Ông Trump có thể giải thể Bộ Giáo dục Mỹ như cam kết tranh cử?

Khi vận động tái tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024, ông Donald Trump đã đưa ra lời hứa táo bạo trước các cử tri là sẽ giải thể Bộ Giáo dục và trao cho các bang toàn quyền kiểm soát giáo dục nếu thắng cử.

Tổng thống Donald Trump không nêu rõ cách thức có thể bãi bỏ cơ quan cấp nội các, nhưng theo luật pháp Mỹ, mình tổng thống không thể bãi bỏ một bộ, khiến việc xóa bỏ Bộ Giáo dục trở thành nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Việc thành lập hoặc giải thể một cơ quan cần sự phê duyệt của Quốc hội.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: New York Times

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: New York Times

Tuy nhiên, lời cam kết táo bạo lúc tranh cử của ông Trump đang thu hút sự chú ý của dư luận khi tờ Wall Street Journal mới đây trích dẫn một số nguồn thạo tin tiết lộ, các cố vấn của lãnh đạo Nhà Trắng mới nhậm chức nhiệm kỳ 2 đã thảo luận về một sắc lệnh hành pháp chấm dứt mọi chức năng không được ghi rõ trong luật định của Bộ Giáo dục hoặc chuyển một số chức năng nhất định của bộ này sang các bộ khác.

Tính khả thi của đề xuất

Bộ Giáo dục có khoảng 4.000 nhân viên, phân bổ tài trợ của chính quyền liên bang cho các trường học thông qua những chương trình cụ thể, chủ yếu dành cho các học sinh thuộc gia đình thu nhập thấp và học sinh khuyết tật, đồng thời đưa ra một số chỉ thị chính sách cho các chương trình đó. Bộ cũng quản lý hồ sơ sinh viên vay vốn trên toàn quốc và giám sát một số chính sách về quyền công dân liên quan đến giáo dục, chẳng hạn như Đạo luật IX.

Theo báo Guardian, phần lớn giáo dục ở Mỹ nằm dưới sự quản lý của các địa phương. Hầu hết nguồn tài trợ đến từ các nguồn của bang và đơn vị hành chính nhỏ hơn. Các cơ quan lập pháp cấp bang, cơ quan giáo dục và hội đồng nhà trường đặt ra hầu hết các tiêu chuẩn và chính sách cho những trường học tại địa phương của họ. Tuy nhiên, việc giải thể Bộ Giáo dục là một chủ đề thảo luận suốt một thời gian dài, báo hiệu mong muốn cải tổ giáo dục công lập và đối với một số người là giảm ưu tiên cho các trường công.

Phe bảo thủ đã kêu gọi giải thể Bộ Giáo dục kể từ khi cơ quan này được Tổng thống Dân chủ Jimmy Carter thành lập vào năm 1979. Ông Carter cũng là người đã xóa bỏ Bộ Y tế, Giáo dục và Phúc lợi vào thời điểm ấy. Tổng thống Ronald Reagan, người kế nhiệm ông Carter, đã kêu gọi giải thể bộ mới nhưng thất bại. Các nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu này thường không đạt đến cuộc bỏ phiếu phê chuẩn.

Đối với đảng Cộng hòa của ông Trump, Bộ Giáo dục là ví dụ về sự can thiệp quá mức của chính phủ liên bang và bộ máy quan liêu không cần thiết. Bộ này cũng bị coi là tạo ra "tuyến đường VIP" cho các công đoàn giáo viên và nhóm ủng hộ giáo dục vận động hành lang cũng như có kênh liên lạc ngược với chính phủ liên bang.

Về cơ bản, Hiến pháp Mỹ không đề cập rõ ràng việc giáo dục thuộc phạm vi quản lý của chính quyền liên bang. Song, các học giả cho biết, chính quyền liên bang hiện có vai trò đảm bảo các học sinh có "quyền tiếp cận những cơ hội giáo dục tuyệt vời", bất kể xuất thân của họ. Chính quyền cũng có vai trò rõ ràng trong việc duy trì quyền công dân trong trường học.

Một số nhà phân tích nhận định, bất chấp các nỗ lực bền bỉ nhằm giải thể Bộ Giáo dục của phe bảo thủ, cơ quan này có lẽ sẽ không biến mất dưới thời Tổng thống Trump, trừ khi thủ tục tranh luận không ngừng (filibuster) bị bãi bỏ.

Để một luật được Thượng viện Mỹ phê chuẩn, cần có phiếu ủng hộ của ít nhất 60 trong tổng số 100 thượng nghị sĩ vì các nhà lập pháp có thể sử dụng thủ tục filibuster để trì hoãn một dự luật vô thời hạn. Trong khi đó, đảng Cộng hòa đang nắm 53 ghế tại Thượng viện, chưa đủ để vượt qua ngưỡng cản filibuster.

Những thay đổi không chỉ giới hạn trong phạm vi bộ

Rick Hess, giám đốc nghiên cứu chính sách giáo dục tại Viện Doanh nghiệp Mỹ cho rằng, sẽ không có gì thay đổi trừ khi Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua việc cắt giảm hoặc xóa bỏ hoàn toàn nguồn tài trợ cho các chương trình giáo dục khác nhau.

Ông Hess cho hay, thay vì các chương trình liên bang, đảng Cộng hòa đã đề xuất gửi cho các bang một khoản tiền dưới dạng cấp bù ngân sách địa phương không ràng buộc để giảm đáng kể số ràng buộc với liên bang và đòi hỏi ít quan chức hơn.

Tuy nhiên, Kelly Rosinger, giáo sư tại khoa nghiên cứu chính sách giáo dục tại Đại học bang Pennsylvania cảnh báo, việc giải thể Bộ Giáo dục không chỉ mang tính biểu tượng mà dự kiến cũng sẽ gây ra những thay đổi lớn đối với giáo dục phổ thông và giáo dục đại học trên khắp cả nước. Ví dụ, những chương trình không tài trợ trực tiếp cho học sinh, như chương trình hướng đến đào tạo giáo viên, có thể bị cắt giảm. Các kế hoạch xóa nợ và hoàn trả nợ vay của sinh viên do cựu Tổng thống Joe Biden thực hiện có thể bị ông Trump bãi bỏ.

Các chính sách được thiết kế để thúc đẩy công bằng chủng tộc và xóa bỏ phân biệt đối xử về giới tính có khả năng nằm trong tầm ngắm của đảng Cộng hòa. Điều này có nguy cơ cao thành hiện thực khi mới trong ngày đầu nhậm chức, ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp chỉ công nhận hai giới tính sinh học là nam và nữ và hôm 5/2 đã ban hành sắc lệnh cấm vận động viên chuyển giới tham gia các môn thể thao nữ, đồng thời yêu cầu ủy ban Olympic điều chỉnh quy định liên quan.

Dự án 2025 được ông Trump ủng hộ đã đề xuất nhiều cách khác nhau để mở rộng quyền giám sát của cha mẹ đối với việc giáo dục con cái có thể sẽ được đưa ra thảo luận. Nhiều ý kiến lo ngại, các chính sách do dự án đề xuất sẽ khiến công chúng "mất niềm tin giáo dục công lập có thể thực hiện trọng trách mà chính quyền liên bang, các bang và địa phương đang hỗ trợ và sẽ tạo căn cứ để cắt giảm thêm ngân sách cho các trường công và cao đẳng".

Tuấn Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ong-trump-co-the-giai-the-bo-giao-duc-my-nhu-cam-ket-tranh-cu-2368951.html