Ông Putin nói Trung Quốc hiểu căn nguyên cuộc chiến ở Ukraine, tán thành đề xuất hòa bình
Trong cuộc phỏng vấn công bố hôm 15/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông ủng hộ kế hoạch giải quyết khủng hoảng Ukraine của Trung Quốc, nói thêm rằng Bắc Kinh hiểu đầy đủ về nguyên nhân đằng sau cuộc chiến này.
Phát biểu với hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc trước chuyến thăm Bắc Kinh trong tuần này, ông Putin cho biết Nga vẫn sẵn sàng đối thoại và đàm phán để giải quyết cuộc xung đột đã kéo dài hơn hai năm với Ukraine.
Ông Putin cho biết kế hoạch và các nguyên tắc bổ sung được Trung Quốc công bố vào tháng trước đã tính đến các yếu tố đằng sau cuộc xung đột.
"Chúng tôi đánh giá tích cực về cách tiếp cận của Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Bắc Kinh thực sự hiểu nguyên nhân sâu xa và ý nghĩa địa chính trị toàn cầu của cuộc khủng hoảng", ông Putin nói.
Trước đó tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz về cuộc chiến ở Ukraine hôm 16/4, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đặt ra các nguyên tắc bổ sung nhằm khôi phục hòa bình, được coi là "những bước đi thực tế mang tính xây dựng" nhằm "phát triển ý tưởng về sự cần thiết phải vượt qua tâm lý chiến tranh lạnh".
Các nguyên tắc bổ sung của ông Tập Cận Bình kêu gọi "hạ nhiệt" tình hình, tạo điều kiện để lập lại hòa bình, tạo ổn định và giảm thiểu tác động đến kinh tế thế giới.
Cách đây hơn một năm, Bắc Kinh đã đưa ra một bản báo cáo 12 điểm về những nguyên tắc chung để chấm dứt xung đột. Thời điểm đó, bản báo cáo nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ cả Nga và Ukraine.
Tháng trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gọi đề xuất này là "kế hoạch hợp lý mà nền văn minh vĩ đại Trung Quốc đề xuất để thảo luận".
Trong khi đó, kế hoạch hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy kêu gọi Nga rút quân, khôi phục biên giới hậu Xô Viết năm 1991 và buộc Nga phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine dự kiến diễn ra ở Thụy Sĩ vào tháng 6 tới. Tuy nhiên, Nga không được mời tham gia và coi sáng kiến này là vô nghĩa, nói rằng các cuộc đàm phán phải tính đến "thực tế mới".
Ngọc Ánh (theo Tân Hoa Xã, Reuters)