Ông Tám Châu - người 'đánh bạc' với nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao
Nghị quyết 08-NQ/TU về Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp như đòn bẩy đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững. Từ đó, chất lượng nông sản nâng cao, nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp ứng dụng khoa học - kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường, đời sống nông dân được nâng lên. Nhiều nông dân năng động, nhạy bén, mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng khâu liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Tám Châu (ông Nguyễn Văn Khải, ngụ xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) - 1 trong 63 gương “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021” của cả nước vừa được vinh danh là một điển hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
“Nghĩ lại thấy mình thật sự liều”
Đến tham qua mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, chúng tôi hiểu hơn về câu chuyện ông Tám Châu “đánh bạc” với nghề nuôi tôm ƯDCNC. Nhìn 4ha tôm với 10 ao nuôi đã được thả giống lại sau 5 tháng trơ đáy vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, những giàn sục khí dưới ao tôm đang hoạt động hết công sức, tung bọt trắng xóa, mới cảm nhận được sức sáng tạo, sự tâm huyết và niềm đam mê của ông Tám Châu.
Người nuôi tôm công nghệ cao ở tỉnh không ai không biết đến danh tiếng của ông Nguyễn Văn Khải - một nhà nông ngoài sự cần cù, ham học hỏi... còn có chút “máu liều”. Bởi nhờ liều “đánh bạc” với nghề nuôi tôm, nhất là nuôi tôm ƯDCNC mà ông có thu nhập tiền tỉ mỗi năm.
“20 năm trước, năm 1997, Nhà nước khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhân cơ hội đó, tôi khởi nghiệp nuôi tôm. Vì mê nuôi tôm nên tôi quyết định dẹp xưởng đóng ghe, tàu - nghề truyền thống của gia đình, để bước vào nghề nuôi tôm với hai bàn tay trắng: Không vốn liếng, không đất đai và không kỹ thuật. Nghĩ lại thấy mình “thật sự liều”!” - ông Tám Châu bộc bạch.
Nhà không có đất, ông Tám Châu thuê đất để nuôi tôm. Thiếu vốn, ông đi vay ngân hàng,... Có được 0,3ha đất lúa thuê, ông Tám Châu chuyển sang nuôi tôm sú quảng canh. Mô hình “Nuôi tôm quảng canh lúc bấy giờ là kiểu nuôi bạo phát, bạo tàn. Phải đủ máu liều, đánh mạnh mới thắng” - ông nhớ lại. Và mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông còn lời 80 triệu đồng.
Năm 2000, ông mạnh dạn đầu tư nuôi tôm bán công nghiệp. Để chuẩn bị cho cuộc “chơi lớn” này, ông Tám Châu thuê thêm 2ha đất. Năm 2010, ông Tám Châu quyết định nuôi tôm công nghiệp. Ông bỏ vốn lắp bình điện hạ thế để nuôi tôm, mua máy cho tôm ăn,... Thời điểm bấy giờ, đây là mô hình nuôi tôm công nghiệp đầu tiên ở vùng hạ. Không dừng lại ở đó, năm 2018, ông Tám Châu thực hiện mô hình nuôi tôm lót bạt ao nuôi và che kín khu ao nuôi bằng lưới.
Và hiện nay, ông Tám Châu đang thử nghiệm mô hình nuôi tôm công nghệ cao 3 giai đoạn. Với 200m2 ao ươm, mật độ 1 triệu con/m2, 1.000m2 ao nuôi với 400-600 con/m2, 1.000m2 ao nuôi với 70 - 150 con/m2 và khoảng 2.000m2 ao lắng, sau khoảng 80 ngày thả nuôi, tôm cho thu hoạch với sản lượng trung bình hơn 3 tấn/ao. Mỗi năm thu hoạch 60 - 70 tấn tôm, có lợi nhuận hàng tỉ đồng. “Nuôi tôm công nghệ cao cũng phải có chút “máu liều” mới thành công” - ông Tám Châu nói chắc nịch.
“So với nuôi truyền thống, mô hình nuôi tôm công nghệ cao mang lại hiệu quả cao hơn. Tôm nuôi trong mô hình được cung cấp oxy dồi dào, lớn nhanh, ít xảy ra dịch bệnh, giảm hiện tượng chết sớm, giúp giảm chi phí thả nuôi so với nuôi truyền thống khoảng 3 lần” - ông Tám Châu chia sẻ.
Sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ người nuôi tôm
Khi nuôi tôm ƯDCNC thành công, ông sẵn sàng hỗ trợ những nông dân khác. “Hồi xưa, ở đây không ai dám nuôi tôm. Người dân thấy tôi nuôi tôm thành công cũng làm theo. Thấy vậy, tôi hỗ trợ kỹ thuật, thậm chí vốn” - ông Tám Châu bộc bạch.
Từ thành công này, ông Tám Châu chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người nuôi tôm. Có khoảng 20 hộ nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn được ông Tám Châu hỗ trợ kinh nghiệm. Với quy mô nuôi tôm như hiện nay, hàng năm, ông tạo việc làm thường xuyên cho 7 - 10 nhân công với tiền công 400.000 đồng/ngày/người.
Ngoài ra, ông Tám Châu còn tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội: Vận động hội viên nông dân tham gia phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; tham gia tổ hợp tác, câu lạc bộ nuôi thủy sản;... Bên cạnh đó, ông Tám Châu còn tích cực đóng góp xây dựng cầu giao thông, tặng sách, vở cho học sinh nghèo, làm bếp ăn từ thiện, đóng góp Quỹ Hỗ trợ nông dân,... Với những thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất và đóng góp vào phong trào thi đua của địa phương, ông Tám Châu được UBND tỉnh tặng bằng khen nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm liền.
Ông Tám Châu là một điển hình tiêu biểu cho sự thành công của việc ƯDCNC vào sản xuất nông nghiệp, nhất là trên con tôm. Mặc dù đã khẳng định tính hiệu quả kinh tế nhưng hiện nay, việc ứng dụng khoa học - công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nhất là nuôi tôm ở tỉnh vẫn còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân sản xuất nông nghiệp ƯDCNC chưa mạnh, đó là: Vốn đầu tư lớn, nguồn vốn hỗ trợ cho các mô hình ƯDCNC chỉ đáp ứng được một phần. Đó cũng là nỗi trăn trở của các cấp Hội Nông dân trong việc tìm giải pháp để tháo gỡ nhằm phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong thời gian tiếp theo.
“Nuôi tôm có năm lời mấy tỉ, có khi chỉ vài ba trăm triệu đồng. Nhưng cái chính là nhờ nuôi tôm đã đem lại sự thành công mỹ mãn cho cuộc đời và gia đình tôi” - ông Tám Châu bộc bạch./.