Ông Trump lại hối thúc Fed cắt giảm lãi suất, tới hơn 3%
Tổng thống Donald Trump lại tiếp tục công kích chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), lần này bằng cách gửi cho Chủ tịch Jerome Powell một bảng tổng hợp lãi suất các ngân hàng trung ương toàn cầu, và cho rằng Mỹ nên có lãi suất nằm giữa mức 0,5% của Nhật Bản và 1,75% của Đan Mạch. Ông Trump cũng nhấn mạnh ông Powell lại 'quá chậm như thường lệ'.

Tổng thống Mỹ Donald Trump
“Ông nên giảm lãi suất thật mạnh. Hàng trăm tỷ USD đang bị mất đi”, Trump viết trong tờ ghi chú gửi kèm, sau đó đăng tải lên mạng xã hội với tuyên bố rằng nghề ngân hàng trung ương “một trong những công việc vừa dễ dàng vừa danh giá nhất tại Mỹ, nhưng họ đã THẤT BẠI… Chúng ta nên trả lãi suất 1%, hoặc thấp hơn”.
Lãi suất chính sách 1% trong quá khứ thường gắn liền với giai đoạn kinh tế tăng trưởng yếu hoặc suy thoái và lạm phát thấp.
Cũng như nhiều lần trước, ông Trump dường như đánh đồng lãi suất chính sách ngắn hạn của Fed với lãi suất thị trường - mức lợi suất mà nhà đầu tư yêu cầu để nắm giữ trái phiếu Mỹ - vốn chịu ảnh hưởng từ Fed nhưng cũng phản ánh kỳ vọng về tăng trưởng, lạm phát, địa chính trị và niềm tin thể chế.
Với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp và lạm phát vượt mục tiêu 2%, Fed hiện vẫn thận trọng chưa cắt giảm lãi suất khỏi biên độ 4,25%-4,5%, trừ khi rõ ràng chính sách thuế của Trump không gây ra áp lực giá mới.
Trong khi các quan chức Fed vẫn giữ quan điểm dè dặt trong ngày thứ Hai, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent bắt đầu bàn bạc kế hoạch thay thế ông Powell khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 5 năm sau.
Ông Trump không thể sa thải ông Powell chỉ vì bất đồng chính sách, nhưng tuần trước ông đã công khai kêu gọi ông Powell từ chức.
Khác với lập trường gây áp lực chính trị, ông Bessent hướng đến một quy trình chuyển giao quyền lực theo lộ trình truyền thống, thay vì can thiệp thông qua việc sớm bổ nhiệm một “chủ tịch trong bóng tối”.
Thống đốc Christopher Waller, được coi là một ứng viên tiềm năng và hiện là thành viên Hội đồng và đang tham gia hoạch định chính sách. Trong khi đó, các ứng viên như cựu Thống đốc Kevin Warsh vẫn phải chờ đợi đến khi có ghế trống và được Thượng viện phê chuẩn.
Dữ liệu mùa hè là yếu tố then chốt
Mặc dù áp lực từ ông Trump có thể khiến quá trình điều trần phê chuẩn chủ tịch Fed tiếp theo trở nên khó khăn do Fed vốn phải độc lập với chính trị, nhưng các dữ liệu kinh tế sắp tới sẽ là yếu tố quyết định xem căng thẳng giữa Nhà Trắng và Fed sẽ leo thang hay dịu bớt.
Giới đầu tư hiện kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 và tiếp tục hạ trong các kỳ tiếp theo. Goldman Sachs trước đây cho rằng Fed sẽ chờ đến cuối năm mới hành động, nay cũng đã điều chỉnh dự báo, kỳ vọng lần cắt giảm đầu tiên diễn ra ngay tháng 9.
“Chúng tôi từng nghĩ rằng tác động của thuế lên lạm phát trong mùa hè sẽ khiến Fed khó cắt giảm (lãi suất) sớm. Nhưng dữ liệu ban đầu cho thấy tác động đó nhẹ hơn dự kiến, trong khi các yếu tố giảm phát khác lại mạnh hơn”, nhóm chuyên gia kinh tế của Goldman viết và thêm rằng: “Chúng tôi tin rằng Fed cũng chia sẻ quan điểm này - thuế chỉ gây tác động một lần lên mặt bằng giá”.
Ông Waller từng nói rằng Fed có thể cắt lãi suất sớm nhất ngay trong kỳ họp tháng 7, và tạm dừng nếu lạm phát tăng trở lại.
Fed sẽ nhận được báo cáo việc làm tháng 6 vào thứ Năm tới, một dữ liệu quan trọng cho thấy thị trường lao động có đang suy yếu hay không, từ đó làm rõ khả năng cắt giảm lãi suất sớm. Dữ liệu lạm phát mới cũng sẽ được công bố vào tuần tới.
Ngày 9/7 cũng là mốc quan trọng với Fed, khi thời hạn tạm hoãn một số thuế quan của Trump kết thúc. Hiện vẫn chưa rõ liệu thuế nhập khẩu sẽ tăng mạnh hay chương trình của Trump sẽ tiếp tục được hoãn để chờ thêm đàm phán.
Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic hôm thứ Hai nhắc lại rằng ông dự báo Fed sẽ chỉ cắt lãi suất một lần trong năm nay và cho rằng chưa cần hành động vội.
“Tôi cho rằng chúng ta vẫn còn dư địa để kiên nhẫn vì thị trường lao động vẫn khá vững”, ông Bostic phát biểu tại sự kiện do Market News International tổ chức.
“Tôi tin rằng giá cả vẫn còn nhiều điều phải phản ánh ,vấn đề không phải là có hay không, mà là khi nào. Sẽ cần thêm thời gian để có câu trả lời rõ ràng”, ông nói thêm.