Ông Trump ký sắc lệnh siết hoạt động bỏ phiếu: Tác động ra sao?
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh siết hoạt động bỏ phiếu dẫn đến một số thay đổi trước thềm bầu cử giữa kỳ năm 2026.
Ngày 25-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh mới mà ông cho là nhằm thắt chặt quy tắc bầu cử trước thềm bầu cử giữa kỳ năm 2026. Sắc lệnh siết hoạt động bỏ phiếu đề cập đến một cáo buộc mà ông thường xuyên đưa ra về tình trạng gian lận bầu cử quy mô lớn.
Sắc lệnh siết hoạt động bỏ phiếu có tên “Bảo vệ và gìn giữ sự liêm chính của các cuộc bầu cử Mỹ”, đã đưa ra các yêu cầu khắt khe hơn mà cử tri phải đáp ứng để có thể bỏ phiếu.
Dưới đây là những nội dung chính của sắc lệnh siết hoạt động bỏ phiếu, theo kênh Al-Jazeera.

Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi ký sắc lệnh mới tại Nhà Trắng, thủ đô Washington D.C (Mỹ) ngày 25-3. Ảnh: GETTY IMAGES
Yêu cầu chứng minh quốc tịch
Để ngăn chặn người không phải công dân Mỹ tham gia bầu cử - một hành vi vốn đã bị cấm và có thể bị phạt tù hoặc trục xuất, sắc lệnh siết hoạt động bỏ phiếu yêu cầu cử tri phải xuất trình giấy tờ chứng minh quốc tịch Mỹ hợp lệ, chẳng hạn hộ chiếu Mỹ hoặc giấy khai sinh.
Các cơ quan liên bang, bao gồm Bộ An ninh Nội địa, sẽ phải chia sẻ dữ liệu để hỗ trợ quan chức bang xác định những người không phải công dân có tên trong danh sách cử tri. Tuy nhiên, các tổ chức bảo vệ quyền bầu cử lo ngại rằng quy định này có thể khiến nhiều người dân bị tước quyền bỏ phiếu.
“Quy định này chỉ ngăn chặn được một số rất ít trường hợp người không phải công dân đăng ký bầu cử, nhưng lại có thể khiến hàng triệu cử tri hợp pháp – những người không dễ dàng tiếp cận các giấy tờ như hộ chiếu – không thể đăng ký bỏ phiếu” - ông Richard Hasen, chuyên gia luật bầu cử tại ĐH California (Mỹ), nhận định.
Bên cạnh đó, cũng có lo ngại rằng những phụ nữ đã kết hôn và đổi họ có thể gặp khó khăn khi đăng ký bỏ phiếu, do giấy khai sinh của họ vẫn ghi tên lúc chưa kết hôn.
Nhóm vận động Public Citizen chỉ ra rằng khoảng 146 triệu người Mỹ hiện không sở hữu hộ chiếu.
Thời hạn nhận phiếu bầu
Theo sắc lệnh mới, tất cả các lá phiếu gửi qua thư phải được nhận trước hoặc trong Ngày Bầu Cử mới được tính, nhằm thống nhất quy trình bầu cử trên toàn quốc.
Hiện tại, các bang có quyền tự quyết lớn trong việc tổ chức bầu cử, dẫn đến sự khác biệt đáng kể trong cách thức triển khai phiếu bầu qua thư. Tuy nhiên, không có bang nào cho phép kiểm phiếu nếu phiếu được gửi đi sau Ngày Bầu Cử.
Theo Hội nghị Quốc gia về Cơ quan Lập pháp bang (NCSL), hiện có 18 bang – bao gồm các bang chiến địa – vẫn chấp nhận phiếu bầu qua thư đến sau Ngày Bầu Cử, miễn là chúng được đóng dấu bưu điện vào hoặc trước ngày Ngày Bầu Cử. California - bang đông dân nhất nước Mỹ - thường bị chỉ trích vì quy trình kiểm phiếu kéo dài. Bang này cho phép kiểm đếm phiếu trong vòng bảy ngày sau bầu cử, miễn là phiếu được đóng dấu bưu điện trước hoặc trong Ngày Bầu Cử.

Nhân viên bầu cử kiểm phiếu tại TP Milwaukee, bang Wisconsin (Mỹ) vào tháng 11-2024. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Điều kiện tài trợ liên bang
Các bang không tuân thủ sắc lệnh siết hoạt động bỏ phiếu có nguy cơ mất nguồn tài trợ liên bang dành cho bầu cử.
“Bộ Tư pháp sẽ có hành động phù hợp đối với các bang kiểm phiếu sau Ngày Bầu Cử trong các cuộc bầu cử liên bang. Việc tài trợ bầu cử từ liên bang sẽ phụ thuộc vào mức độ tuân thủ” - sắc lệnh nêu rõ.
Việc tài trợ cho chiến dịch bầu cử diễn ra ở cả cấp liên bang, tiểu bang và địa phương, với nguồn kinh phí đến từ cá nhân, doanh nghiệp, ủy ban hành động chính trị (PACs) và trong một số trường hợp đến từ chính phủ.
Vào tháng 3-2024, quốc hội Mỹ đã phân bổ 55 triệu USD tài trợ liên bang mới cho các bang theo Đạo luật Trợ giúp Nước Mỹ Bỏ Phiếu (HAVA) nhằm cải thiện công tác tổ chức và bảo mật bầu cử liên bang.
Khoản tài trợ này được phân bổ cho tất cả các bang và vùng lãnh thổ Mỹ theo công thức định sẵn, dựa trên các yếu tố như quy mô dân số trong độ tuổi bầu cử.
Chia sẻ dữ liệu và truy tố
Sắc lệnh của Tổng thống Trump cũng yêu cầu Bộ trưởng An ninh Nội địa Kristi Noem đảm bảo rằng các bang có quyền truy cập vào hệ thống có khả năng xác minh tình trạng công dân hoặc tình trạng nhập cư của những người đăng ký bỏ phiếu.
Ngoài ra, Bộ An ninh Nội địa, phối hợp với một quan chức thuộc Bộ Hiệu suất Chính phủ (DOGE) do tỉ phú Elon Musk lãnh đạo, sẽ rà soát danh sách cử tri ở các bang – và nếu cần thiết, sử dụng trát hầu tòa để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn liên bang.
Các chuyên gia cảnh báo sắc lệnh của ông Trump nhiều khả năng sẽ đối mặt các vụ kiện vì hiến pháp Mỹ trao quyền tổ chức bầu cử cho các bang.
Người đứng đầu Sở Ngoại vụ bang Arizona - ông Adrian Fontes cho biết ông và Tổng chưởng lý bang Kris Mayes đã bắt đầu thảo luận về khả năng đệ đơn kiện, gọi sắc lệnh này là “một nỗ lực liên bang hóa bầu cử”.
Ông Fontes nhận định sắc lệnh có thể nhằm tạo ra ảo tưởng về sai phạm trong quá trình bầu cử, từ đó có thể biện minh cho việc “hủy bỏ cuộc bầu cử sau này”.
“Đây là một chiến lược bài bản và vô cùng nguy hiểm. Điều quan trọng không chỉ là nội dung sắc lệnh, mà còn là mục tiêu cuối cùng của nó” - ông Fontes nói.