nhận về chuyên môn, đạo đức, con đường công danh mở ra trước mắt, là mơ ước của rất nhiều đồng nghiệp. Trong nghề giáo, hay nghề nào cũng vậy, sớm thành công là rất hiếm. Nhưng tôi cứ trăn trở, suy nghĩ, trong bối cảnh đất nước đang chiến tranh, thanh niên, trai tráng hết lớp này đến lớp khác đều lên đường ra trận, nếu tiếp tục làm nghề dạy học, thì khác gì giáo Thứ trong tác phẩm ‘Sống mòn’ của Nam Cao. Ngày lên lớp, đêm về, tôi suy nghĩ rất nhiều về việc ở nhà hay ra trận”, ông Hiệp nhớ lại
Cuộc chiến tranh ngày càng ác liệt đã thôi thúc người thanh niên Nguyễn Quốc Hiệp ra chiến trường. Ông giấu gia đình, đăng ký tham gia lực lượng thanh niên xung phong. “Đây là quyết định thực sự khó khăn với bất cứ ai trong hoàn cảnh của tôi. Đến giờ, mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn cho rằng, mình đã quyết định đúng. Trước khi vào chiến trường, tôi chưa có khái niệm gì về đời lính Trường Sơn, chỉ biết rằng, chắc chắn là vô cùng vất vả, gian nan, nhưng tâm trí luôn nung nấu phải vượt qua, vì Tổ quốc đang cần sự cống hiến”, ông Hiệp tâm sự.
Từ thanh niên xung phong đến “phóng viên” chiến trường
Trước khi vào nơi “mưa bom, bão đạn”, thanh niên xung phong được tập trung khoảng một tháng để huấn luyện, từ hành quân, bắn súng, đến cách tránh máy bay, lấp đường, phá bom... như những người lính công binh thực thụ. Hết thời gian huấn luyện, thầy giáo trẻ gốc Hà Nội cùng đồng đội Nam tiến, mỗi ngày đi bộ men theo đường rừng khoảng 25 - 30 km, trên lưng đeo khoảng 30 kg quân tư trang, lương thực.
Chiến trường thực sự khốc liệt, đặc biệt là khu vực Hà Tĩnh - Quảng Bình. Vốn là giáo viên, nên ông Hiệp có nhiệm vụ dạy học cho đồng đội. Ban ngày, ông “lên lớp”; tối đến, đồng đội trực chiến trên các tuyến đường, ông cũng đi làm nhiệm vụ cùng những người lính thanh niên xung phong khác. Cuộc sống thiếu thốn đủ bề, vào mùa khô thì nóng như lửa đốt, đặc biệt là phải ngồi trong hầm chữ A trực chiến, còn những tháng mùa mưa, hầu như ngày nào cũng phải mặc quần áo ẩm ướt...
Sau khoảng 2 năm bám mặt trận, do có năng khiếu viết lách, ông Hiệp được điều về Ban Chính trị với nhiệm vụ viết bài tuyên truyền, động viên tư tưởng cho thanh niên xung phong thông qua bản tin nội bộ phát hành mỗi tháng một kỳ và viết bài, chụp ảnh gửi đăng Báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam và Báo Tiền phong như một phóng viên chiến trường thực thụ.
Dù không cầm súng trực tiếp chiến đấu, nhưng với vai trò như “phóng viên chiến trường”, ông Hiệp đã cùng với rất nhiều người lính chinh chiến khắp các tuyến đường Trường Sơn. Hầu như tất cả trọng điểm ác liệt nhất trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, ông đều có mặt.
Với chiếc ba lô trên lưng cùng chiếc máy ảnh, ông luôn có mặt tại các điểm nóng để kịp thời phản ánh sự chiến đấu, hy sinh dũng cảm của người lính Trường Sơn và thanh niên xung phong - những người bằng mọi giá phải giữ được mạch máu giao thông đường Trường Sơn. Rất nhiều bài báo, bức ảnh thời sự của ông đã được đăng báo, phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam với bút danh Quốc Nguyên, chiếm được cảm tình của độc giả. Trong đó, có những bài được chọn là “bài báo của năm”, như bài “Máy 161! Sẵn sàng” phản ánh cuộc chiến đảm bảo giao thông ở tuyến đường 10.
Những năm tháng không thể nào quên
Gần 5 năm ở Trường Sơn trong thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất, ông Hiệp có cả một kho kỷ niệm, nhưng ông bảo, nhớ nhất là 2 kỷ niệm, trong đó có kỷ niệm với nhà báo Hồng Vinh (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân dân, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam).
“Trong chiến tranh hiện đại, bao giờ, pháo tọa độ kích từ Hạm đội 7 cũng căn theo tọa độ. Quả đầu tiên luôn bắn cách xa mục đích (xe vận tải của quân ta), quả thứ 2 gần hơn và đến quả thứ 5 chắc chắn giã thẳng vào đầu xe ta... Tôi và Hồng Vinh ngồi nhờ xe tải vào tuyến sau để lấy tư liệu viết bài. Khi pháo ở Hạm đội 7 bắn xong loạt thứ nhất, lái xe hô nhảy, Hồng Vinh mặc dù là phóng viên chiến trường, đã được huấn luyện và thực chiến, nhưng vẫn bị thương trong lúc nhảy khỏi xe”, ông Hiệp bồi hồi nhớ lại.
Kỷ niệm thứ hai là lần ông được “tháp tùng” 7 nhạc sỹ vang danh thời ấy, gồm Hồng Đăng, Tân Huyền, Văn Dung, Chu Minh… đi thực địa đường 12, để các nhạc sỹ “mục sở thị” về cuộc sống của thanh niên xung phong. Điều khiến ông nhớ nhất là nhờ chuyến đi này, nhạc sỹ Văn Dung đã sáng tác bài “Đường Trường Sơn xe anh qua” - một trong những ca khúc bất hủ về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bài hát mà bất cứ thanh niên xung phong nào cũng thuộc, cũng rưng rưng nước mắt khi được nghe, được hát.
“Tuổi thanh xuân đến với núi rừng. Dù bom rơi mưa giông nắng lửa. Vượt hiểm nguy em băng băng qua. Mở đường xe anh ra tiền tuyến. Anh qua bao núi cao. Anh qua bao dốc đèo. Đường anh đi mang tình em, như tình quê hương nâng bước ta đi”, vừa tâm sự, ông Hiệp vừa lẩm nhẩm hát để nhớ về đồng đội thanh niên xung phong cách đây nửa thế kỷ.
Dù đã thành danh trên thương trường, nhưng ông Nguyễn Quốc Hiệp luôn nhớ về những năm tháng thanh niên xung phong, “làm báo” ở Trường Sơn. Gần 5 năm ở nơi tuyến lửa trong thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã tôi luyện ông trưởng thành. Khi làm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng, hay khi đã nghỉ hưu, rồi thành lập GP Invest và dẫn dắt, chèo lái doanh nghiệp vượt khó, phát triển đi lên, ông đều sự trân quý con người và sự gắn bó nghĩa tình đồng đội.
“Trong tiềm thức của tôi, những năm tháng nằm gai, nếm mật ở Trường Sơn chính là thời gian rèn luyện, hun đúc nên bản lĩnh và ý chí. Tôi chưa bao giờ quên những năm tháng chiến tranh ác liệt, đồng đội luôn sẵn sàng nhường nhau từng miếng ăn, ngụm nước, giành nhau làm việc khó, việc nguy hiểm, kể cả sẵn sàng hy sinh để đồng đội được sống…”, ông Hiệp nói.