Ông Pipit Aneaknithi - Chủ tịch Ngân hàng Kasikorn: 'Khi đưa ra quyết định, tôi phải thực hiện nó tới cùng'
Từ một dược sĩ, với quyết tâm theo đuổi tới cùng đam mê kinh doanh, sau 20 năm, ông Pipit Aneaknithi đã được bổ nhiệm giữ vị trí Chủ tịch Ngân hàng Kasikorn (KBank). Ông Pipit Aneaknithi cho rằng, việc học cách thích ứng với môi trường mới vô cùng quan trọng. Nếu không sẵn sàng cho sự thay đổi thì không làm được gì cả. 'Khi đưa ra quyết định, tôi phải thực hiện nó tới cùng', ông nhấn mạnh.
Chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn về hành trình từ dược sĩ trở thành chủ tịch ngân hàng, ông Pipit Aneaknithi kể đó là một chuyện dài và đến giờ này ông vẫn rất hài lòng với lựa chọn ấy.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Pipit Aneaknithi đến làm việc tại một bệnh viện ở vùng nông thôn Đông Bắc Thái Lan trong gần hai năm. Nhưng rồi ông nhận ra rằng phải làm một việc khác, một việc mà ông đam mê và mong muốn khám phá.
Thế là ông bắt đầu sự nghiệp mới với vai trò đại diện y tế cho một công ty dược phẩm Nhật Bản. Đó là bước khởi đầu trong hành trình Pipit Aneaknithi dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh. Với tư cách là đại diện bán hàng, ông cần hiểu khách hàng và những gì họ thực sự muốn. Khi đó ông nhận ra sự hạn chế của mình về kiến thức trong lĩnh vực kinh doanh, tiếp thị, tài chính và cả công nghệ, truyền thông.
Đó cũng là lý do Pipit Aneaknithi quyết tâm học về kinh doanh. Từ việc có kiến thức về dược, khoa học dược phẩm và đồng thời có kiến thức về kinh doanh, ông đã nhận được học bổng của Ngân hàng Kasikorn để du học ở Đức và Anh.
Sau khi tốt nghiệp, ông trở về nước, bắt đầu sự nghiệp tại Ngân hàng Kasikorn vào năm 1997 với lĩnh vực khách hàng doanh nghiệp và thị trường vốn, rồi đến khách hàng cá nhân, chiến lược kinh doanh.
Năm 2017, Pipit Aneaknithi được bổ nhiệm giữ vị trí Chủ tịch Ngân hàng Kasikorn Thái Lan. Ở vị trí mới, ông mở rộng kinh doanh ở Trung Quốc, Lào, Campuchia, Indonesia và Việt Nam. KBank được cấp giấy phép thành lập chi nhánh tại TP.HCM ngày 12/11/2021 và chi nhánh đã được khai trương vào tháng 8/2022.
* Thưa ông, có thử thách nào trong những công việc mới khiến ông cân nhắc việc quay trở lại lĩnh vực y dược? Nếu có, ông đã vượt qua như thế nào?
- Chưa bao giờ. Tôi chắc chắn về con đường mình đã chọn. Khi còn trẻ, tôi không hiểu được chính mình, do đó tôi học và thử rất nhiều thứ, học dược, y khoa, một số ngành kỹ thuật. Nhưng đó không phải là thứ tôi thực sự đam mê. Khi bạn ở độ tuổi 30, bạn trưởng thành hơn và nhận ra được đam mê của mình. Tôi cũng vậy.
* Vậy có kiến thức nào từ lĩnh vực y dược được ông áp dụng vào lĩnh vực ngân hàng?
- Rất nhiều đấy. Vì học ngành dược mang lại cho tôi rất nhiều lợi ích. Chúng tôi học toán, khoa học, hóa học, công nghệ... Tư duy logic là nền tảng tốt để áp dụng vào kinh tế và tài chính. Một số người có thể cho rằng kinh doanh hoặc ngân hàng không liên quan gì đến dược phẩm. Nhưng tôi cho rằng tư duy logic, tư duy phản biện, khả năng phân tích khi theo học y dược rất hữu dụng. Có thể không cùng một môn học nhưng nó giúp ích cho tôi trong việc học kinh doanh và tài chính.
* Lần đầu tiên ông đến Việt Nam là khi nào? Đâu là điều ông cảm thấy yêu thích nhất ở Việt Nam?
- Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam là vào năm 1999. Tôi đã đến Hà Nội, Hội An, rồi vịnh Hạ Long, cũng là điểm cuối trước khi quay trở lại sân bay Nội Bài. Chuyến đi ấy kéo dài gần 10 ngày. Tôi thích lịch sử, kiến trúc và khung cảnh sống động của Hà Nội, đặc biệt là vào mùa Đông. Tôi đến đó vào tháng 12 khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C. Thật kỳ lạ, Hà Nội và Bangkok chỉ cách nhau 1 giờ 20 phút bay nhưng khí hậu có sự khác biệt đáng kể.
“
Mọi thứ ở Hội An đều cổ kính, từ kiến trúc đô thị đến nghệ thuật ẩm thực, văn hóa…
Tất cả đều rất thu hút tôi.
Tôi cũng yêu Hội An - nơi hội tụ của người Nhật, người Hoa, người châu Âu và người Ả Rập từ thế kỷ XVI, XVII. Mọi thứ ở Hội An đều cổ kính, từ kiến trúc đô thị đến nghệ thuật ẩm thực, văn hóa… Tất cả đều rất thu hút tôi.
Tôi cố gắng đến thăm Việt Nam hai lần một năm. Vào tháng 8 năm ngoái, tôi đến Việt Nam để dự lễ khai trương chi nhánh KBank tại TP.HCM. Mỗi lần đến đất nước các bạn, điều tôi cảm nhận sâu sắc chính là tinh thần của người Việt Nam: rất ham học hỏi và siêng năng, cần cù.
* Theo ông, sự khác biệt về nguồn nhân lực trong lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam và Thái Lan là gì?
- Tôi cho rằng, sự khác biệt nằm cả ở số lượng và chất lượng. Chúng tôi là một thị trường có phần “già dặn” (maturity) hơn. Nhưng khi nói đến năng lực công nghệ, tôi nghĩ Việt Nam có nhiều tiềm năng hơn Thái Lan vào thời điểm hiện tại.
Với khoảng 2 triệu người Việt Nam tốt nghiệp đại học ngành khoa học - công nghệ - kỹ thuật là nguồn lực dồi dào để phát triển đất nước không chỉ với ngành ngân hàng. Chúng tôi đã tuyển dụng hơn 300 kỹ sư phần mềm tại Việt Nam để làm việc tại Thái Lan và tại các nền kinh tế Đông Nam Á khác - nơi chúng tôi có chi nhánh ngân hàng.
Bên cạnh đó, Việt Nam có quy mô dân số trẻ hơn khá nhiều so với mức trung bình của Thái Lan. Điều đó có nghĩa là nhu cầu nội địa rất lớn và đó sẽ là một yếu tố quan trọng đối với tiêu dùng trong nước. Nguồn cung lao động và sức tiêu dùng khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn dựa trên yếu tố nhân khẩu học. Tôi nghĩ đây thực sự là điểm cộng lớn.
“
Mỗi lần đến đất nước các bạn, điều tôi cảm nhận sâu sắc chính là tinh thần của người Việt Nam: Rất ham học hỏi và siêng năng, cần cù.
* Thông điệp mà lãnh đạo KBank gửi tới giới truyền thông Việt Nam khẳng định trọng tâm sẽ là hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và đầu tư vào khởi nghiệp. Điều gì khiến KBank trở nên khác biệt trong phân khúc này, thưa ông?
- KBank không chỉ đứng đầu ở Thái Lan trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mà còn cung cấp các giải pháp vượt ra ngoài phạm vi ngân hàng (Beyond Banking) bởi ngân hàng truyền thống luôn tập trung vào dịch vụ tài chính, về cơ bản là các giải pháp liên quan đến khoản vay hoặc tài trợ. KBank không giới hạn trong việc cung cấp giải pháp tài chính truyền thống mà còn dựa trên việc thấu hiểu nhu cầu cấp thiết của khách hàng, của đối tác để đưa ra các giải pháp ngoài lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là những đơn vị có nguồn lực hạn chế về tiếp thị, bán hàng, sản xuất, công nghệ, kiểm toán, hay cần chuẩn hóa cơ cấu tổ chức, từ đó giúp họ tăng tốc kinh doanh.
* Tại Thái Lan, KBank được cho là giữ vị trí thứ hai trong ngành ngân hàng. Vậy khi thành lập chi nhánh tại Việt Nam, ông đặt ra mục tiêu nào?
- Trong thời gian ngắn, KBank muốn có một nền tảng thật vững chắc. Chúng tôi đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng cơ bản, đặc biệt là công nghệ số. Rồi đặc biệt là yếu tố con người. Đầu tiên tôi muốn nói là vốn công nghệ và thứ hai là vốn con người - hai yếu tố chính sẽ giúp chúng tôi duy trì kinh doanh và đảm bảo tiếp tục tạo ra giá trị cũng như sẵn sàng vượt qua thử thách. KBank mong muốn sẽ sớm lọt vào top 10 ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Cụ thể, tại Việt Nam, KBank đặt mục tiêu tiếp cận khoảng 1,2 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng di động KPlus vào cuối năm nay và 8,4 triệu người dùng vào năm 2027. Bạn có thể cho rằng con số đó là quá tham vọng, nhưng tôi nghĩ đó là điều có thể đạt được dựa trên dữ liệu, thống kê về hiệu quả hoạt động của chúng tôi cho đến nay vì KPlus ở Thái Lan phải mất gần 10 năm mới đạt được 20 triệu người dùng, nhưng tại thị trường Việt Nam, KBank có gần 1 triệu người dùng trong vòng 12 tháng đầu tiên. Bên cạnh đó, chúng tôi quan tâm nhiều đến năng lực và việc bồi dưỡng năng lực nhân sự. Chúng tôi có kế hoạch nâng số lượng nhân sự từ 300 ở thời điểm hiện tại lên khoảng hơn 1.000 vào năm 2027.