Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm mà không lo lắng gì, sẽ hỗ trợ VinFast đến khi nào hết tiền
Chủ tịch Vingroup kiêm CEO VinFast toàn cầu Phạm Nhật Vượng nói ông không quá quan tâm đến giá cổ phiếu hãng xe hiện tại trên Nasdaq.
Mặc dù đã rót 2 tỷ USD vào VinFast - công ty khởi nghiệp xe điện đầy mạo hiểm, tỷ phú Phạm Nhật Vượng dường như vẫn điềm tĩnh lạ thường, tờ Bloomberg viết. VinFast bắt đầu sản xuất ô tô cách đây 5 năm. Hiện tại, hãng xe Việt đang cạnh tranh với những tên tuổi như Tesla hay Hyundai trong nỗ lực thâm nhập thị trường xe điện Mỹ, cũng như mở rộng sang Ấn Độ hay Indonesia.
Chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg tại trụ sở chính Vingroup ở Hà Nội, ông Vượng khẳng định dù VinFast chưa có lãi song sẽ tiếp tục hỗ trợ VinFast cho đến khi nào “hết tiền”.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, với khối tài sản trị giá 5,3 tỷ USD, tin tưởng rằng ông có thể lái con thuyền VinFast đi đến thành công bất chấp những vấp váp ban đầu và ngay cả khi những gã khổng lồ toàn cầu như Toyota hay Volkswagen đang gặp khó khăn.
VinFast có lẽ được biết đến nhiều nhất nhờ màn ra mắt tại Mỹ vào tháng 8 năm ngoái, khi cổ phiếu tăng vọt 700% trong hai tuần đầu tiên. Kể từ đó, giá cổ phiếu đã giảm tới 95%. Với chỉ khoảng 2% cổ phiếu VinFast có thể giao dịch, giá cổ phiếu dễ dàng biến động khó lường. Mặc dù vậy, ông Vượng - người trực tiếp và gián tiếp sở hữu 97,9% cổ phần của công ty, hiện chưa có ý định tăng lượng cổ phiếu lưu hành công khai.
Chủ tịch Vingroup cho biết: "Hiện tại, chúng tôi không quan tâm đến giá cổ phiếu và chúng tôi không vội vàng đưa thêm cổ phiếu ra thị trường. Lượng cổ phiếu lưu hành không ảnh hưởng đến các nhà đầu tư lớn và dài hạn”.
VinFast phải đối mặt với nhiều khó khăn để trở thành một hãng xe điện toàn cầu và có lãi. Các đối thủ Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu các mẫu xe điện giá rẻ và Tesla đã giảm giá sản phẩm của mình do người tiêu dùng bớt hào hứng hơn với xe điện.
Lô hàng đầu tiên VinFast xuất khẩu sang Mỹ đã vấp phải những bài đánh giá “gay gắt”, với các vấn đề còn tồn tại như đèn báo rẽ hoạt động không chính xác và hệ thống điều hòa hoạt động không ổn định.
Ngành công nghiệp xe điện đầy rẫy những ví dụ về các tỷ phú cố gắng bắt chước những gì Elon Musk đã làm với Tesla nhưng không thành công. Evergrande New Energy Vehicle Group - được hậu thuẫn bởi tỷ phú Trung Quốc Hui Ka Yan, là một ví dụ điển hình. Từng có giá trị cao hơn cả Ford Motor và General Motors, nhưng Evergrande đã gặp khó khăn kể từ khi công ty mẹ bị cuốn vào cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc từ năm 2021.
Mặc dù đặt mục tiêu bán 100.000 xe trong cả năm nay, nhưng VinFast chỉ mới giao được 9.689 xe trong quý đầu tiên, còn cách rất xa mục tiêu. Thậm chí cả năm ngoái, họ cũng chỉ bán được gần 35.000 xe, phần lớn trong số đó là cho Xanh SM - một thương hiệu taxi điện thuộc sở hữu của ông Vượng.
Theo nhà phân tích Ken Foong của Bloomberg Intelligence, việc là một công ty mới gia nhập thị trường Mỹ khiến VinFast phải đối mặt với rất nhiều rủi ro do sự cạnh tranh gay gắt. "Họ cần phải xây dựng thương hiệu của mình và điều này không hề dễ dàng ở Mỹ với sự cạnh tranh khốc liệt. Nó sẽ tốn thời gian và tiền bạc”.
Vingroup, các công ty liên kết và các bên cho vay bên ngoài đã cung cấp cho VinFast khoảng 12,9 tỷ USD để trang trải chi phí hoạt động và chi phí vốn từ năm 2017 đến tháng 3 năm nay. VinFast đang xây dựng một nhà máy ở Bắc Carolina, khởi công một nhà máy ở Ấn Độ và có kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Indonesia bên cạnh nhà máy hiện có ở Việt Nam.
Ngồi trước một bức tranh tường chạm khắc từ sàn đến trần nhà mô tả dãy núi huyền bí trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với Bloomberg, ông Vượng, mặc vest xanh và cà vạt đỏ, dường như không hề nao núng trước những thách thức trước mắt.
Ông bắt đầu ngày mới của mình bằng việc chơi với cháu. "Tôi ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm mà không lo lắng gì", người sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty cho biết. "VinFast sẽ sớm đạt được điểm hòa vốn và có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình", ông nói.
Ít giao tiếp với bên ngoài, ông Vượng được đánh giá là nhà lãnh đạo doanh nghiệp quyền lực nhất Việt Nam. Tập đoàn Vingroup của ông thống trị thị trường bất động sản và tác động đến hầu hết các khía cạnh trong cuộc sống của người dân thông qua các lĩnh vực tiêu dùng, bất động sản, trung tâm thương mại và trường học.
Một phần động lực thúc đẩy ông Vượng tiến tới với VinFast là mục tiêu nâng cấp ngành sản xuất của Việt Nam, vượt ra khỏi việc sản xuất giày thể thao và lắp ráp thiết bị điện tử cho các công ty nước ngoài. Ông cũng muốn sử dụng công ty của mình để giúp giải quyết biến đổi khí hậu bằng cách sản xuất xe điện.
"VinFast không chỉ là một dự án kinh doanh mà còn là một dự án tâm huyết", ông nói.