'Trump 2.0': Nhiệm kỳ đậm dấu ấn trên trường quốc tế
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức bước vào nhiệm kỳ thứ hai trong ngày 21-1 (giờ Việt Nam), giai đoạn được truyền thông quốc tế gọi là 'Trump 2.0'.
Lúc này, không chỉ nước Mỹ, mà cả thế giới đều dõi theo những quyết sách nhanh chóng và mạnh mẽ, vốn được đánh giá sẽ để lại những dấu ấn đậm nét trong bức tranh toàn cảnh nước Mỹ và toàn cầu nhiều năm tới.
Trước diễn biến đáng chú ý này, các nhà báo công tác trong lĩnh vực thời sự quốc tế và thông tin đối ngoại đã chia sẻ những nhận định và dự báo về một giai đoạn đầy biến động cả về kinh tế lẫn địa chính trị.
Nhà báo Thúy Quỳnh (Báo Nhân Dân): Vị Tổng thống với dấu ấn cá nhân mạnh mẽ
Với lần thứ hai quay trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump chắc chắn sẽ không phải là một Tổng thống “truyền thống” của nước Mỹ. Công chúng Xứ Cờ hoa chắc chắn sẽ vẫn đón nhận những động thái táo bạo, với những tuyên bố lập trường trên Twitter hay sự “khó lường” trong khi đưa ra những quyết sách…
So với kinh nghiệm thương trường thì kinh nghiệm chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump hiển nhiên "khiêm nhường" hơn. Tuy nhiên, ông không ngại, thậm chí lại ưa thích hướng đến những vấn đề nóng, thu hút sự chú ý của công chúng và truyền thông. Trong nhiệm kỳ trước, ông chủ Nhà Trắng không đưa ra chiến lược đối ngoại chung, nguyên tắc đối ngoại, chính sách đối ngoại tổng thể với các khu vực, quốc gia nào, và điều này rất có thể lặp lại.
Tầm nhìn “Nước Mỹ trên hết” (America First) của ông Donald Trump chắc chắn sẽ tiếp tục tập trung vào khía cạnh cạnh tranh, so sánh thiệt – hơn với mọi đối tượng, bất kể là đồng minh hay đối thủ cạnh tranh, tránh việc nước Mỹ bị thiệt nếu như đối phương giành thắng lợi.
Bên cạnh đó, để thể hiện “cái tôi” của nước Mỹ và sức mạnh của nước Mỹ, sở trường tạo dựng quan hệ cá nhân với lãnh đạo những nước lớn sẽ tiếp tục được Tổng thống Mỹ phát huy.
Thực tế, ở nhiệm kỳ trước, Tổng thống Donald Trump thường xuyên thể hiện sự sẵn sàng “thương lượng trực tiếp” với các vị lãnh đạo cường quốc hàng đầu thế giới như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un…. Vốn là người “ngoại đạo” trong chính trị quốc tế, việc tạo dựng quan hệ cá nhân theo hình thức này rõ ràng đem lại thế mạnh rất riêng cho vị Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ.
Nhà báo Ngọc Mai (Báo Thanh Niên): Nhiệm kỳ của công nghệ và trí tuệ nhân tạo
Từ việc các tỉ phú công nghệ dồn sức giúp ông Donald Trump tranh cử, đóng góp “khủng” cho lễ nhậm chức cho đến sự xuất hiện hết sức nổi bật tại sự kiện hôm 20-1 vừa qua, có thể thấy tân chủ nhân của Nhà Trắng có mối quan tâm hết sức rõ ràng với lĩnh vực công nghệ.
Trong không gian giới hạn tại khu vực mái vòm của Điện Capitol trong ngày nhậm chức, không khó để nhận ra những gương mặt được xếp ở vị trí trung tâm như vợ chồng ông chủ Meta Mark Zuckerberg, ông chủ SpaceX Elon Musk, người sáng lập Amazon Jeff Bezos, Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai, Giám đốc điều hành Apple Tim Cook. Tất cả họ đã cùng chứng kiến thời khắc Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ tuyên thệ, chính thức quay lại Nhà Trắng. Đó chắc chắn không phải là sự sắp xếp ngẫu nhiên, mà có thể coi là “bố cáo” của chính quyền Nhà Trắng thời kỳ “Trump 2.0”.
Cũng phải nói rằng, trong khoảng 200 văn kiện được Tổng thống Donald Trump ký ngay ngày đầu tiên, có sắc lệnh hành pháp để thành lập nhóm cố vấn mang tên Ban Hiệu suất chính phủ do tỷ phú Elon Musk điều hành. Chỉ một ngày sau, ông Donald Trump tiếp tục gây chú ý khi công bố dự án đầu tư khổng lồ lên tới 500 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo (AI), chọn mặt gửi vàng 3 công ty công nghệ có tiếng là Softbank, Oracle và OpenAI.
Thông điệp được ông đưa ra không chỉ là phát triển, mà còn nhằm “giữ công nghệ AI trên đất Mỹ”. Quyết định này một lần nữa củng cố quan điểm thực tế của ông Donald Trump và hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu mà nhà lãnh đạo này liên tục theo đuổi.
Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, đánh giá lợi ích sẽ thay đổi ở từng giai đoạn và những quyết sách tương lai của ông Donald Trump với giới công nghệ cũng có thể được điều chỉnh khó lường nếu tới đây có thêm những biến số mới.
Nhà báo Hà Liên (Báo Lao động): Tác động sâu sắc tới cả đồng minh và đối thủ
Cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai, dựa trên quan điểm "Nước Mỹ trên hết", có thể định hình lại đáng kể trật tự toàn cầu. Những ưu tiên có thể sẽ tập trung vào việc khẳng định chủ quyền của Mỹ, tiếp tục giảm sự phụ thuộc vào các thể chế đa phương và ưu tiên chủ nghĩa dân tộc kinh tế, với những tác động sâu sắc đối với cả đồng minh và đối thủ.
Riêng với Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump có thể sẽ tăng cường sự cạnh tranh kinh tế và địa chính trị, mở rộng thuế quan, lệnh trừng phạt và các chính sách nhắm vào ảnh hưởng của Trung Quốc trong công nghệ, thương mại và an ninh toàn cầu.
Về năng lượng và thương mại, Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ có thể thúc đẩy sự độc lập lớn hơn về năng lượng của Hoa Kỳ, thu hẹp các sáng kiến về khí hậu và khôi phục sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Các chính sách thương mại của ông có thể sẽ tập trung vào việc đảm bảo các điều khoản tốt hơn cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ, ngay cả khi phải trả giá bằng sự căng thẳng kinh tế toàn cầu.
Chắc chắn, ông chủ “mới mà cũ” của Nhà Trắng sẽ đánh giá lại các cam kết của Mỹ đối với các thể chế như Liên hợp quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO), dựa trên giá trị của các tổ chức này đối với lợi ích của nước Mỹ.
Về quốc phòng, chính quyền mới tại Nhà Trắng sẽ tiếp tục nỗ lực củng cố mối quan hệ với các đồng minh như Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, trong khi tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Tương tự trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Donald Trump cũng có thể yêu cầu các đồng minh châu Âu tăng đóng góp quốc phòng, dù điều này sẽ gây căng thẳng cho các mối quan hệ trong NATO, có khả năng làm suy yếu các nỗ lực an ninh tập thể.
Ở Trung Đông, nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump có thể bao hàm nỗ lực mở rộng Hiệp định Abraham, khuyến khích nhiều quốc gia Ả rập bình thường hóa quan hệ với Israel. Trong khi đó, lập trường cứng rắn của ông đối với Iran có thể dẫn đến căng thẳng gia tăng, với các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt hơn hoặc thậm chí là xung đột quân sự nếu Iran thúc đẩy chương trình hạt nhân của mình.
Dù cách tiếp cận của Tổng thống Donald Trump trong các vấn đề đang dẫn tới một số dư luận trái chiều, nhưng một điều chắc chắn là: Nhiệm kỳ lần này sẽ để lại dấu ấn lâu dài trên trường quốc tế.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/trump-2-0-nhiem-ky-dam-dau-an-tren-truong-quoc-te-691269.html