Ông Phạm Nhật Vượng nêu cơ cấu vốn '50-35-15' làm metro Cần Giờ

Vingroup dự kiến phân bổ vốn cho dự án hạ tầng theo tỷ lệ 50% từ nhà thầu EPC, 35% huy động ngân hàng và 15% vốn tự có để đảm bảo hiệu quả tài chính và chủ động dòng tiền.

 Một phần huyện Cần Giờ. Ảnh: Quỳnh Danh.

Một phần huyện Cần Giờ. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025 diễn ra mới đây, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng đã có chia sẻ về định hướng phát triển và chiến lược huy động vốn cho các dự án quy mô lớn.

Theo ông, Vingroup đang nghiên cứu mở rộng thêm hai trụ cột hoạt động mới là Hạ tầng và Năng lượng, bên cạnh 3 trụ cột hiện có là Công nghiệp - công nghệ, Thương mại dịch vụ và Thiện nguyện xã hội.

Về mảng hạ tầng, Vingroup đã đăng ký với Chính phủ để tự đầu tư hai tuyến đường sắt tốc độ cao gồm: tuyến Phú Mỹ Hưng - Cần Giờ và tuyến Hà Nội - Quảng Ninh. Ngoài ra, tập đoàn cũng đề xuất nghiên cứu phát triển một số cảng biển.

Theo ông Vượng, với các dự án hạ tầng lớn, vấn đề vốn không khó với Vingroup. Trong trường hợp triển khai theo hình thức tổng thầu EPC toàn bộ, với uy tín của Vingroup, các nhà thầu sẵn sàng chi ra 90-95% vốn đầu tư cho dự án. Tuy nhiên, Vingroup hiện định hướng cân đối chỉ để các nhà thầu EPC tham gia ở mức 50%, 35% vốn dự án sẽ được huy động từ ngân hàng và 15% là vốn tự có của tập đoàn. Việc phân bổ này đã được cân đối kế hoạch rõ ràng và đẩy đủ.

Do đó, tỷ phú giàu nhất Việt Nam tự tin có thể đáp ứng đầy đủ vốn triển khai các dự án hạ tầng lớn theo đúng kế hoạch.

Trước đó, Vingroup cũng đã có văn bản gửi Sở Tài chính TP.HCM, báo cáo đề xuất liên quan đến việc đầu tư tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao nối quận 7 với huyện Cần Giờ.

Trong đó, tập đoàn đề xuất áp dụng hình thức hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Vingroup sẽ chịu trách nhiệm thu xếp toàn bộ vốn để thực hiện đầu tư, xây dựng, quản lý và vận hành trong suốt thời hạn của dự án trên cơ sở bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.

Tuyến đường sắt sẽ được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, với chiều dài khoảng 48,5 km. Tốc độ thiết kế tối đa là 250 km/h, với 2 ga chính dự kiến đặt tại Cần Giờ và quận 7.

Vingroup cho biết đã có kinh nghiệm triển khai nhiều dự án lớn với tổng mức đầu tư trên 100.000 tỷ đồng, đồng thời luôn nằm trong nhóm các doanh nghiệp có tổng tài sản, doanh thu và mức đóng góp ngân sách Nhà nước cao nhất. Tập đoàn bày tỏ mong muốn tiếp tục đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của đất nước và riêng TP.HCM, đặc biệt trong việc hoàn thiện hạ tầng giao thông đô thị.

Theo tập đoàn, tuyến đường sắt này không chỉ giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm thành phố đến Cần Giờ mà còn tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển du lịch, đầu tư và nâng cao chất lượng sống của người dân. Do đó, Vingroup mong muốn được chính quyền TP.HCM xem xét và sớm chấp thuận để triển khai dự án.

Liên Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/ong-pham-nhat-vuong-neu-co-cau-von-50-35-15-lam-metro-can-gio-post1548679.html