Ông Trump muốn giảm thuế cho Trung Quốc trước thềm đàm phán 'giảm nhiệt' tại Thụy Sĩ

Ông Trump gợi ý giảm thuế nhập khẩu với Trung Quốc từ 145% xuống 80%, trước cuộc đàm phán then chốt với Bắc Kinh tại Thụy Sĩ cuối tuần này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu ý tưởng giảm thuế cho Trung Quốc. Ảnh: Getty.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu ý tưởng giảm thuế cho Trung Quốc. Ảnh: Getty.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9/5 đã phát tín hiệu rằng ông có thể giảm mức thuế nhập khẩu “trên trời” đối với hàng hóa Trung Quốc, trong bối cảnh hai siêu cường chuẩn bị cho vòng đàm phán thương mại tại Thụy Sĩ cuối tuần này.

“Thuế 80% với Trung Quốc nghe có vẻ hợp lý!”, ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social. Mức thuế hiện hành mà Mỹ áp lên nền kinh tế sản xuất lớn nhất châu Á đang ở mức 145%, trong khi một số mặt hàng bị đánh thuế lên tới 245%.

Đáp trả các biện pháp thuế mạnh tay từ Washington, Trung Quốc đã áp mức thuế 125% đối với hàng hóa từ Mỹ.

Ông Trump nói thêm rằng quyết định cuối cùng “tùy vào Scott B” – ám chỉ Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, người sẽ gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong tại Geneva vào cuối tuần nhằm làm dịu tình hình căng thẳng đang làm chao đảo thị trường toàn cầu.

Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer cũng sẽ tham gia cuộc gặp.

“Quan điểm của tổng thống vẫn không thay đổi – ông sẽ không đơn phương giảm thuế với Trung Quốc. Chúng tôi cần thấy nhượng bộ từ phía họ nữa”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt nói với báo giới chiều thứ Sáu.

“Về con số 80%, đó là con số Tổng thống đưa ra. Còn mọi chuyện sẽ thế nào thì phải chờ sau cuối tuần này”, bà bổ sung.

Mức thuế cao ngất hiện tại khiến mối quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gần như bị đóng băng. Dữ liệu vận tải hàng hóa tư nhân cho thấy lượng hàng từ Trung Quốc sang Mỹ đã giảm mạnh.

“Tín hiệu tích cực”

“Mối quan hệ hiện giờ không tốt”, ông Bill Reinsch, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định về quan hệ Washington–Bắc Kinh hiện nay.

“Chúng ta đang có các loại thuế mang tính cấm vận thương mại theo cả hai chiều. Quan hệ đang xấu đi”, ông Reinsch – cựu ủy viên Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ–Trung cho biết. “Nhưng việc tổ chức cuộc gặp là một tín hiệu tích cực”.

“Tôi nghĩ điều quan trọng là hai bên vẫn đối thoại, và điều đó tự thân đã rất đáng giá”, Giáo sư kinh tế và tài chính Từ Bân (Xu Bin) thuộc Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc–Châu Âu (CEIBS) nói với AFP. “Vì Trung Quốc là nước duy nhất đáp trả thuế của ông Trump bằng biện pháp tương tự”.

Bắc Kinh nhiều lần khẳng định Mỹ cần gỡ bỏ thuế trước, và cam kết sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia.

Ông Bessent cho biết các cuộc gặp tại Thụy Sĩ sẽ tập trung vào “giảm leo thang” thay vì đạt một “thỏa thuận thương mại lớn”.

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) – bà Ngozi Okonjo-Iweala – hôm thứ Sáu đã hoan nghênh cuộc đàm phán, gọi đây là “bước đi tích cực và mang tính xây dựng hướng đến hạ nhiệt căng thẳng”.

“Đối thoại liên tục giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là điều sống còn để giảm xung đột thương mại, ngăn thế giới phân mảnh theo các đường ranh địa chính trị và duy trì đà tăng trưởng toàn cầu”, bà phát biểu qua người phát ngôn.

Tổng thống Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter cũng thể hiện lạc quan: “Hôm qua, Đức Thánh Linh đã ở Rome,” bà nói, ám chỉ việc Giáo hoàng Leo XIV vừa được bầu. “Chúng ta hy vọng ngài sẽ xuống Geneva cuối tuần này”.

Đặt nền móng đàm phán từ thỏa thuận với Anh

Cuộc gặp giữa ông Bessent và ông Hà Lập Phong diễn ra hai ngày sau khi ông Trump công bố một thỏa thuận thương mại “lịch sử” với Anh – thỏa thuận đầu tiên với bất kỳ quốc gia nào kể từ khi ông khởi động chiến dịch áp thuế toàn cầu hồi tháng trước.

Tài liệu dài 5 trang, không mang tính ràng buộc pháp lý, được công bố để trấn an các nhà đầu tư rằng Mỹ vẫn sẵn sàng đàm phán giảm thuế đối với từng lĩnh vực cụ thể – trong trường hợp này là xe hơi, thép và nhôm của Anh.

Đổi lại, Anh chấp nhận mở cửa thị trường cho thịt bò và các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ.

Tuy nhiên, mức thuế cơ sở 10% với hầu hết hàng hóa từ Anh vẫn được giữ nguyên, và ông Trump vẫn “kiên quyết” duy trì mức này với các quốc gia khác đang đàm phán với Mỹ – theo lời Thư ký báo chí Leavitt.

Ông Reinsch từ CSIS cho rằng một trở ngại thực tế khi bước vào đàm phán tại Geneva là hai bên có chiến lược đối thoại rất khác nhau.

“Cách tiếp cận của ông Trump thường là từ trên xuống”, ông nói. “Ông ấy muốn gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, và tin rằng nếu hai nhà lãnh đạo cùng ngồi lại, họ có thể đạt một thỏa thuận lớn, sau đó cấp dưới sẽ hoàn thiện chi tiết”.

“Còn phía Trung Quốc thì ngược lại”, ông nhận xét. “Họ muốn giải quyết tất cả các vấn đề từ cấp thấp trước, rồi mới tiến đến gặp cấp cao”.

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/ong-trump-muon-giam-thue-cho-trung-quoc-truoc-them-dam-phan-giam-nhiet-tai-thuy-si-post185415.html