Vấn đề người di cư: Ngăn chặn 201 người trên tuyến di cư thuộc nhóm nguy hiểm nhất thế giới

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, hải quân Senegal vừa chặn giữ 201 người di cư đến từ khu vực Tây Phi trên tuyến đường vượt Đại Tây Dương đến châu Âu, một trong những tuyến di cư trái phép nguy hiểm nhất thế giới.

Người di cư chờ tàu cứu hộ trên Địa Trung Hải. Ảnh tư liệu: AP/TTXVN

Người di cư chờ tàu cứu hộ trên Địa Trung Hải. Ảnh tư liệu: AP/TTXVN

Thông báo từ Bộ chỉ huy Thông tin và Quan hệ công chúng của Quân đội Senegal (DIRPA) cho biết có 69 người bị bắt giữ trên đất liền và 132 người bị chặn lại trên thuyền gỗ nhỏ vào tối 9/7 tại khu vực châu thổ Saloum, một điểm khởi hành phổ biến của những người di cư trái phép. Những người bị bắt giữ mang nhiều quốc tịch khác nhau ở Tây Phi, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em.

Các tổ chức cứu trợ tại quần đảo Canary của Tây Ban Nha cho biết trước đây phần lớn người di cư là nam giới trẻ nhưng hiện nay có nhiều phụ nữ và trẻ em, bất chấp những nguy hiểm lớn luôn rình rập họ trên suốt hành trình. Từ năm 2020 đến nay, tuyến di cư từ Tây Phi qua Đại Tây Dương đến quần đảo Canary có xu hướng gia tăng trở lại. Số liệu từ Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cho thấy trong năm ngoái có gần 47.000 người di cư đã cập bến Canary, tăng so với con số khoảng 40.000 người của năm trước đó. Theo tổ chức Walking Borders của Tây Ban Nha, mỗi năm có hàng nghìn người chết trên tuyến đường di cư này, đánh dấu đây là một trong những tuyến di cư nguy hiểm nhất thế giới.

Để ngăn chặn làn sóng vượt biển vào châu Âu, năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) đã ký thỏa thuận trị giá 210 triệu euro (khoảng 245 triệu USD) với Mauritania để triệt phá các đường dây buôn người từ nước này đến Tây Ban Nha. Tuy nhiên đến nay thỏa thuận vẫn chưa mang lại hiệu quả rõ rệt.

Trong khi đó, tại Senegal, mùa Đông thường là thời điểm gia tăng số người di cư bằng đường biển do sóng yên hơn, mặc dù các thời điểm khác trong năm cũng có rất nhiều người di cư mạo hiểm ra đi tìm vùng đất mới. Nhiều tàu, thuyền đã mất tích không để lại dấu vết, hoặc có khi phải vài tháng sau mới có các mảnh vỡ trôi dạt đến các vùng biển khác. Dù vậy, số lượng người di cư vẫn không ngừng tăng lên và mở rộng thêm nhiều đối tượng, từ người dân các quốc gia Tây Phi vốn chạy trốn khỏi đói nghèo và bạo lực đến người dân Pakistan, Bangladesh, Yemen, Syria và Afghanistan.

Tại Hy Lạp, hơn 500 người di cư đã cập cảng Lavrio ở gần thủ đô Athens trong ngày 11/7, sau khi bị lực lượng chức năng nước này chặn giữ ở khu vực phía Nam đảo Crete.

Theo nhà chức trách, nhóm người di cư chủ yếu là nam giới trẻ, đã được chuyển sang một tàu hàng lớn trong đêm sau khi tàu đánh cá chở họ bị phát hiện và chặn giữ. Theo kế hoạch, những người này sẽ được chuyển tới các cơ sở tạm giữ ở gần thủ đô Athens do các trung tâm tiếp nhận tạm thời trên đảo Crete đã quá tải. Vài ngày gần đây, mỗi ngày đảo này có khoảng 500 người di cư cập bến.

Gần đây, Chính phủ Hy Lạp triển khai nhiều biện pháp khẩn cấp để ứng phó với làn sóng vượt biển gia tăng từ Libya qua Địa Trung Hải. Thủ tướng nước này Kyriakos Mitsotakis hôm 10/7 thông báo các cơ quan chức năng sẽ tạm dừng 3 tháng việc xử lý đơn xin tị nạn của những người từ Bắc Phi tới bằng đường biển.

Nguyễn An (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/van-de-nguoi-di-cu-ngan-chan-201-nguoi-tren-tuyen-di-cu-thuoc-nhom-nguy-hiem-nhat-the-gioi-20250711162645496.htm