Ông Trump tạm gác 'Nước Mỹ trên hết' vì World Cup 2026
Chính quyền ông Trump đang tạm gác khẩu hiệu 'Nước Mỹ trên hết' để chuẩn bị cho vai trò chủ nhà World Cup 2026 - sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh.
Một ngày tháng 6, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) bất ngờ đăng lên mạng xã hội rằng nhân viên của họ sẽ “khôi giáp chỉnh tề” xuất hiện tại các trận đấu FIFA Club World Cup. Bài đăng khiến Alex Lasry, Giám đốc điều hành Ủy ban đăng cai World Cup New York - New Jersey 2026, lo ngại vì có thể khiến người hâm mộ dè chừng tới sân.
Nhưng khi liên hệ Nhà Trắng, ông Lasry lại nhận được thông điệp trái ngược: Andrew Giuliani - con trai cựu Thị trưởng New York Rudy Giuliani và hiện là người đứng đầu nhóm chuyên trách World Cup - trấn an rằng sự hiện diện của Bộ An ninh Nội địa sẽ chỉ mang tính thủ tục. Không lâu sau, bài đăng của CBP được gỡ xuống.
“World Cup lớn nhất lịch sử sẽ vừa an toàn vừa thân thiện. Là chủ nhà, chúng tôi tự hào mở cửa chào đón người hâm mộ toàn thế giới và một trong những mục tiêu của lực lượng chuyên trách là đảm bảo khán giả quốc tế có thể tham gia sự kiện lịch sử này”, ông Giuliani nói với Politico.
Bóng đá nhường chỗ cho 'nước Mỹ trên hết'?
Từng là chủ sở hữu đội bóng bầu dục Mỹ, ông Trump từ lâu đã bị cuốn hút bởi sự sôi động và hào nhoáng của các cuộc tranh tài thể thao. Trong nhiệm kỳ đầu, ông đã nỗ lực đưa World Cup và Thế vận hội trở lại Mỹ. Và nay, ở nhiệm kỳ thứ hai, ông có cơ hội trực tiếp chủ trì các sự kiện thể thao đó.
Tuy nhiên, điều này đòi hỏi giới chức Mỹ phải phối hợp tổ chức những sự kiện phức tạp về mặt hậu cần. Công tác này cần đến sự hợp tác toàn cầu và sự tự do đi lại, trong khi chúng đi ngược lại với đường lối “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump.
“Ông Trump, như tất cả chúng ta đều biết, thích sự chú ý”, ông Alan Rothenberg - "kiến trúc sư” của kỳ World Cup 1994 tại Mỹ, dưới thời chính quyền Bill Clinton - nhận xét. “Còn gì thu hút chú ý hơn việc có vài tỷ người dõi theo ông đá quả bóng khai mạc danh dự và trao cúp vô địch cho đội chiến thắng?”.
Niềm hứng khởi với các sự kiện thể thao rực rỡ đã khiến ông Trump nhanh chóng đón nhận mọi mặt của kỳ World Cup 2026 - một trong những sự kiện thể thao lớn nhất từ trước đến nay - dù điều này có thể làm phật lòng một bộ phận cử tri trung thành.
Chẳng hạn, khi Nhà Trắng ban hành lệnh cấm nhập cảnh vào tháng trước đối với công dân từ 19 quốc gia, ông Trump đã dành riêng ngoại lệ cho các vận động viên quốc tế, huấn luyện viên và đội ngũ hỗ trợ tham dự World Cup, Thế vận hội và các giải đấu thể thao đẳng cấp khác.
Và dù thường xuyên chỉ trích Liên Hợp Quốc, NATO và Tổ chức Y tế Thế giới, ông Trump lại tỏ ra chiều lòng FIFA - cơ quan quản lý bóng đá toàn cầu. Chủ tịch FIFA, ông Gianni Infantino, đã nhiều lần được chào đón trọng thị tại Phòng Bầu Dục với những buổi chụp ảnh thân mật - nơi lãnh đạo Ukraine và Nam Phi từng bị ông Trump công khai chỉ trích.

Ông Trump cầm quả bóng FIFA in tên ông, bên cạnh là Chủ tịch FIFA Gianni Infantino, tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ở Washington, D.C. vào ngày 7/3. Ảnh: Reuters.
Trong nước, ông Giuliani - người đứng đầu đội ngũ đặc trách World Cup - đã trực tiếp đến thăm hoặc trao đổi với toàn bộ 11 thành phố đăng cai, phần lớn nằm ở các bang do đảng Dân chủ lãnh đạo, để họp trù bị vấn đề an ninh.
Điều này diễn ra ngay cả khi ông Trump công khai công kích chính quyền những nơi này vì chính sách về người vô gia cư hay cách họ xử lý biểu tình. Trong khi ông Trump đe dọa cắt viện trợ liên bang cho một số thành phố trên, dự thảo ngân sách của ông lại cam kết sẽ phân bổ kinh phí hỗ trợ họ đảm bảo an ninh cho World Cup.
“Ông Trump đã nhiều lần khẳng định muốn để lại di sản là người kiến tạo hòa bình”, ông Alex Bruesewitz - chiến lược gia tranh cử phục vụ ông Trump - nói. “Trong khi đó, thể thao, trong hàng trăm năm qua, đã đưa các nước lại gần với nhau. Tổng thống hiểu rõ điều đó”.
Sự mềm mỏng với môn thể thao vua
Đây không phải lần đầu tiên ông Trump thể hiện sự mềm mỏng với bộ môn thể thao vua.
Năm 2018, Bộ Tư pháp Mỹ chuẩn bị xuất hiện trước Tòa án Tối cao để bảo vệ sắc lệnh cấm nhập cảnh với công dân 7 nước Hồi giáo, ông Trump lại ký bức thư đầy thiện chí, cam kết cho phép “mọi vận động viên, quan chức và cổ động viên đủ điều kiện từ mọi quốc gia” vào Mỹ.
Lá thư ấy chính là yếu tố then chốt trong chiến dịch vận động hơn 50 nước ủng hộ quyền đăng cai World Cup 2026 của liên minh Mỹ - Canada - Mexico.
Một người tham gia chiến dịch chia sẻ với Politico: “Khi đối phương băn khoăn về vấn đề visa, chúng tôi sẽ nói: ‘Đừng lo. Chúng tôi đã trao đổi với Tổng thống, trong thư này ông ấy đã khẳng định việc này sẽ không là vấn đề”.
Tháng 6/2018, nhờ bức thư của ông Trump, Mỹ đã giành quyền đăng cai. Dù sau đó ông Trump tiếp tục theo đuổi chính sách xây tường biên giới với Mexico và có căng thẳng ngoại giao với Canada, ông vẫn giữ lời cam kết với FIFA.

Tổng thống Trump có mối quan hệ thân thiết với ông Gianni Infantino, Chủ tịch FIFA. Ảnh: New York Times.
Sau khi ông Trump rời nhiệm kỳ đầu, chính quyền ông Biden tiếp tục chuẩn bị cho World Cup theo cam kết cũ. Nhưng khi ông Trump tái đắc cử, ông đối mặt với những thực tế mới: Chính sách siết biên giới do ông khởi xướng đang mâu thuẫn trực tiếp với các cam kết về nhập cảnh cho World Cup.
Vì vậy, Nhà Trắng đã phải đặt ra ngoại lệ. Trong dự thảo sắc lệnh cấm nhập cảnh gần đây cấm nhập cảnh với công dân từ các nước “đe dọa an ninh quốc gia”, chính quyền ông Trump đưa ra miễn trừ cho “mọi vận động viên hoặc thành viên đội thể thao di chuyển để tham gia World Cup, Olympic, hoặc các sự kiện thể thao lớn khác do Bộ Ngoại giao quyết định”.
Thậm chí, chính quyền ông Trump còn thành lập “Nhóm đặc trách World Cup” gồm Bộ trưởng An ninh Nội địa Kristi Noem và Ngoại trưởng Marco Rubio. Nhóm này điều phối mọi việc từ an ninh đến cấp thị thực, làm việc với đại sứ quán Mỹ trên khắp thế giới để xử lý hồ sơ cho 6,5 triệu cổ động viên dự kiến đến Mỹ, Mexico và Canada vào mùa hè 2026.
“Việc tạo điều kiện cho cộng đồng thể thao bằng cách tổ chức sự kiện quốc tế là minh chứng cho thấy Tổng thống không hành xử bất công và không khép kín cánh cửa vào Mỹ”, một quan chức Nhà Trắng chia sẻ ẩn danh.
Vẫn còn nhiều dấu hỏi
Tuy nhiên, ông Trump cũng đang chịu áp lực từ chính nội bộ người ủng hộ liên quan World Cup 2026.
Các đồng minh bảo thủ như người dẫn chương trình Tucker Carlson hồi 2006 từng gọi World Cup là sự kiện của “cái ác” và là “bước đệm hướng tới chính phủ toàn cầu”. Cựu Chủ tịch chiến dịch tranh cử của ông Trump, Steve Bannon, gần đây đùa rằng “nên cấm hoàn toàn đi lại với FIFA vì tôi ghét bóng đá”.
Dù World Cup chỉ còn chưa đầy một năm nữa, vẫn còn nhiều ẩn số. Các quyết định như có cho phép nhập cảnh với phái đoàn từ Iran - quốc gia vừa bị ông Trump ra lệnh oanh tạc - hay không sẽ là phép thử cho tính nhất quán của ông Trump.
Hiện cũng không rõ liệu ông có từ chối cấp visa cho các vận động viên hay giới chức bóng đá có phát ngôn bài Israel hay không, như từng làm với ban nhạc Bob Vylan.
Mỗi quyết định ấy có thể buộc ông Trump phải lựa chọn giữa một bên là hình ảnh mà ông muốn xây dựng trên trường quốc tế với tư cách nước chủ nhà của giải đấu, và một bên là bản sắc chính trị đã gắn kết liên minh cử tri ủng hộ ông trong nước.
Nguồn Znews: https://znews.vn/ong-trump-tam-gac-nuoc-my-tren-het-vi-world-cup-2026-post1566585.html