Ông Trump muốn gây áp lực tối đa, ép xuất khẩu dầu của Iran về con số 0

Ngày 4/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khôi phục lại chiến dịch gây áp lực tối đa đối với Iran trong đó có việc ép xuất khẩu dầu của nước này về con số 0 nhằm ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân.

Quyết tâm ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân

Theo hãng tin Reuters, trước thềm cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ông Trump đã ký một bản ghi nhớ về việc tái áp đặt chính sách cứng rắn của Washington nhằm vào Iran từng được triển khai trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên của ông.

Xuất khẩu dầu của Iran sẽ chịu tác động rất lớn từ các biện pháp cứng rắn mà ông Trump đề ra (Đồ họa: AP).

Xuất khẩu dầu của Iran sẽ chịu tác động rất lớn từ các biện pháp cứng rắn mà ông Trump đề ra (Đồ họa: AP).

Trong bản ghi nhớ, Tổng thống Trump yêu cầu Bộ trưởng Tài chính Mỹ gây áp lực kinh tế ở mức tối đa lên Iran, bao gồm triển khai các biện pháp trừng phạt và thực thi nghiêm ngặt đối với những tổ chức vi phạm lệnh cấm vận hiện tại.

Cũng trong bản ghi nhớ, ông Trump chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ thực hiện chiến dịch nhằm đẩy xuất khẩu dầu của Iran về con số 0.

Tổng thống Trump mô tả đây là động thái rất mạnh tay và thừa nhận ông đã hết sức đắn đo trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Song, ông Trump bày tỏ sẵn sàng đàm phán với Tehran nhằm mở ra khả năng đạt được một thỏa thuận.

"Với tôi, vấn đề rất đơn giản: Iran không thể sở hữu vũ khí hạt nhân”, ông Trump tuyên bố. Khi được hỏi Iran đang tiến gần đến vũ khí hạt nhân đến mức độ nào, ông Trump khẳng định Tehran đã tiến quá gần.

Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Iran đã đẩy mạnh đáng kể việc làm giàu uranium lên tới 60%, gần đạt mức 90% cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Tehran luôn phủ nhận việc có ý định phát triển loại vũ khí này.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ ước tính, xuất khẩu dầu mang lại cho Iran tới 53 tỷ USD vào năm 2023 và 54 tỷ USD trong năm 2024. Sản lượng dầu xuất khẩu của Iran trong năm 2024 cũng ở mức cao nhất kể từ năm 2018, theo dữ liệu từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Trong nhiệm kỳ đầu làm Tổng thống Mỹ, ông Trump từng đưa xuất khẩu dầu của Iran xuống gần mức 0 bằng cách tái áp đặt các lệnh trừng phạt. Song dưới thời Tổng thống Joe Biden xuất khẩu dầu của Iran đã tăng trở lại sau khi nước này tìm cách né tránh các biện pháp cấm vận.

Tổng thống Trump cáo buộc người tiền nhiệm Joe Biden không thực thi nghiêm ngặt các lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực xuất khẩu dầu của Iran, qua đó tạo điều kiện cho Tehran bán dầu để tài trợ cho chương trình hạt nhân và cung cấp vũ khí cho các lực lượng vũ trang thân Iran trong khu vực.

Kêu gọi các đồng minh cùng gây sức ép

Ông Kevin Book, chuyên gia phân tích tại ClearView Energy, nhận định chính quyền Tổng thống Trump có thể thực thi đạo luật Ngăn chặn Cảng Tiếp nhận Dầu mỏ Iran (SHIP) năm 2024 để hạn chế xuất khẩu dầu của Iran.

Cụ thể, SHIP cho phép Mỹ áp đặt biện pháp trừng phạt lên các cảng và nhà máy lọc dầu nước ngoài nếu họ xử lý dầu xuất khẩu từ Iran, đi ngược lại với lệnh cấm vận.

Chuyên gia Book cũng chỉ ra quyết định gần đây của Shandong Port Group cấm tàu chở dầu bị Mỹ trừng phạt cập cảng tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đã cho thấy tác động tiềm tàng của SHIP.

Các biện pháp cứng rắn của ông Trump có thể khiến các tàu chở dầu của Iran không thể tiếp cận các cảng biển quốc tế (Ảnh: Anadolu).

Các biện pháp cứng rắn của ông Trump có thể khiến các tàu chở dầu của Iran không thể tiếp cận các cảng biển quốc tế (Ảnh: Anadolu).

Bên cạnh đó, Tổng thống Trump đã chỉ đạo Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc làm việc với các đồng minh để hoàn tất việc tái áp đặt tất cả các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Iran vốn từng được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân trên vào năm 2018 trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump khiến Iran dần rút khỏi các cam kết hạt nhân.

Chính quyền ông Trump từng cố gắng kích hoạt cơ chế Snapback (tái áp đặt trừng phạt) vào năm 2020, song bị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bác bỏ.

Tháng 12/2024, Anh, Pháp và Đức đã tuyên bố với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng họ sẵn sàng kích hoạt cơ chế Snapback nếu cần thiết để ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, các quốc gia nói trên sẽ mất quyền thực thi điều này vào ngày 18/10 tới, khi một nghị quyết được Liên Hợp Quốc thông qua năm 2015 hết hạn.

Cụ thể, nghị quyết này bảo vệ thỏa thuận giữa Iran và Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Tehran đổi lấy việc nước này hạn chế chương trình hạt nhân.

Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc Amir Saeid Iravani nhấn mạnh việc kích hoạt cơ chế Snapback là bất hợp pháp và phản tác dụng.

Trước đó, hồi tháng 11/2024 và tháng 1 này, các nhà ngoại giao châu Âu và Iran đã gặp nhau để thảo luận về các biện pháp nhằm giảm căng thẳng khu vực, bao gồm cả vấn đề hạt nhân của Tehran, trước khi ông Trump quay trở lại Nhà Trắng.

Khánh An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ong-trump-muon-gay-ap-luc-toi-da-ep-xuat-khau-dau-cua-iran-ve-con-so-0-192250205072614171.htm