Ông Phan Văn Mãi: 'Phát triển sông Sài Gòn là điểm nhấn quan trọng của quy hoạch chung TP.HCM'
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP xác định quy hoạch phát triển sông Sài Gòn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của việc điều chỉnh quy hoạch chung TP sắp tới.
"TP.HCM đang khẩn trương thực hiện 3 quy hoạch: quy hoạch TP.HCM thời kỳ năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040-2060, quy hoạch chung TP Thủ Đức, đây là 3 quy hoạch rất quan trọng trong thời gian tới do vậy việc nghiên cứu để bảo tồn, để phát huy giá trị sông Sài Gòn trong tích hợp quy hoạch chung TP.HCM rất có ý nghĩa" - ông Mãi cho biết.
Phát biểu tại hội thảo Phát triển không gian, chức năng dọc hành lang sông Sài Gòn theo kinh nghiệm của Pháp về sông Seine chiều 2-3, ông Mãi cho rằng việc TP.HCM phối với với Viện Quy hoạch vùng Paris, AVSE Global, các tổ chức, các chuyên gia nghiên cứu sâu phát huy giá trị sông Sài Gòn là rất kịp thời trong giai đoạn hiện nay.
"TP cũng xác định việc quy hoạch sông Sài Gòn là trung tâm quy hoạch chung TP trong thời kỳ sắp tới, đây cũng là điểm nhấn của việc rà soát quy hoạch chung TP lần này. Trong hội thảo hôm nay, chúng ta tiếp tục nghiên cứu, phát huy kết quả nghiên cứu và tích hợp vào quy hoạch chung TP, quy hoạch kinh tế xã hội TP sắp tới" - ông Mãi nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng kỳ vọng các bên sẽ thảo luận, tiếp thu kết quả nghiên cứu sông Sài Gòn vào đồ án quy hoạch chung TP, mục tiêu và kết quả mong đợi của TP là làm sao vừa góp ý cho kết quả quy hoạch sông Sài Gòn và chuyên gia cũng góp ý việc tích hợp vào quy hoạch chung TP.
"Đồng thời, tôi mong muốn các địa phương, ban ngành có những đóng góp để hoàn thiện quy hoạch sông Sài Gòn. Sở ngành, quận huyện cũng tìm kiếm các cách thức tiếp cận để đề xuất vận dụng các cơ chế đặc thù triển khai các công việc trong thời gian sắp tới" - ông Mãi đề nghị.
Báo cáo của liên danh tư vấn Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) và Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR) tại hội thảo cho rằng sông Seine có một số bài học như sự phát triển dọc sông là một chiến lược lâu dài từ thế kỷ 17.
"Từ thế kỷ 17, cung điện đã được xây dựng ở sông Seine, từ đó chúng tôi muốn tạo ra cảnh quan tuyệt vời dọc sông cho người dân và du khách, quá trình phát triển đến nay chúng tôi vẫn còn tiếp tục ra cả vùng ngoại ô" - đại diện liên danh tư vấn từ nói.
Theo đó, liên danh tư vấn đánh giá TP.HCM cần chuyển mình thành TP toàn cầu, là đô thị đổi mới sáng tạo, TP nên dùng cơ hội này để tạo bước chuyển mình, liên danh đề xuất chia sông Sài Gòn thành 4 phân khu chức năng.
Theo đó, đầu tiên là phân khu bắc kết nối bản sắc, qua huyện Củ Chi (TP.HCM), Bến Cát (Bình Dương), từ thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) đến ranh giới TP.HCM và tỉnh Tây Ninh. Khu này nên được phát triển theo hình thức công viên tự nhiên mới để bảo tồn và nâng cao nền nông nghiệp, cảnh quan và di sản của khu vực ngoại ô.
Phân khu 2 là giao diện trù phú, bao trùm từ cầu đường sắt đến cầu Thủ Dầu Một. Tại đây, chúng tôi dự kiến sẽ tạo ra không gian mới giao thoa giữa thành thị và nông thôn, bằng cách xác định ranh giới rõ ràng hơn giữa hai khu vực này.
Phân khu 3, Thanh Đa (quận Bình Thạnh) trải nghiệm hạnh phúc, bao gồm bán đảo Thanh Đa và vùng phụ cận từ Quốc lộ 52 đến đường sắt TP.HCM - Hà Nội. Tại phân khu này, chúng tôi đề xuất phát triển khu đô thị hỗn hợp mật độ cao TOD và công viên nông nghiệp - giải trí ngập nước rộng 300 ha.
Phân khu 4 là khu trung tâm cánh cửa tương lai, chạy từ ngã ba sông Đồng Nai/Nhà Bè đến Quốc lộ 52. Giống với vùng hợp lưu của sông Hudson và sông Đông ở TP New York, Docklands ở London hay vịnh Marina ở Singapore, phân khu này là cửa ngõ nổi bật vào TP, đây là nơi để thể hiện hình ảnh đẹp nhất của đô thị với phần còn lại của đất nước và thế giới, đồng thời trưng bày những công trình tuyệt vời nhất của đô thị.
"Việc liên danh tư vấn chia sông thành 4 khu vực phát triển cũng tương đồng với đề án phát triển kinh tế dịch vụ ven sông của TP.HCM và rất hợp lý" - TS-kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quy hoạch chung, Sở QH-KT TP cho biết.
Theo ông Tuấn, đề xuất trên dựa trên nghiên cứu sâu sắc đánh giá hiện trạng, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử, trong đó có việc chỉ ra những điểm nhấn quan trọng về văn hóa như nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, khu di tích địa đạo Củ Chi, bến Bạch Đằng...
Ông Tuấn cho biết hội thảo cũng là dịp để các tư vấn về quy hoạch chung TP (đang được xây dựng) nắm bắt tinh thần, định hướng quy hoạch hành lang sông Sài Gòn để tích hợp vào quy hoạch chung sau này.