Ông Putin và ông Macron nói gì sau gần hai năm không liên lạc?
Sau gần hai năm gián đoạn, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bất ngờ nối lại liên lạc qua cuộc điện đàm kéo dài hai giờ, hé lộ những tính toán ngoại giao mới liên quan đến Ukraine, Iran và an ninh châu Âu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm kéo dài hai tiếng vào ngày 1/7, đánh dấu lần trao đổi đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ tháng 9/2022. Cuộc trò chuyện tập trung vào ba vấn đề chính, gồm: tình hình tại Ukraine, căng thẳng giữa Iran và Israel, cùng tương lai của cấu trúc an ninh châu Âu.
Theo thông báo từ Điện Kremlin, Tổng thống Putin khẳng định xung đột ở Ukraine là hậu quả trực tiếp của các chính sách từ phương Tây trong nhiều năm qua. Ông cho rằng phương Tây đã phớt lờ lợi ích an ninh của Nga và thiết lập một thế trận đối đầu ngay sát biên giới. Ông Putin cũng nhấn mạnh bất kỳ giải pháp hòa bình nào phải mang tính toàn diện, lâu dài và dựa trên thực tế lãnh thổ hiện nay - đề cập đến các vùng mà Nga đã tuyên bố sáp nhập.
Phía Pháp tái khẳng định lập trường ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Tổng thống Macron kêu gọi lệnh ngừng bắn và khởi động tiến trình đàm phán hòa bình. Trước và sau cuộc điện đàm với ông Putin, ông Macron đã trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm phối hợp lập trường.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: TASS
Ngoài Ukraine, hai nhà lãnh đạo cũng bàn về căng thẳng tại Trung Đông, đặc biệt là mối quan hệ giữa Iran và Israel. Nga và Pháp đều đồng thuận ngoại giao là con đường duy nhất để tránh leo thang. Cả hai cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.
Tổng thống Putin tái khẳng định lập trường của Nga rằng Iran có quyền phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích dân sự, đồng thời kêu gọi Tehran tiếp tục thực hiện đầy đủ các cam kết theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và duy trì hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.
Về phía Pháp, Tổng thống Macron thể hiện mối lo ngại trước việc quốc hội Iran thông qua luật đình chỉ hợp tác với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc. Ông cho rằng cần có một giải pháp ngoại giao nghiêm túc, bao trùm cả chương trình hạt nhân, tên lửa và vai trò khu vực của Iran. Pháp đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết của việc Tehran hợp tác toàn diện với IAEA.
Đọc thêm: Canada xuống thang phút chót, ông Trump thắng thế trên mặt trận thuế số
Cuộc điện đàm lần này cũng phản ánh phần nào sự điều chỉnh trong cách tiếp cận của ông Macron. Sau giai đoạn khẳng định mạnh mẽ vai trò hậu thuẫn quân sự cho Ukraine, gần đây nhà lãnh đạo Pháp thừa nhận khả năng hỗ trợ đã đạt giới hạn. Ông kêu gọi châu Âu không tự đặt mình vào thế đối đầu vô tận và nên bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc nối lại đối thoại với Nga, hướng tới một giải pháp an ninh lâu dài.
Dù không đạt được bước đột phá cụ thể, việc hai nhà lãnh đạo tái thiết lập kênh liên lạc được đánh giá là cần thiết trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều bất ổn. Việc duy trì đối thoại giữa Pháp và Nga có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các sáng kiến ngoại giao trong thời gian tới.