Ông Putin vẫn băn khoăn về việc Chính phủ Nga cố gắng chiếm Kyiv 1 lần nữa
Tổng thống Putin cho biết ông đã phải đối mặt với một câu hỏi mà chỉ có ông mới có thể đưa ra câu trả lời: Liệu Nga có nên cố gắng chiếm Kyiv một lần nữa hay không?
Sau hơn 15 tháng kể từ khi Tổng thống Putin đưa quân tới Ukraine, các lực lượng của Nga và Ukraine vẫn đang đối đầu với pháo binh, xe tăng và máy bay không người lái trên một tiền tuyến dài 1000km, cách khá xa thủ đô Kyiv của Ukraine.
Liên tục nhắc tới từ “chiến tranh”, ông Putin đưa ra một loạt các cảnh báo cho các nước phương Tây, hàm ý Nga có thể sẽ phải đề ra một “khu vực khử trùng” trong Ukraine nhằm ngăn nước này tấn công Nga và cho biết chính quyền Moscow đang cân nhắc rút khỏi thỏa thuận về mua bán ngũ cốc trên Biển Đen.
Ông cho biết chính phủ Nga không cần tới thiết quân luật trên toàn quốc gia và sẽ tiếp tục phản ứng trước các hành vi vượt qua lằn ranh đỏ của họ. Theo ông Putin, nhiều cá nhân tại Mỹ không muốn xảy ra Thế Chiến thứ Ba, nhưng chính quyền Washington đã cho thấy họ không ngại để cho căng thẳng leo thang.
Tuy nhiên, phát biểu khó hiểu nhất của ông Putin là về thành phố Kyiv, một thành phố mà quân đội Nga đã thử chiếm và đã thất bại chỉ trong vài giờ sau khi ông ra lệnh cho binh lính tấn công Ukraine vào ngày 24/2/2022.
Trước 18 phóng viên chiến trường và blogger quân sự có mặt tại điện Kremlin, ông đã phát biểu: “Chúng ta có nên quay lại đó hay không? Tại sao tôi lại phải đặt ra câu hỏi này?”
Ông tiếp tục: “Chỉ có tôi mới có thể trả lời được câu hỏi đó”. Những bình luận này của ông về Kyiv cùng với các câu trả lời kéo dài khác trong nhiều giờ đồng hồ được phát trên kênh truyền hình quốc gia.
Binh lính Nga đã bị đẩy lùi khỏi Kyiv và rút về một dải đất về phía Đông và phía Nam Ukraine, những vùng lãnh thổ mà ông Putin tuyên bố hiện tại thuộc về Nga. Chính phủ Ukraine đã tuyên bố sẽ không ngừng chiến đấu cho tới khi họ đẩy lùi hoàn toàn các binh lính Nga khỏi lãnh thổ của họ.
Trong tháng 9/2023, ông Putin đã đưa ra lệnh “điều động một phần” tới 300 ngàn binh lính dự bị, dẫn tới một cuộc tháo chạy bởi ít nhất một lượng tương đương các nam giới từ Nga muốn né tránh lệnh quân dịch bằng cách bỏ trốn sang các nước cộng hòa thuộc Liên Xô (cũ).
Khi được hỏi về khả năng sẽ phải đưa ra thêm lệnh điều động bởi phóng viên chiến trường Alexander Sladkov, ông Putin cho biết: “Hiện tại chưa cần tới quyết định đó”.
Lệnh điều động
Tuy nhiên, lãnh đạo tối cao của Nga này không hoàn toàn dứt khoát về vấn đề đó, ông cho biết việc đưa ra quyết định trên sẽ tùy thuộc vào mục tiêu của Chính phủ Nga và chỉ ra một số các cá nhân nổi trội tin rằng Nga cần thêm 1 triệu hay thậm chí 2 triệu binh lính nữa.
“Quyết định đó sẽ tùy vào mục tiêu của chúng tôi”.
Mặc dù Nga đang kiểm soát 18% lãnh thổ của Ukraine, cuộc xung đột này này đã cho thấy những điểm yếu trong lực lượng vũ trang từng được coi là hùng mạnh nhất thế giới, và tổn thất về mặt con người trong những trận chiến tại các khu vực dân cư như Bakhmut, một thành phố nhỏ miền Đông Ukraine với kích cỡ bằng một phần hai mươi thủ đô Kyiv.
Ông Putin cho biết cuộc xung đột này đã cho thấy Nga thiếu các loại đạn dược có độ chính xác cao và các trang thiết bị liên lạc tinh vi.
Ông cho biết Nga đã thiết lập bộ máy điều hành đối với “gần như toàn bộ” vùng lãnh thổ mà ông gọi là “Novorossiya” hay “Nga Mới”, một thuật ngữ hoàng gia từ thời các Sa Hoàng về vùng lãnh thổ phía Nam Ukraine hiện đang được kiểm soát bởi các lực lượng thân Nga.
Ông cũng đã cho biết Nga sẽ không thay đổi mục tiêu tại Ukraine.
Theo ông, các kế hoạch trong tương lai về Ukraine của chính phủ Nga sẽ được quyết định sau khi cuộc phản công của Chính phủ Ukraine được bắt đầu vào ngày 4/6 vừa kết thúc.
Ông cho biết cuộc tiến công của Ukraine đã không đạt được thành công nào, và con số thương vong từ phía Ukraine lớn gấp 10 lần con số từ phía Nga.
Ông cho biết Ukraine đã để mất hơn 160 xe tăng và khoảng 25 tới 30% tổng số xe thiết giáp được cung cấp bởi ngoại quốc, trong khi Nga mới chỉ mất 54 xe tăng. Chính phủ Ukraine đã cho biết họ đã gặt được một số thành công trong cuộc phản công.
Reuters vẫn chưa thể xác minh độc lập tính chính xác của các tuyên bố về chiến trường từ cả hai nước.
Ông Putin cũng khẳng định chính phủ Ukraine đã cố tình tấn công đập thủy điện Kakhovka
vào ngày 6/6 bằng các tên lửa HIMARS mà Mỹ cung cấp, một quyết định mà ông tin rằng cũng đã ngăn cản hoạt động phản công của chính quyền Kyiv. Ngược lại, chính phủ Ukraine khẳng định Chính phủ Nga đã phá hủy đập này, sau khi quân đội Nga chiếm được đập trong thời kỳ đầu của cuộc chiến.
Ông Putin cho biết Nga cần phải đối đầu với các gián điệp của kẻ thù và nâng cao khả năng đối phó với các cuộc tấn công xảy ra sâu trong lãnh thổ của nước này, nhưng hiện tại chưa cần phải đưa ra lệnh thiết quân luật như Ukraine đã làm.
“Không có lý do gì khiến phải đặt ra một chế độ đặc biệt hay lệnh thiết quân luật trong nước cả. Hiện tại chúng ta chưa cần những điều đó”.
Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)